Cổ phiếu nóng HAR trở lại "vạch xuất phát"

(ĐTCK) Giá cổ phiếu HAR có thời điểm tăng tới trên 300% so với mốc giá chào sàn, thanh khoản có phiên lên tới hàng triệu cổ phiếu. Sự tăng nóng này hàm chứa nhiều nghi vấn, dù hiện nay, giá HAR đã rơi dưới vạch xuất phát hôm chào sàn.

Niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) từ ngày 17/1/2013, cổ phiếu HAR của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền đã có nhiều đợt sóng tăng mạnh dù kết quả kinh doanh không có gì đột biến. Ngày 17/1/2013, 35 triệu cổ phiếu HAR được niêm yết trên sàn HOSE, với mức giá tham chiếu là 12.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được tính toán dựa trên trên phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và P/E. Với kế hoạch doanh thu năm 2013 là 215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58,27 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 1.670 đồng, mức giá chào sàn 12.000 đồng/cổ phiếu của HAR được đánh giá là khá hợp lý so với nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng như mặt bằng chung của TTCK tại thời điểm đó, tương ứng với P/E 2013 dự kiến là 7,5 lần.

Khi mới chào sàn, thanh khoản của HAR chỉ khoảng 20.000 - 30.000 cổ phiếu/phiên. Thanh khoản của cổ phiếu này sau đó duy trì ở mức thấp, nhưng thị giá được đẩy lên gấp hơn ba lần, đạt đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối tháng 4, tương đương với P/E dự phóng năm 2013 lên tới 25 lần. Sau đó, thanh khoản cổ phiếu HAR bắt đầu tăng lên, dao động từ 100.000 đến cả triệu đơn vị mỗi phiên, nhưng giá cũng bắt đầu giảm mạnh. Thanh khoản của cổ phiếu HAR đạt kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 31/7, khi có tới 2,7 triệu đơn vị được khớp lệnh, đạt giá trị giao dịch 32,7 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường trong phiên này.

Vì sao cổ phiếu HAR lại tạo được sức hút với nhà đầu tư như vậy, trong khi kết quả kinh doanh của Công ty không có yếu tố đột biến? Theo báo cáo tài chính quý II/2013 của Công ty, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu hơn 25,47 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9,29 tỷ đồng, EPS đạt 265 đồng. Lợi nhuận của HAR trong nửa đầu năm nay tuy tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (2,05 tỷ đồng), nhưng mới chỉ đạt chưa đầy 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013.

Theo đánh giá của ông Dương Văn Chung, Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, CTCK MB (MBS), HAR là một cổ phiếu mới niêm yết, có các chỉ số cơ bản không quá xấu, nhưng chưa đủ mạnh để có thể kéo giá cao như vậy. Do cổ phiếu này đã được tạo sóng lớn, với mức tăng giảm trên 100%, nên những nhà đầu tư có yếu tố đầu cơ cao hoặc chấp nhận rủi ro cao thông thường sẽ nhìn nhận, tại thời điểm giảm giá HAR đã rẻ hơn tương đối so với thời điểm đỉnh hình thành trước đó. Điều này kích thích những nhà đầu cơ bắt đầu mua vào. Sau khi giảm mạnh, HAR đã tăng bật trở lại lên 35.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6, thanh khoản tiếp tục tăng cao với khối lượng giao dịch từ 300.000 đến cả triệu cổ phiếu một phiên.

“Đây là thời điểm NĐT nắm giữ lượng cổ phiếu HAR lớn đã đẩy giá lên, bắt đầu phân phối cổ phiếu này trên thị trường. Sau chu kỳ phân phối, giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh, có thể bật lại một vài phiên nhưng sau đó sóng sẽ tắt dần”, ông Chung nói.

Nhìn lại phiên giao dịch ngày 31/7, giá cổ phiếu HAR giảm về 12.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá tham chiếu phiên chào sàn, nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy trong khi nhiều nhà đầu tư khác xả hàng khi ngưỡng đáy kỹ thuật bị xâm phạm, khiến thanh khoản tăng lên mức kỷ lục. Hiện tại, giá cổ phiếu HAR đã giảm xuống dưới mốc tham chiếu, khi còn 11.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 13/8.

HAR có thể là bài học tiếp theo cho những nhà đầu tư thích đầu cơ cổ phiếu “nóng”.    

Phan Hằng
Phan Hằng

Tin cùng chuyên mục