Cổ phiếu ngân hàng sẽ duy trì đà tăng tích cực

(ĐTCK)  Việc các ngân hàng rục rịch lên sàn niêm yết, có kết quả kinh doanh khởi sắc và được nhà đầu tư ngoại săn đón… đã khiến giá cổ phiếu của một số nhà băng đang giao dịch tại thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) tăng vọt. Bên cạnh đó, cổ phiếu nhà băng trên các sàn niêm yết cũng có diễn biến tăng giá tích cực. 
Cổ phiếu ngân hàng sẽ duy trì đà tăng tích cực

"Bão" giá cổ phiếu OTC

Nếu như trước đây, nhắc tới sóng tăng giá cổ phiếu ngân hàng, giới đầu tư sẽ nghĩ ngay tới các mã cổ phiếu “vua” đang niêm yết như VCB, ACB, thì hiện tại, cổ phiếu của các nhà băng đang giao dịch tại thị trường OTC lại thu hút sự chú ý với đà leo dốc mạnh mẽ.

Theo đó, cổ phiếu TCB của Techcombank là một trong những mã có mức tăng lớn nhất, hiện đang giao dịch ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu, so với khoảng 10.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu năm. Chưa kể, suốt một thời gian dài, cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh mức trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đà tăng của cổ phiếu này là việc Techcombank thông báo con số lợi nhuận ấn tượng đạt được trong 9 tháng năm 2017 là 3.890 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt mức hơn 2.100 tỷ đồng.

Đồng thời, đà tăng giá của cổ phiếu cũng xuất phát từ kỳ vọng niêm yết của ngân hàng này. Techcombank đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp mã cổ phiếu là TCB kể từ cuối năm 2016. Số lượng chứng khoán đăng ký là 887.807.871 cổ phiếu, giá trị chứng khoán đăng ký hơn 8.878 tỷ đồng, tương đương hơn 8.878 tỷ đồng vốn điều lệ, hình thức đăng ký là ghi sổ.

Trước đó, cổ đông Techcombank đã thông qua việc Ngân hàng đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM hoặc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

HĐQT Techcombank đánh giá, niêm yết cổ phiếu trên HOSE/HNX là việc làm cần thiết để tăng khả năng thanh khoản của cổ phiếu, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín doanh nghiệp. Vì thế, việc niêm yết cổ phiếu TCB trên sàn chứng khoán chính thức sẽ được HĐQT Techcombank trình đại hội đồng cổ đông khi thị trường có diễn biến phù hợp.

Một mã có đà leo dốc đáng kể khác trong nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua là HDB của HDBank. Nếu như thời điểm đầu năm, cổ phiếu HDB được giới đầu tư giao dịch quanh vùng 9.000 – 10.000 đồng/cổ phiếu, nhích lên mức 11.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian ngắn thì hiện tại, giá đã tăng gấp hơn 3 lần, lên khoảng 30.000 – 32.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong một tháng.

Lý giải đà tăng này, các chuyên gia cho rằng, đây là tác động tích cực từ việc HDBank đang chuẩn bị niêm yết trên HOSE. Theo đó, VSD vừa thông báo chấp thuận bảo lưu mã chứng khoán HDB cho HDBank. Thời gian bảo lưu là 6 tháng kể từ ngày 27/11/2017. Bên cạnh đó, HDBank dự kiến trong năm nay sẽ bán 20% cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại và thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào đầu năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, số cổ phần nói trên sẽ được bán cho một số nhà đầu tư ngoại, mỗi nhà đầu tư không quá 5%. Về đối tác chiến lược, một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ ý quan tâm.

Đặc biệt, Ngân hàng vừa báo lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2016. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ HDBank lãi trước thuế trên 1.700 tỷ đồng, gấp rưỡi so với kết quả kinh doanh của cả năm 2016 và là con số cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2017, HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2.400 tỷ đồng, đồng thời dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2018 sẽ tăng lên mức 3.900 tỷ đồng, doanh thu tăng 27% và tổng tài sản tăng 25%.

Ngoài 2 mã kể trên, một số cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch tại thị trường OTC cũng bắt đầu dậy sóng sau thời gian dài “ngủ đông”. Đơn cử, cổ phiếu OCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông hiện giao dịch phổ biến ở khoảng 15.000 – 16.000 đồng/cổ phiếu, dù đầu năm nay còn giao dịch cách xa mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Duy trì đà tăng

Cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bứt phá trong thời gian gần đây. Trong đó, nhiều mã tăng hơn 100% như VCB, TCB, HDB… tại cả thị trường OTC và niêm yết. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá sẽ duy trì thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, một phần nhờ tình hình kinh doanh của các nhà băng khá lạc quan và làn sóng lên sàn dự báo sẽ “nóng” trong thời gian tới.

Cụ thể, các nhà băng đang nhận được nhiều hỗ trợ tích cực từ các yếu tố như tín dụng cải thiện, mục tiêu tăng trưởng dư nợ được nâng lên 21%; quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14… Nhờ vậy, một số nhà băng đã sớm cán đích lợi nhuận cả năm ngay từ khi kết thúc quý III/2017.

TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, tín dụng đã tăng trưởng tích cực trong 10 tháng đầu năm nay, ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2% so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 21%.

Cũng theo TS. Tín, tăng trưởng tín dụng năm 2017 nếu đạt tốc độ 21%, sẽ có thêm hơn 1 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Tuy nhiên, do các nhà băng hiện tại đã kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay, hạn chế dòng vốn vào bất động sản nên nợ xấu chưa phải là mối lo ngại. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã về dưới mức 3%, thậm chí tại nhiều ngân hàng là dưới 1%, giúp nhiều nhà băng hoàn nhập dự phòng.

Cùng chung quan điểm, ông Bạch An Viễn, Trưởng Phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường ngày một sáng sủa sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngành ngân hàng - vốn một thời được xem là “vua”.

Giá các cổ phiếu ACB, VCB, MBB, VPB đã và sẽ giữ đà tăng. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đánh giá tiềm năng tăng trưởng cao hơn cho cổ phiếu của ngân hàng Vietcombank và ACB nhờ chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao trong năm nay.

Nếu như trước đây, việc các ngân hàng thông báo chuẩn bị niêm yết khó có tác động lên thị trường, bởi đã nhiều lần “thất hứa” khiến giới đầu tư thất vọng thì năm nay, hành động “nói đi đôi với làm” của các nhà băng đã góp phần củng cố niềm tin của giới đầu tư, từ đó hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu “vua”.

Chẳng hạn, LienVietPostBank; VIB đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM và dự kiến sớm niêm yết; OCB, HDBank dự kiến niêm yết trên sàn HOSE đầu năm 2018…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh trong thời gian tới, khi nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn dành ưu ái cho một số cổ phiếu của ngân hàng quy mô lớn đã niêm yết trên sàn, nhất là những nhà băng có động thái xử lý tốt nợ xấu như: VCB, ACB, MB...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục