Cổ phiếu nhiệt điện “bơ” giá than

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường than đá thế giới đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi giá liên tiếp lập đỉnh mới, nhưng hầu hết cổ phiếu của các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu này là nhiệt điện vẫn tăng giá.
Hầu hết cổ phiếu nhiệt điện tăng giá trong tháng 8/2021 Hầu hết cổ phiếu nhiệt điện tăng giá trong tháng 8/2021

Giá than đá tăng vọt

Trong 6 tháng trở lại đây, giá than tăng 52,6%, đạt gần 4 triệu đồng/tấn. Giá than tăng vọt một phần là do nhu cầu than gia tăng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo ông Peter O’Connor, chuyên gia phân tích khai khoáng của Công ty Shaw and Partners (Australia), nhu cầu cao của các khách hàng ở châu Á, nơi than nhiệt vẫn là nguồn nhiên liệu chủ yếu để sản xuất điện, đã đẩy giá nguyên liệu hóa thạch này tăng cao.

Ngoài ra, nguồn cung có hạn và mùa mưa ở Trung Quốc đến sớm hơn dự kiến, gây trở ngại trong việc sản xuất và vận chuyển than đến người tiêu dùng, trong khi nhu cầu than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện vượt quá nguồn cung nội địa.

Tại Việt Nam, giá than NewCastle (than chất lượng cao, dùng cho các nhà máy điện) nhập khẩu từ Australia bình quân trong tháng 8/2021 là 159,7 USD/tấn, tăng 38% so với bình quân nửa đầu năm 2021 và gấp hơn 2,6 lần bình quân năm 2020.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 sụt giảm

Giá than trong nửa đầu năm 2021 tuy tăng so với cuối năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, hầu hết doanh nghiệp nhiệt điện có lợi nhuận giảm mạnh.

Cụ thể, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đạt 4.613 tỷ đồng doanh thu và 177 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay, lần lượt giảm 25% và 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận 2.297 tỷ đồng doanh thu và 258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay, lần lượt giảm 49% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do sản lượng điện sản xuất giảm một nửa, chỉ đạt 1.786 triệu kWh, bởi sự cố kỹ thuật ngoài dự kiến tại Nhà máy Phả Lại 2.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) lãi 58 tỷ đồng trong quý II/2021, nhưng quý I trước đó thua lỗ (là quý lỗ thứ tư liên tiếp), nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 lỗ hơn 12,6 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến 30/6/2021 lên hơn 1.669 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 124 triệu kWh so với cùng kỳ, dẫn đến doanh thu bán điện giảm hơn 245 tỷ đồng, chỉ còn 408,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Kết quả, NBP chỉ lãi sau thuế hơn 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 23 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 617 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn và các loại chi phí khác tăng nên lợi nhuận thuần ở mức 25,9 tỷ đồng, chỉ bằng 35% cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 23 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp hiếm hoi lãi cao là Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP). Trong 6 tháng đầu năm 2021, QTP đạt doanh thu 4,264 tỷ đồng, giảm 15%; chi phí khấu hao và chi phí tài chính giảm, còn doanh thu tài chính tăng, góp phần giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 328,6 tỷ đồng, tăng 92,7% so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 310,3 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 97% kế hoạch cả năm 2021.

Giá cổ phiếu tăng

Kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều than nhiệt để sản xuất điện trong nửa đầu năm 2021 nhìn chung sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng nhiều, hầu hết đều tăng giá trong tháng 8 vừa qua.

Cụ thể, HND có lợi nhuận giảm 76,3%, nhưng giá cổ phiếu trong tháng 8 tăng 11%, đạt 19.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 4 tháng.

Tương tự, PPC có lợi nhuận giảm 38%, nhưng giá cổ phiếu trong 1 tháng qua tăng 11,1%, đạt 24.750 đồng/cổ phiếu.

NCP có lỗ lũy kế rất lớn, nhưng quý II/2021 có lãi sau 4 quý liên tiếp thua lỗ nên giá cổ phiếu trong tháng 8 tăng 4,6%, đạt 6.800 đồng/cổ phiếu, mặc dù thanh khoản của cổ phiếu này rất thấp.

BTP có lợi nhuận giảm 62% nhưng giá cổ phiếu tăng 14,8%, lên 17.800 đồng/cổ phiếu, quay trở lại vùng đỉnh đã thiết lập từ 3 tháng trước đó. Ngày 20/9 tới, BTP sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 11%, thanh toán ngày 29/10/2021.

QTP có kết quả kinh doanh vượt trội nên giá cổ phiếu tăng 23,8%, đạt 18.200 đồng/cổ phiếu, cao nhất từ trước tới nay, với thanh khoản tăng cao, khối lượng giao dịch trung bình gần 2,6 triệu đơn vị/phiên.

Duy chỉ có cổ phiếu NBP giảm giá trong tháng 8, nhưng mức giảm chỉ là 5,3%, xuống 13.400 đồng/cổ phiếu, vẫn ở vùng giá cao trong hơn 2 năm qua, trong khi lợi nhuận nửa đầu năm nay chỉ bằng 5% cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh hưởng của giá than không nhiều

Đối với các công ty nhiệt điện than, khi giá than tăng thì giá bán điện hợp đồng (Pc) với EVN cũng tăng.

Theo đó, doanh thu từ việc bán điện hợp đồng của nhà máy nhiệt điện than sử dụng loại than được điều chỉnh tăng giá sẽ tăng, còn lợi nhuận hầu như không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ phần sản lượng điện bán trên thị trường phát điện cạnh tranh của các nhà máy sẽ giảm do chi phí nhiên liệu tăng, bởi giá mua điện giao ngay trên thị trường này không được điều chỉnh tương ứng.

Các nhà máy có sản lượng bán trong thị trường phát điện cạnh tranh cao thì tổng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc giá than tăng. Được biết, mức sản lượng điện hợp đồng (Qc) với EVN hiện chiếm khoảng 90% tổng sản lượng sản xuất, sản lượng điện bán trên thị trường cạnh tranh chỉ chiếm khoảng 10%.

Đáng lưu ý, yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than là sản lượng điện phát giảm do EVN ưu tiên huy động nguồn thủy điện và sử dụng một phần sản lượng phát điện từ năng lượng tái tạo. Trong quý II/2021, nhiệt điện than chiếm 51,9% cơ cấu huy động điện, giảm 4,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất của Việt Nam với sản lượng trung bình năm hơn 50%. Về nguồn than, trong nước cung cấp khoảng 35 - 40 triệu tấn/năm, đáp ứng 40 - 45% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Indonesia, Australia, Nam Phi, Nga.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục