Cổ phiếu phát triển hạ tầng có lên ngôi?

(ĐTCK) Được đánh giá là có lợi nhuận ổn định, ít rủi ro, cộng với tiềm năng tăng trưởng của ngành, các cổ phiếu ngành phát triển cơ sở hạ tầng sau thời gian ẩn mình đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của thị trường.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trong những năm tới, yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tiếp tục tăng, riêng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ 2015-2020 sẽ là hơn 230.000 tỷ đồng.

Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các công ty trong ngành, đặc biệt là những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm, có uy tín và thị phần lớn trên thị trường như CII, HUT, Cienco…

Những công ty này được xếp trong nhóm ngành bất động sản nhà ở và khu đô thị, nhưng tên tuổi dường như không nổi bật bằng không nổi bật bằng, đơn giản vì mảng bất động sản không là mảng chính yếu mang lại doanh thu, lợi nhuận cho công ty, mà chủ yếu đến từ mảng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Có lẽ cũng vì vậy mà diễn biến giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết như CII, HUT cũng khó tạo được cá đợt sóng thu hút sự quan tâm của NĐT.

Tương tự, các đợt IPO các tổng công ty Cienco cũng gặp khó khăn khi giá đặt bán chỉ bằng mệnh giá, cộng thêm nỗi lo không bán hết lượng cổ phần chào bán. Các công ty phát triển cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ vốn cho các dự án nếu không nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư.

Trên thực tế, dù không chào bán hết trong 1 lần, nhưng các công ty ngành giao thông cũng đã IPO thành công ngoài mong đợi, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã cổ phần hóa thành công vượt dự kiến với hơn 16,1 triệu cổ phần được bán hết. Ngày 2/12 vừa qua, 35% vốn còn lại (tương đương 21 triệu cổ phần) của Nhà nước tại Cienco 4 cũng đã được bán đấu giá thành công cho CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc với giá 14.062 đồng/cp, cao hơn 40% so với mệnh giá.

Nhiều DNNN cùng ngành cũng được bán ra dễ dàng như Cienco 1 (38% bán cho Hassyu Việt Nam, Yên Khánh và Fecon), Cienco 8 (Nhà nước chỉ còn nắm giữ 49%).

Vói công ty trên sàn như CII, LGC, HUT cũng đã tạo bất ngờ khi tự tin tăng vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi với giá bán cao hơn nhiều giá thị trường.

HUT đã chào bán riêng lẻ thành công 20 triệu cổ phiếu trong tháng 4 năm 2014, thu về 198.2 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu đầu tư của HUT.

Sau đó, HUT tiếp tục lên kế hoạch phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp và phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, với mệnh giá 1 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp.

Đầu tháng 1 năm 2015, HUT đã chuyển đổi xong 100.000 trái phiếu, thành 10 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, đưa vốn điều lệ lên 946.5 tỷ đồng.

Đối với CII, đầu tháng 12/2014, CII công bố có nhà đầu tư đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu LGC và 1.200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu hoán đổi với giá chào mua vượt khá cao so với giá khởi điểm 16.500 đồng, lợi nhuận ước đạt của CII ít nhất 1.600 tỷ đồng. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong quý 1 năm 2015.

Việc huy động thêm vốn  của CII, HUT thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán chính là để phục vụ các dự án rất lớn trong thời gian sắp tới.

Vậy đâu là điểm hấp dẫn khiến cho các nhà đầu tư chiến lược quyết định trả giá cao cho các công ty và sẵn sàng bỏ tiền vào các dự án này?

Kết quả kinh doanh của bản thân các công ty chính là đảm bảo tốt cho việc phát hành các công cụ nợ tài trợ dự án. Năm 2014, các công ty có lợi nhuận tăng trưởng khả quan do được hạch toán các dự án đã hoàn thành dự án.

HUT đã bàn giao dự án BT21 cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 1/10/2014 và có thể đóng góp khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận vào quý IV. CII cũng đã nhận được thanh toán từ ngân sách cho dự án BT cầu Sài Gòn 2 trong tháng 12/2014.     

Không chỉ có nguồn thu từ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, CII hay HUT cũng đầu tư các dự án bất động sản. Các công ty nắm được quy hoạch hạ tầng có thể lựa chọn đầu tư hoặc đổi hạ tầng lấy quỹ đất ở những khu vực hấp dẫn. CII có thể bắt đầu thu lợi nhuận của 5ha đất Thủ Thiêm, TP. HCM từ năm 2015.

Trong khi đó, HUT sẽ có một khoản lợi nhuận đáng kể nhờ Dự án bất động sản Khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. HUT dự kiến thu về khoảng 3.000 tỷ đồng trong 3 năm 2015-2017 từ các dự án bất động sản, trong đó riêng Dự án Xuân Phương đóng góp 1.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể những mảng hoạt động tiềm năng trong tương lai, như với HUT, công ty đang hợp tác với ngân hàng BIDV là đơn vị duy nhất hiện nay triển khai triển hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng trên tuyến quốc lộ 1.

Hệ thống thu phí tự động này có thể được đưa vào vận hành thử trong quý 1/2015 tại một số dự án BOT đã hoàn thành. Sau đó, HUT sẽ triển khai hệ thống này trên toàn tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14. Với việc đi đầu áp dụng công nghệ tiên tiến tạo nền tảng giao thông hiện đại, HUT đã mở thêm một hướng kinh doanh mới khá hấp dẫn.

Cần lưu ý, các dự án đường giao thông BT, BOT có mức sinh lời trung bình khoảng 12-14% vốn chủ sở hữu, rất hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng ngày càng giảm thấp.

Mặc dù các khoản vay để thực hiện dự án rất lớn, nhưng tình hình tài chính của các công ty rất an toàn do các khoản vay đều được đảm bảo.

Đối với các dự án BT, sau khi dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng thì tiền lãi vay của khoản tiền Nhà nước chậm trả được thanh toán theo thực tế. Đối với dự án BOT, tiền lãi vay đầu tư trong thời gian khai thác được thanh toán thực thanh từ nguồn thu phí hoàn vốn cho dự án.

Sau thời gian ẩn mình, các cổ phiếu ngành phát triển cơ sở hạ tầng bắt đầu có được sự chú ý của thị trường. Các công ty có thể đẩy mạnh huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ có nguồn lực lớn thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tạo ra các bước đột phá. Cổ phiếu, trái phiếu ngành phát triển cơ sở hạ tầng sẽ trở thành một mặt hàng chất lượng trên thị trường chứng khoán.  

Công Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục