Cổ phiếu QBS tăng giá mạnh: Phục hồi kỹ thuật rồi lịm đi?

(ĐTCK) Cổ phiếu QBS của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình đang nóng trên các diễn đàn mạng về đầu tư khi tăng giá gần 20% sau 8 phiên giao dịch và khối lượng khớp lệnh tăng đột biến.  
Cổ phiếu QBS tăng giá mạnh: Phục hồi kỹ thuật rồi lịm đi?

Khoản phải thu ngày càng tăng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, trong kỳ, QBS đạt 446 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 5,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh. Quý I năm ngoái, doanh thu thuần của QBS là 566 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,5 tỷ đồng.

Ðáng lưu ý, trong quý I/2019, QBS có khoản gần 11 tỷ đồng doanh thu tài chính phát sinh từ chiết khấu thanh toán, lãi bán hàng trả chậm. Doanh thu bán hàng giảm, nhưng các chi phí liên quan đến hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ hoạt động kinh doanh tiếp tục co hẹp, báo cáo tài chính của QBS còn phản ánh một số vấn đề bất thường khác, liên quan đến các khoản phải thu của Công ty.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2019, QBS có 1.002 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khách hàng, 159 tỷ đồng trả trước cho người bán. Con số này đầu năm nay tương ứng là 732,7 tỷ đồng và 112 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu thuần quý I/2019 chỉ đạt 446 tỷ đồng, nhưng số dư phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng lên hơn 293 tỷ đồng.

Với sự thay đổi này, số dư các khoản phải thu ngắn hạn của QBS (các khoản phải thu khác, sau trích lập dự phòng là 16,7 tỷ đồng) là 1.156,5 tỷ đồng trên tổng tài sản 2.237,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ gần 51,7%. Con số này lớn hơn doanh thu hai quý gần nhất (tổng doanh thu quý I/2019 và quý IV/2018 là 998 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2016, QBS đạt doanh thu thuần 4.174 tỷ đồng, số dư phải thu ngắn hạn khách hàng thời điểm cuối năm là 164 tỷ đồng; năm 2017, các con số này lần lượt là 3.495 tỷ đồng và 472 tỷ đồng. 

Tăng vốn đột biến, lợi nhuận phập phù

Theo bản cáo bạch niêm yết, QBS thành lập đầu năm 2007 trên cơ sở tách ra từ Công ty cổ phần Hảo Mỳ - doanh nghiệp có hàng chục năm kinh nghiệm thương mại nội địa về phân bón, hóa chất và nông sản.

Năm 2010, QBS phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (gồm 3 cổ đông), tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 4,8 tỷ đồng. Năm 2012, 2 năm trước khi niêm yết, QBS thực hiện tăng vốn lần thứ 5 lên 56 tỷ đồng. Khi đó, Công ty vẫn chỉ có 3 cổ đông. 7 tháng trước ngày đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (13/11/2014), QBS tăng vốn điều lệ từ 56 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng, tương đương tăng quy mô 5,7 lần về vốn.

Tăng mạnh về vốn điều lệ trong 3 năm liên tiếp, 2013 - 2015 (năm 2016 cũng tăng vốn, nhưng chỉ tăng hơn 8,3%), lợi nhuận của QBS tăng mạnh theo. Nhưng năm 2015, khi QBS hoàn thành tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu thì cũng là thời điểm kết quả kinh doanh của Công ty đạt đỉnh, sau đó lao dốc.

Diễn biến kết quả kinh doanh của QBS khác xa kế hoạch mà Công ty đưa ra khi mới chào sàn. Cụ thể, trong bản cáo bạch niêm yết, QBS dự báo, năm 2014, Công ty có thể đạt 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2015 đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế với phương án vốn điều lệ tăng 20% so với năm 2014 lên mức 384 tỷ đồng. Cũng theo bản cáo bạch, QBS dự kiến chia cổ tức 2 năm 2014, 2015 lần lượt là 20% và 25%.

 Vốn điều lệ QBS từ khi thành lập dến nay (Đơn vị: tỷ đồng).

Tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, trả lời đề xuất của cổ đông về việc trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu, Ban lãnh đạo QBS xin phép trả lời qua… email.

Năm 2018, tình hình kinh doanh của QBS khả quan hơn, đạt 59 tỷ đồng lợi nhuận, dù khoản phải thu tăng đột biến (khiến chất lượng lợi nhuận trở nên mong manh). Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận giảm so với thực hiện năm 2018, ở mức 50 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 5 - 10% mệnh giá.

Doanh thu sụt giảm, chất lượng doanh thu, tài sản gây băn khoăn khi các khoản phải thu tăng đột biến, lợi nhuận “phập phù”, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức thấp…, khiến giá cổ phiếu QBS lao dốc sau khi niêm yết.

Còn nhớ, đầu năm 2014, khi quá trình chuẩn bị đại chúng hoá QBS đang diễn ra, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra hào hứng với cổ phiếu QBS. Bên lề một cuộc họp trong lĩnh vực chứng khoán tổ chức tại Khách sạn Melia Hà Nội, nhiều nhà đầu tư hào hứng chia sẻ về cổ phiếu QBS và săn mua trên thị trường tự do với giá cao, kỳ vọng đây là mã chứng khoán có thể mang lại tỷ lệ ROE vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường. Vậy nhưng, kết quả thực tế hoàn toàn trái ngược. 

Mất mát của nhà đầu tư

Từ mức giá đỉnh đạt được khi niêm yết là 26.700 đồng/cổ phiếu ngày 20/11/2014, tương đương mức giá 20.820 đồng/cổ phiếu sau khi điều chỉnh quyền mua cổ phiếu và cổ tức, giá cổ phiếu QBS đã rơi về mức thấp nhất, gần 3.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/5/2019. Những lần tác động đến việc điều chỉnh quyền bao gồm 2 lần chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% mệnh giá cổ phần (tương đương 500 đồng/cổ phiếu), một lần “được” mua ưu đãi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Loại trừ các tác động này, nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu QBS có thể đã bay hơn 80% giá trị đầu tư.

Giao dịch cổ phiếu QBS trên thị trường cũng khá đặc biệt, khi luôn có những con sóng về thanh khoản đi kèm với giá tăng. Nhưng giữa những con sóng ấy, cổ phiếu QBS cứ lịm dần cả về giá cũng như thanh khoản.

Kể từ phiên giao dịch ngày 14/5/2019, giá cổ phiếu QBS đã bắt đầu một đợt tăng trở lại, với thanh khoản từng bước nhúc nhích, đặc biệt tăng mạnh khối lượng khớp lệnh vào phiên giá tăng trần ngày 22/5/2019, đạt 3.350 đồng/cổ phiếu. Với kế hoạch kinh doanh tiếp tục ở mức thấp, chất lượng khoản phải thu đáng lưu ý, liệu cổ phiếu QBS sẽ hồi sinh, hay chỉ là phục hồi kỹ thuật rồi lại lịm dần? Một số môi giới khuyến nghị, dù mức giá "trà đá", nhưng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với cổ phiếu này.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục