Thứ nhất, TTCK Việt Nam đã chạm vào đáy nguy hiểm, VN-Index và HNX-Index (đặc biệt là HNX-Index) đã sụt giảm về các mức đáy mà nhiều nhà đầu tư khó nghĩ đến.
Giá hầu hết các cổ phiếu rẻ đến mức không thể chấp nhận được, mà nhiều người vẫn ví là không bằng mớ rau muống, trà đà, thậm chí là không bằng một cọng hành.
Tuy nhiên, nhiều NĐT vẫn ái ngại, lo sợ không dám mua vào vì sợ nó còn tiếp tục giảm và có người còn nghĩ đến một kết cục có một không hai là giá cổ phiếu sẽ về 0 đồng/CP (với VKP). Tuy nhiên, theo tôi, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra và thực tế đúng như vậy.
Thứ hai, Chính phủ đã hạ quyết tâm phải cứu thị trường BĐS và TTCK. Theo tôi, việc cứu TTCK là tất yếu, vì TTCK là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, nếu không có biện pháp hỗ trợ TTCK thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.
Ngoài ra, tiến trình cổ phần hóa của Nhà nước cũng sẽ bị ảnh hưởng và làm giảm hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế. Còn đối với việc hỗ trợ thị trường BĐS, tôi nghĩ phải có lộ trình, không thể vội vã.
Tôi rất đồng tình với nhận xét của TS Cao Sỹ Kiêm: "thị trường BĐS trong những năm qua đã bị đẩy giá lên quá cao gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, nay cần phải để cho xì hơi dần dần, không được tiếp tục bơm nóng vào nữa. Cần phải để BĐS về với giá trị thực vì hiện nay vẫn đang còn ở mức cao".
Trong kế hoạch điều tiết vĩ mô của Chính phủ, lãi suất ngân hàng sẽ phải điều chỉnh về mức hợp lý hơn, đồng thời, mở rộng thêm một số lĩnh vực cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, kênh hút vốn của ngân hàng sẽ có phần suy giảm.
Trong khi đó, vàng sẽ chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt, không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa, BĐS cũng khó mà nóng trong ít nhất là 6 tháng nữa. Trái với thị trường BĐS và vàng, TTCK đã sụt giảm quá mạnh và đã đi vào vùng quá đáy, vì vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để giải ngân. Lần này, cùng với quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý, tôi tin TTCK sẽ khởi sắc trở lại.
Theo tôi, trong chu kỳ tăng sắp tới, các cổ phiếu penny sẽ đóng vai trò chủ đạo vì đây là những mã đã giảm quá đà trong thời gian vừa qua, trong đo, có nhiều mã có giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách.
Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát dần được kiểm soát, chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng, dòng tiền vào TTCK sẽ tăng lên, khi đó, tôi tin những mã penny này sẽ trở thành đối tượng được "săn đón" của giới đầu tư.