Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nhiều cổ phiếu ngân hàng ở mức thấp trong vòng 1 năm trở lại đây, trong khi triển vọng tăng trưởng ngành này vẫn cao, được xem là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tăng mua nhóm cổ phiếu “vua”.
Trong các phiên giao dịch gần đây, VN-Index duy trì sắc xanh nhờ có sự hỗ trợ lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong các phiên giao dịch gần đây, VN-Index duy trì sắc xanh nhờ có sự hỗ trợ lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá.

Mạnh tay gom cổ phiếu

Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital Việt Nam đã mua 2,25 triệu cổ phiếu STB của Sacombank trong ngày 2/8/2022, nâng khối lượng sở hữu lên 132 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ trên 7% vốn điều lệ. Đây là giao dịch nối tiếp chuỗi mua ròng mạnh mẽ của nhóm này sau khi trở thành cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) tại Sacombank vào ngày 10/3/2022, rồi tăng lên trên 6% vào đầu tháng 7.

Tính riêng 5 tháng gần nhất, nhóm quỹ ngoại trên đã mua khoảng 37 triệu cổ phiếu STB, trong đó, CTBC Vietnam Equity mua 15 triệu cổ phiếu, Norges Bank mua 11,5 triệu cổ phiếu, Vietnam Enterprise Investments Limited mua gần 8 triệu cổ phiếu...

Lực mua lớn từ quỹ ngoại góp phần giúp giá cổ phiếu STB trên sàn chứng khoán hồi phục đáng kể sau chuỗi lao dốc cùng thị trường chung. Cuối tuần qua (12/8), giá cổ phiếu STB đạt 25.650 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 15% so với đầu tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với đầu năm 2022.

Gần đây, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhóm cổ phiếu ngân hàng như STB, TPB, HDB, LPB...

Trong tháng 7/2022, khối nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã mua ròng gần 20 triệu cổ phiếu ngành ngân hàng trên HOSE, giá trị mua ròng gần 230 tỷ đồng, tập trung vào các mã STB, TPB, HDB, LPB.

Hiện tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại TPBank (mã chứng khoán TPB) đã gần chạm mức tối đa (room) là 30%. Giá cổ phiếu TPB gần đây dao động trên mức 28.000 đồng/cổ phiếu, tăng 13% so với đáy kể từ đầu năm 2022, nhưng thấp hơn trên 30% so với đỉnh.

Với mã HDB của HDBank, tính đến ngày 12/8/2022, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp, tổng cộng mua thêm hơn 7,4 triệu cổ phiếu.

Theo danh sách cổ đông HDBank tính đến cuối năm 2021, ngân hàng này có 17,1% cổ phiếu được sở hữu bởi nhà đầu tư ngoại. Đầu tháng 6/2022, HDBank công bố điều chỉnh room ngoại từ 21,5% xuống 18%.

Trước đó, không ít ngân hàng có động thái “khóa” room ngoại dưới mức trần mà Luật Các tổ chức tín dụng quy định (30%) như Techcombank, VietCapitalBank, VPBank, SHB, OCB. Việc này được nhìn nhận là ngân hàng dành dư địa nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Triển vọng lợi nhuận 2022

Cổ phiếu ngân hàng gần đây được khối ngoại mua ròng, theo các chuyên gia là bởi giá đang ở vùng hấp dẫn sau thời gian điều chỉnh giảm xuống vùng thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, trong khi lợi nhuận ngành này tiếp tục có triển vọng tăng trưởng cao.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp nhóm này tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung của VN-Index.

BSC kỳ vọng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 36,4% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 và mức nền lợi nhuận thấp năm 2021. Trong đó, việc đẩy mạnh bán lẻ sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và có biên lãi ròng (NIM) cao hơn so với khách hàng lớn. Sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân với NIM cải thiện là yếu tố hỗ trợ tốt cho thu nhập của các ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn.

Các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền, hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.

Liên quan đến room ngoại, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần (không áp dụng với Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá, HDBank là một trong số ít ngân hàng có khả năng được nới room lên 49%. Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất.

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari kỳ vọng, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) các doanh nghiệp niêm yết năm 2022 có khả năng tăng trên 20% sẽ hỗ trợ VN-Index phục hồi trong giai đoạn cuối năm nay.

Trong đó, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ có diễn biến tích cực, vì các vấn đề về chất lượng tài sản sau đại dịch Covid-19 của các ngân hàng ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng GDP đang bùng nổ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của ngành ngân hàng đạt trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại giảm 30 - 40% so với mức đỉnh. Giới phân tích cho rằng, thị giá giảm kéo chỉ số P/B (thị giá/giá trị sổ sách) ngành ngân hàng xuống còn 1,5 lần là mức hấp dẫn để đầu tư dài hạn.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn đánh giá cao cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của những ngân hàng có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp như ACB, VCB; các mã mang lại cơ hội giao dịch ngắn hạn là MBB, STB.

Với kịch bản tích cực là hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới trong quý III/2022, giới phân tích dự báo, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ngành ngân hàng cả năm có thể đạt 21%, vẫn đảm bảo tỷ suất tốt so với mặt bằng chung toàn thị trường chứng khoán. Cổ phiếu “vua” có thể trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm nay.

Sóng M&A có thể nổi

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên Hội đồng quản trị OCB - đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora) cho rằng, các giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ sôi động sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, hoạt động M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng không ngoại lệ, sẽ “nóng” trong thời gian tới. Điều quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này là cần nới thêm room ngoại.

Hiện có 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài tại Vietcombank, VietinBank và Eximbank. Aozora là ngân hàng Nhật Bản thứ tư khi nắm giữ 15% cổ phần OCB, mong muốn nâng thêm tỷ lệ sở hữu nếu room ngoại được nới.

“Các ngân hàng tầm trung của Nhật Bản đang tìm hiểu nhiều về thị trường tài chính cũng như hoạt động M&A tại Việt Nam”, ông Yoshizawa nói và cho biết, không chỉ riêng

Aozora, các nhà đầu tư Nhật Bản khác đều mong muốn Chính phủ Việt Nam nới room ngoại lĩnh vực ngân hàng để có thêm cơ hội đầu tư.

Những tháng đầu năm 2022, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy các thương vụ M&A lớn sẽ xuất hiện như VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài nên nâng room ngoại từ 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện VPBank chia sẻ, Ngân hàng sẽ sớm thực hiện trong năm 2022.

Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư Nhật Bản này sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank, nhất là sau khi SMBC hoàn tất mua 49% vốn điều lệ FE Credit - một công ty con của VPBank.

Một số thương vụ bán vốn cho khối ngoại dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới như Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, kỳ vọng thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.55 28.15 2.34% 178,316 tỷ
HNX 227.54 4.91 2.16% 1,523 tỷ
UPCOM 88.3 0.79 0.89% 355 tỷ