Cổ phiếu ngân hàng và công ty tài chính hút vốn ngoại

(ĐTCK) Với triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, ngành tài chính trong đó có cổ phiếu ngân hàng và công ty tài chính vẫn thu hút sự quan tâm lớn của khối ngoại.
SeABank chuyển nhượng PTF cho AEON Financial

Tuần qua, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank, mã SSB) đã bàn giao Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) cho đối tác AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial) - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group. Hợp đồng chuyển nhượng trị giá 4.300 tỷ đồng. Thương vụ đem lại lợi nhuận đáng kể cho SeABank, giúp Ngân hàng cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh.

PTF được thành lập tháng 10/1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên tại Việt Nam. SeABank nhận chuyển nhượng 100% cổ phần PTF từ Tập đoàn VNPT vào năm 2018, khi đó vốn điều lệ của PTF là 1.000 tỷ đồng (giá chuyển nhượng tương đương mệnh giá cổ phần). Đến năm 2023, PTF tăng vốn lên 1.550 tỷ đồng.

PTF có nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả kinh doanh năm 2024 của Công ty ghi nhận khả quan khi tổng dư nợ đạt hơn 4.325 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng 173% so với năm 2023.

Các thương vụ chuyển nhượng cổ phần ngân hàng và công ty tài chính thường tạo động lực đáng kể cho thị trường chứng khoán, khi đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều so với giá giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần PTF trị giá 4.300 tỷ đồng vào cuối năm 2023, SeABank và AEON Financial đã tích cực phối hợp để hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng và được Ngân hàng Nhà nước chính thức chấp thuận tại Quyết định số 2871/QĐ-NHNN ngày 30/12/2024. Đồng thời, hai bên cũng đã triển khai các công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trước đó, trong năm 2023, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại SHBFinance cho đối tác Krungsri. SHBFinance là công ty tài chính được thành lập bởi Viettel và Vinaconex, SHB mua lại 100% vốn từ các cổ đông sáng lập và nhỏ lẻ khác. Thương vụ đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho SHB.

Các thương vụ chuyển nhượng M&A ngân hàng và công ty tài chính thường tạo động lực đáng kể cho thị trường chứng khoán, khi đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều so với giá giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Năm 2025, có không ít ngân hàng đặt kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài mới, giá cổ phiếu của những ngân hàng này duy trì đà tăng hấp dẫn, đi kèm thanh khoản cao.

Chẳng hạn, trong tháng đầu năm 2025, cổ phiếu HDB của Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) trở thành tâm điểm khi tăng giá mạnh nhất nhóm ngân hàng, đi cùng với thanh khoản đột biến và được khối ngoại mua gom. Trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mã HDB tăng 4 phiên liên tiếp, tổng cộng gần 9% và thanh khoản tăng vọt lên hơn 20 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.

Đà tăng giá của cổ phiếu HDB được cho là gắn với động thái Ngân hàng triển khai việc bán cổ phần cho đối tác ngoại. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được hồ sơ thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài của HDBank từ mức 20% xuống 17,5%. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hơn 610 triệu cổ phiếu HDB, tương đương tỷ lệ 17,4%, gần kín “room” 17,5%.

Một cổ phiếu ngân hàng khác có diễn biến tích cực là VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Sau khi nhóm cổ đông trong nước mua lại xấp xỉ 15% cổ phần VIB từ Commonwealth Bank of Australia (CBA), đi kèm động thái Ngân hàng giảm “room” ngoại từ 20% xuống 4,9%, giới phân tích đánh giá, VIB sẽ khởi động kế hoạch tìm kiếm đối tác nước ngoài mới. Nhiều nguồn tin cho rằng, đó là đối tác Mỹ. Giá cổ phiếu VIB giữ ngưỡng “cứng” ở vùng 18.200 đồng/cổ phiếu (mức giá nhóm cổ đông trong nước mua lại từ CBA) đã tăng lên vùng 20.500 đồng/cổ phiếu.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thịnh tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, ngân hàng là nhóm ngành mang “ý chí” tạo lập thị trường. Dòng tiền lớn cầm trịch cuộc chơi có thể giải ngân vào nhóm ngân hàng, các nhà đầu tư cá nhân nhạy bén sẽ nương theo dòng tiền lớn mua theo. Do là nhóm có vốn hóa lớn nhất nên đây có thể là tín hiệu cho thấy thị trường vào “sóng”, kéo thị trường chung đi lên.

“Ngân hàng phát tín hiệu vào sóng sẽ mở ra cơ hội đầu tư. Bởi thế, đây là nhóm ngành rất đáng quan tâm”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Một cuộc khảo sát của Chứng khoán VNDIRECT khi kết thúc phiên giao dịch thứ hai sau Tết Nguyên đán cho thấy, có 50% nhà đầu tư cho rằng, ngân hàng sẽ là nhóm có sóng, 35% ủng hộ nhóm chứng khoán và 15% ủng hộ nhóm bất động sản.

Lê Đạt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục