Theo dõi cổ phiếu ngành nhựa trong 6 tháng qua, chắc hẳn không ít người sẽ giật mình. Hầu hết các cổ phiếu ngành này đều tăng giá, trong đó nhiều cổ phiếu có tốc độ tăng vượt xa tốc độ chung của thị trường.
Cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đã tăng 81%, lên 136.000 đồng/CP; cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong đạt mức tăng 40%, lên 61.800 đồng/CP; cổ phiếu RDP của Nhựa Rạng Đông tăng 66% lên 31.700 đồng/CP… Duy chỉ có cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á giảm giá, với mức giảm 13%.
BMP và NTP đã trở thành tâm điểm của thị trường sau khi SCIC công bố sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi 2 DN này. Hiện SCIC đang nắm giữ khoảng 29,5% cổ phần tại BMP và nắm giữ 37,1% cổ phần NTP. Câu chuyện thoái vốn của SCIC tại hai đại gia ngành nhựa trong bối cảnh chính sách nới room cho khối ngoại được ban hành càng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại khi hai DN này chính thức nới room đã tạo tác động cộng hưởng đến giá cổ phiếu BMP và NTP. Hiện BMP đã hết room trong khi NTP room ngoại đã đạt gần 35%.
Ngoài ra cũng phải kể tới một nguyên nhân cơ bản, đó là kết quả kinh doanh của các DN trong ngành đang tốt hơn rất nhiều khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm. Giá hạt nhựa PVC và HDPE (nguyên liệu đầu vào sản xuất ống nhựa) đến cuối tháng 9/2015 đã giảm lần lượt 3,8% và 11,15% so với đầu năm; so với cùng kỳ năm trước, giá hạt nhựa PVC giảm 23,5% và HDPE giảm 18,66%.
Trong 11 DN ngành nhựa đang niêm yết trên 2 sàn, có 3 DN đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng, đó là BMP (vượt kế hoạch 2%), DNP (vượt kế hoạch 34%), RDP (vượt kế hoạch 4,4%). Các công ty khác như Nhựa Bao bì Vinh (VBC) đã hoàn thành 92% kế hoạch năm, DAG hoàn thành 89% kế hoạch năm, NTP, TPC hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2015.
Doanh thu của hầu hết các DN đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt DNP doanh thu tăng gấp đôi trong quý III và tăng 82% trong 9 tháng đầu năm.
Lợi nhuận của BMP trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 389 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện của năm 2014 và đây là năm BMP có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng của BMP lên tới 30%. BMP có nguồn tài chính rất dồi dào, với tiền gửi ngân hàng hơn 900 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhựa Rạng Đông (RDP) 9 tháng lãi 45,9 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch năm 4%. RDP chủ yếu sản xuất bao bì nhựa, bao bì PE và tôn ván, nhóm giả da, màng nhựa mỏng, áo mưa. RDP hiện đang sở hữu 3 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì mềm tại Củ Chi, Bắc Ninh và vừa khởi công xây một nhà máy tại Long An với vốn đầu tư trên 20 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào cuối 2016.
Ngành nhựa đang chứng kiến sự thâu tóm từ đại gia ngành nhựa Thái Lan, The Nawaplastic Industries. Hiện The Nawaplastic đã sở hữu 20,4% cổ phần BMP và 23,84% NTP. Đứng đằng sau Nawaplastic là Tập đoàn SCG, tập đoàn đã mua 85% cổ phần của Prime Group, hiện SCG đang nắm giữ 91% cổ phần Nawaplastic. SCG, thông qua công ty con cũng đã mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá khoảng 40 triệu USD.
Trong khi các DN nhựa lớn bị tập đoàn Thái thâu tóm, thì một số DN nhựa trong nước lại đang đẩy mạnh hoạt động M&A để mở rộng thị phần.
Tháng 5/2015, Nhựa Đồng Nai nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,63% cổ phần tại CTCP Bình Hiệp, đơn vị sở hữu nhà máy nước Cà Giang có công suất 30.000 m3 nước/ngày đêm, cung cấp cho khu vực thị xã Phan Thiết và Mũi Né.
Theo báo cáo phân tích mới nhất của CTCK Bảo Việt, DNP sẽ nâng công suất của nhà máy Cà Giang lên 50.000 m3, mục tiêu của Công ty trong 2 năm tới là sẽ đưa tổng công suất cung cấp nước sạch lên 200.000 m3 nước thông qua việc xây nhà máy mới và tiến hành M&A các công ty cấp nước.
Các sản phẩm ống nhựa của DNP hiện nay cũng chủ yếu cung cấp cho các nhà máy nước, báo cáo của BVSC cho biết thị phần của DNP tại thị trường cung cấp ống nhựa cho các dự án hạ tầng cấp thoát nước đạt 35 - 40% toàn ngành.
BMP cũng đã sở hữu 29,05% cổ phần của Nhựa Đà Nẵng (DPC). Theo một báo cáo của CTCK SSI, BMP đang có ý định thâu tóm DPC và biến công ty này thành một chi nhánh của BMP tại miền Trung, nhằm mở rộng thị phần và tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển. NTP hiện đã mua toàn bộ cổ phần của Nhựa Năm Sao.
Rất có thể, tới đây, câu chuyện M&A trong ngành nhựa sẽ tạo ra một cơn sốt mới trên thị trường như M&A trong ngành đường.