Cổ phiếu ngân hàng sắp bùng nổ, cổ phiếu công nghệ đang định giá cao kỷ lục

(ĐTCK) Gánh trách nhiệm cung ứng vốn lớn cho tăng trưởng kinh tế, cổ phiếu ngân hàng sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ và cơ hội đầu tư an toàn hơn nhóm cổ phiếu công nghệ đang ở mức định giá kỷ lục.

Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng và công nghệ nhận được sự quan tâm của số đông nhà đầu tư tại Hội thảo VPBankS Talk 04 chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” diễn ra mới đây.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và Cổ phiếu – VPBankS Research đánh giá, ngành ngân hàng năm 2025 áp lực NIM giảm do xu hướng điều hành chính sách tiền tệ yêu cầu giảm lãi cho vay, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhu cầu tín dụng bán lẻ còn yếu và chi phí huy động đã chạm đáy. Mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng đã nhích nhẹ.

Tốc độ hình thành nợ xấu đang giảm, thông qua tốc độ nợ tăng nhóm 2 và nhóm 4. Nợ nhóm 2 đã giảm quý thứ 2 liên tiếp cho thấy, xu hướng hình thành nợ xấu chững lại. Tổng nợ xấu toàn ngành đi ngang ở mức 2,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (khoảng 80%) có dấu hiệu chạm đáy nhưng đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ cuối 2022 đến nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng – Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế, thuộc Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ góc nhìn tích cực hơn về cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại, tính đến ngày 13/12 tăng 12,5% so với cuối năm 2023, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng cả năm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% hoặc hơn.

Đánh giá về nợ xấu hệ thống ngân hàng, nếu tách 5 ngân hàng đang giám sát đặc biệt, thì nợ xấu nội bảng là 1,96%, cộng thêm nợ VAMC, nợ rủi ro là 3,28%. Với tốc độ tăng tín dụng nhanh và mức nợ xấu này, cho thấy chất lượng tín dụng khá tốt, là nền tảng tăng trưởng tín dụng tốt cho 2025. Riêng các ngân hàng niêm yết thường có tỷ lệ nợ xấu thấp.

"Điểm đáng lưu ý là các ngân hàng dựa vào bán lẻ thì nợ xấu cao hơn bình thường, nhưng khi hoạt động bán lẻ chưa cao thì nợ xấu tín dụng như hiện nay là tốt", ông Anh nói.

Nhìn về dài hạn, ông Anh phân tích, các ngân hàng đẩy nhanh số hóa làm chỉ số CIR giảm nhanh, thậm chí có ngân hàng rất thấp, giúp NIM cải thiện. Giai đoạn 2025 - 2030, khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên thì ngành ngân hàng gánh trách nhiệm cung ứng vốn rất lớn cho nền kinh tế. Các nhà đầu tư đi trước đón đầu sẽ thấy rằng việc giải ngân nhóm ngành ngân hàng vào thời điểm này là khôn ngoan.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về cơ hội đầu tư cổ phiếu nhóm công nghệ, ông Đào Hồng Dương khuyến nghị nhà đầu tư buộc phải vừa đầu tư tăng trưởng vừa cân nhắc làm sao để giải ngân đúng được chu kỳ phù hợp.

P/B của nhóm công nghệ khoảng 4 - 5 lần là mức kỷ lục về mặt định giá đối với các lĩnh vực nói chung. Nhìn về xu hướng của ngành công nghệ, ngay cả thị trường Mỹ chỉ chững lại, nhưng chưa dừng lại.

"Ở góc độ nhà đầu tư, luôn tìm cách để chiến thắng thị trường. Nếu mua cổ phiếu dài hạn nhưng không may trong ngắn hạn lại đúng giai đoạn chững lại, trong khi ngành khác có mức định giá rẻ có cú tăng giá trở lại thì tâm lý sốt ruột. Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc tỷ trọng để phù hợp và tối ưu hóa hiệu suất chung của danh mục”, ông Dương lưu ý.

Theo ông Anh, sắp tới, NHNN sẽ mở ngân hàng mở (Open Banking), cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thứ ba sử dụng dữ liệu ngân hàng để thử nghiệm, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng, nên công ty Fintech cũng sẽ là một tiềm năng phát triển.

"Cổ phiếu công nghệ hấp dẫn nhưng so với ngân hàng sẽ rủi ro hơn. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu công nghệ sẽ có sự bứt phá, nhưng phải chấp nhận rủi ro cao hơn", ông Anh nhận định.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục