Sự sụt giảm của thị trường chính thức, tình trạng "đóng băng" của thị trường OTC đã khiến giá CP NH giảm mạnh. Bao giờ
Thị trường ảm đạm
Theo thông báo của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế mà họ thu được là hơn 610 tỉ đồng, đạt 51% kế hoạch cả năm 2007, NH Á Châu (ACB) hơn 880 tỉ đồng, đạt 59% kế hoạch năm, NH Quốc tế VIB Bank lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỉ đồng..
Đặc biệt, hai NH là TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đạt xấp xỉ 103 tỉ đồng và Ngân hàng Quân đội (MB) đạt 318 tỉ đồng, bằng lợi nhuận cả năm 2006... thế nhưng các CPNH cả trên thị trường niêm yết và OTC đều rớt giá thảm hại.
So với hồi đầu tháng 6, giá CP của một số NH đã giảm gần 50%, Đông Á (EAB) giảm gần một nửa, từ 11,6 triệu đồng xuống còn 6,7 triệu đồng, NH Quân đội MB từ 10,4 triệu xuống còn 5,3 triệu đồng, An Bình (AB Bank) từ 670.000 đồng/CP xuống còn 390.000 đồng, Ngân hàng Phương Đông từ 8,8 triệu xuống còn 4,2 triệu đồng...
Trên thị trường chính thức, giá CP của 2 ngân hàng Á Châu (ACB) và Sacombank cũng không ngoại lệ. Chỉ tính riêng trong tháng qua, cổ phiếu ACB đã giảm hơn 40.000 đ/CP, hiện chỉ còn 116.100 đ/CP. Giá CP Sacombank cũng chỉ còn 56.000đ/CP trong phiên 7/8....
Nói về "sự cố" hàng loạt CP của các NH hiện nay, theo các chuyên gia tài chính, nhóm CP này đã tăng khá nhanh trong giai đoạn trước đó và nhiều NH đã hết room dành cho các NĐT nước ngoài.
Thêm vào đó, cầu đầu tư vào khu vực NH tới đây tiếp tục bị chia sẻ cho các NH TMCP dự kiến thành lập mới theo quy chế vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Các NH chuẩn bị tăng vốn và đặc biệt là các NH quốc doanh như: NH Ngoại thương Việt Nam, NH phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH Công thương Việt Nam chuẩn bị cổ phần hóa... cũng làm cho các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi.
Dài hạn lo gì?
Theo một số chuyên gia tài chính, với tình hình thị trường hiện nay, các NĐT ngắn hạn giữ CP NH sẽ còn lo lắng nhưng với các NĐT dài hạn thì có thể vững tin trước tốc độ tăng trưởng cũng như hiệu quả hoạt động của các NH hiện nay.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng, NHNN, CPNH vẫn là lĩnh vực đầu tư tốt, đặc biệt là đầu tư chiến lược.
Xét về dài hạn, CPNH vẫn là một trong những loại CP ổn định và sinh lời nhiều nhất, chỉ sau CP bất động sản. Theo thống kê của CTCK Biển Việt, chỉ số tài chính CBV-Tài chính hiện tại đang đứng thứ hai chỉ sau CBV- Nhà đất.
Tính từ đầu năm 2007 đến nay, chỉ số CBV - Tài chính tăng 43,84 điểm, tương ứng với mức tăng 43,84% so với lãi ngân hàng.
Trên thị trường tài chính hiện nay vẫn chịu sự chi phối của 4 NH quốc doanh (Vietcombank, Incombank, Agribank và BIDV), chiếm trên 70% thị phần huy động vốn và dư nợ.
Tuy nhiên, vị thế có thể sẽ thay đổi trong tương lai nếu như các NH cổ phần liên kết lại.
Một động lực để các NH phát triển hơn nữa là việc NH nước ngoài gia tăng sự hiện diện của mình tại VN sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và thúc đẩy các NH Việt Nam tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá dịch vụ...
Trong tương lai không xa, ngành NH sẽ có bước phát triển lớn mạnh, xứng tầm với các NH trong khu vực.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nhiều khả năng giá CPNH sẽ ấm dần lên trong những tháng cuối năm bởi so với mặt bằng chung, giá CPNH hiện nay chưa tương xứng.
Lý do, là hầu hết các NH hiện nay đều có thời gian hoạt động trên 10 năm, đã có thương hiệu, thị phần... trong khi một số công ty CP chỉ vừa hoạt động được 1 - 2 năm, thị phần chưa rộng, hoạt động kinh doanh chưa định hình rõ... nhưng giá CP cũng ngấp nghé giá CP NH.