Cổ phiếu ngành điện hy vọng mùa cao điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngành điện kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền sau thời gian bị “bỏ quên”.
Ngành điện đang bước vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ trong năm Ngành điện đang bước vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ trong năm

Theo thống kê của FiinGroup, từ đầu năm nay, dòng tiền đã đạt mức đỉnh hoặc tiệm cận mức đỉnh ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép, thực phẩm, bán lẻ, phần mềm - kho bãi, hậu cần - bảo dưỡng. Trong khi đó, dòng tiền của nhóm cổ phiếu điện đang rút về đáy, hoặc hồi phục từ mức đáy.

Thực tế, cổ phiếu ngành điện dường như bị dòng tiền “bỏ quên” thời gian qua, bởi với đặc tính phòng thủ, tỷ suất sinh lời trên vốn khá thấp và ổn định, nhóm này kém hấp dẫn so với các ngành khác trong thị trường uptrend. Tuy nhiên, thị trường đang có những câu chuyện kỳ vọng cổ phiếu điện sẽ “nóng” hơn vào quý II.

Sức nóng của cổ phiếu ngành điện được nhen nhóm từ phiên ngày 2/4, khi hàng loạt cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất điện như POW, BCG, NT2, GEG, hay nhóm cổ phiếu xây lắp, thi công hạ tầng điện như PC1, TV2 tăng giá kèm thanh khoản tích cực. Thông tin giúp nhóm này thu hút sự chú ý của giới đầu tư là ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Mục tiêu của kế hoạch được nhấn mạnh là chuyển dịch từ các nguồn điện truyền thống như điện than sang các nguồn điện sạch hơn như điện khí LNG, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…

Trước đó vài ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được thông qua cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống 3 tháng một lần, thay vì 6 tháng như trước. Với cơ chế mới, nhiều tổ chức dự báo EVN có thể tăng giá điện từ nay đến cuối năm với mức tối thiểu khoảng 5%, góp phần cải thiện sức khoẻ tài chính cho tập đoàn này trong ngắn hạn.

Công ty Chứng khoán MB cho rằng, cơ chế mới sẽ ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính. Việc tăng giá bán điện sẽ giúp EVN có khả năng thanh toán cho các nhà máy phát điện. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện như POW, PGV, NT2, QTP… đang ghi nhận khoản phải thu tiền điện tăng mạnh cùng tỷ trọng khoản phải thu/tổng tài sản cao kỳ vọng sẽ giải tỏa được áp lực tài chính nhờ cơ chế này.

Ngành điện cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô và căng thẳng nhất trong năm về cung cấp điện toàn hệ thống. Trong tháng 3 vừa qua, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 25,7 tỷ kWh, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023, nâng sản lượng điện toàn quý I năm nay lên mức 69,4 tỷ kWh, tăng 11,8%. EVN dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân trong tháng 4 sẽ ở mức 865,7 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, cùng với giai đoạn cao điểm sản xuất, việc kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và cơ chế điều chỉnh giá điện mới được áp dụng là những diễn biến tích cực tiếp theo của ngành điện sau thời gian im ắng.

Thông thường, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng điều chỉnh sau thời gian đạt đỉnh, tạo đáy về trung hạn hoặc dài hạn từ 3 - 6 tháng. Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích FiinGroup, ba nhóm dẫn sóng thị trường thời gian qua là “bank-chứng-thép” đang có dấu hiệu dòng tiền đạt đỉnh và đi xuống. Trong khi đó, nhóm điện đang duy trì tỷ trọng giá trị khớp lệnh ở mức thấp, gần như là vùng đáy của một năm qua.

Với quy luật luân chuyển của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, cùng những câu chuyện tích cực của ngành, nhóm cổ phiếu điện đang nằm trong danh mục quan sát của giới phân tích.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ