Liệu AGM có đạt lợi nhuận dương, VLF không dính án hủy niêm yết, hay FDG có hết âm vốn khi xuất khẩu gạo 2015 vẫn còn nhiều khó khăn?
Chi phí “nuốt” lợi nhuận
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam đã có thời điểm rơi xuống 372 USD/tấn (trong quý I/2014). Bình quân cả năm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt 439 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Cụ thể, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) trong quý IV/2014 lỗ hơn 3 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh không đem lại lợi nhuận. Cả năm 2014, AGM lãi ròng trên 5 tỷ đồng so với kế hoạch 24 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lời hơn 31 tỷ đồng năm 2013. Nguyên nhân, doanh thu bán hàng của AGM không tăng, chỉ đạt 1.761 tỷ đồng (kế hoạch là 2.084 tỷ đồng và mức thực hiện trong năm 2013 là 1.770 tỷ đồng), trong khi khoản mục giảm giá hàng bán tăng hơn 3 lần, từ 166 triệu đồng (năm 2013) lên 505 triệu đồng (năm 2014); khiến doanh thu thuần chỉ còn hơn 1.760 tỷ đồng trên giá vốn hàng bán tới 1.655 tỷ đồng; chi phí bán hàng của Công ty cũng tăng 20%...
Áp lực cạnh tranh trong bối cảnh giá xuất khẩu gạo giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (VLF). Quý IV/2014, VLF lỗ 38,5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính 2014 của VLF cho thấy, Công ty bán hàng dưới giá vốn tới 6,2 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 40 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ 18 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2014, VLF lỗ 47 tỷ đồng do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn, chiếm tới hơn 91 tỷ đồng, cộng với lỗ từ hoạt động tài chính hơn 10 tỷ đồng.
Trường hợp của CTCP Dicomexco (FDG), cổ phiếu của doanh nghiệp này đã bị hủy niêm yết từ tháng 5/2014 do thua lỗ kéo dài vượt quá vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính quý IV/2014 của FDG, Công ty chỉ đạt doanh thu 27,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 340 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 10,1 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2014, doanh thu của FDG sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 301 tỷ đồng, giảm 3,5 lần so với cùng kỳ; kéo theo lợi nhuận gộp chỉ còn 9,5 tỷ đồng, giảm 4,6 lần so với con số 44 tỷ đồng năm 2013. Sở dĩ lợi nhuận gộp của FDG giảm mạnh hơn doanh thu là do giá bán hàng giảm. Giá vốn hàng bán là 291 tỷ đồng trên doanh thu thuần 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động quá lớn 43 tỷ đồng, cộng với khoản lãi vay tới 40 tỷ đồng là những nguyên nhân khiến lợi nhuận của FDG năm 2014 tiếp tục âm 38,5 tỷ đồng, sau khi đã âm 134 tỷ đồng trong năm 2013. Điều này làm vốn chủ sở hữu của FDG âm tới 31,8 tỷ đồng.
Một điểm chung của 3 doanh nghiệp này là vốn mỏng nhưng vay nợ lớn, dẫn đến rủi ro cho hoạt động kinh doanh khi thị trường đầu ra đang khó khăn như hiện nay.
AGM vay ngắn hạn 339 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 345 tỷ đồng. VLF, riêng khoản vay ngắn hạn đã lên tới 231 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 92 tỷ đồng. Còn FDG, nợ vay ngắn hạn tới 52 tỷ đồng.
Năm 2015 vẫn khó
Năm 2015, dự báo 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo này vẫn tiếp tục khó khăn do Thái Lan tiếp tục xả kho 7 triệu tấn gạo.
Theo VFA, giá gạo xuất khẩu 2015 sẽ bị ảnh hưởng giảm vì phải cạnh tranh khốc liệt với các thị trường xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan và Ấn Độ. Hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu giao tháng 3 ở mức 370 - 380 USD/tấn. Trong bối cảnh đó, liệu AGM và VLF có đứng trước nguy cơ hủy niêm yết như FDG?
Hiện cổ phiếu VLF đang trong diện cảnh báo trên sàn HOSE. Thị giá cổ phiếu VLF chỉ còn 5.400 (kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3) sau chuỗi lao dốc mạnh kể từ cuối tháng 2. Năm 2015, nếu VLF tiếp tục thua lỗ, nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu này là rất lớn vì âm vốn chủ sở hữu.
Còn với AGM, doanh nghiệp được đánh giá là có khả năng cầm cự trước xu hướng giảm của giá xuất khẩu gạo. Năm 2015, AGM đặt kế hoạch doanh thu 2.242 tỷ đồng, tăng 27%; lãi sau thuế tới 23,3 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với mức thực hiện năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều khó khăn, kế hoạch của AGM có khả thi hay không vẫn còn là dấu hỏi?