Cổ phiếu ngân hàng lỳ với tin xấu

Không ít ngân hàng báo cáo lãi nhưng trên thực tế là lỗ, thậm chí lỗ hết cả vốn điều lệ.
Cổ phiếu ngân hàng lỳ với tin xấu

Đã có những hé mở đầu tiên về các giao dịch thỏa thuận số lượng lớn cổ phiếu Eximbank (EIB) gần đây khi Công ty chứng khoán Ngân hàng Á châu (ACBS) công bố thông tin đã bán 9,75 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 6/11/2012, giảm lượng nắm giữ của cả ACBS và ACB tại ngân hàng này xuống 4,97%. Như vậy từ nay ACBS không còn là cổ đông lớn và các giao dịch tiếp theo nếu không làm tăng sở hữu EIB lên 5% thì ACBS không cần phải công bố thông tin.

 

Nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính cho biết một số tổ chức và thể nhân có liên quan đến ACB đã giảm phần lớn lượng cổ phiếu EIB mà họ nắm giữ suốt một thời gian dài. Có thể việc bán ra này đã được tiến hành thông qua các giao dịch thỏa thuận.

 

Điều này cũng phù hợp với chiến lược sẽ thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp của ACB, trong đó có vốn góp vào các ngân hàng, nhằm tập trung vào hoạt động ngân hàng bán lẻ thay vì ngân hàng đầu tư.

 

Với khối lượng thỏa thuận hàng chục triệu đơn vị, đối tượng nhận chuyển nhượng cổ phiếu EIB từ ACBS và các pháp nhân, thể nhân liên quan ACB không thể là các nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ, trong bối cảnh tiền mặt dành cho chứng khoán đang khan hiếm như hiện nay. Không loại trừ khả năng một phần tiền hỗ trợ cho các giao dịch này đã xuất phá từ hệ thống ngân hàng.

 

Kể từ cuối tháng 8 đến nay, không chỉ ACB, EIB, STB mà cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường. Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã có một đợt sụt giảm mạnh về thị giá trước và sau khi báo cáo tài chính quý III được công bố. SHB đã lỗ hơn 1000 tỷ đồng 9 tháng đầu năm sau khi hợp nhất với Habubank.

 

Tất nhiên phần lỗ đều từ Habubank chuyển sang vì nửa đầu năm nay SHB trước sáp nhập còn lãi trước thuế hơp 600 tỷ đồng. Với tình hình thu hồi nợ khó khăn như hiện nay, nhất là khoản nợ xấu Vinashin rất ít có khả năng đòi được, việc hạch toán lỗ của SHB vào quý IV sẽ phức tạp hơn nhiều.

 

Khác với mọi năm, lợi nhuận thường được tập trung vào quý IV, năm nay các tổ chức tín dụng khó có thể ghi nhận nhiều lãi khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lỗ do kinh doanh vàng. Nhiều ngân hàng top đầu chắc chắn không thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra. Điều đó đồng nghĩa với việc cổ tức được chia cho cổ đông sẽ bớt đi.

 

Chưa kể Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu và sẽ kiểm tra khắt khe việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng sẽ không được chia cổ tức.

 

Trong khi đó, kết quả các đợt thanh tra gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra không ít ngân hàng báo cáo lãi nhưng trên thực tế là lỗ, thậm chí lỗ hết cả vốn điều lệ. Thông tin về lợi nhuận ngân hàng, tuy vậy, đã không tác động mạnh đến chứng khoán, có lẽ do nhà đầu tư bắt đầu “lì” với thông tin xấu hoặc thông tin xấu đã chiết khấu hết vào giá.

 


Thời báo kinh tế Sài Gòn

Tin cùng chuyên mục