Lợi nhuận phân hóa
Theo thống kê báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng thương mại cổ phần, tổng lợi nhuận sau thuế trong kỳ của nhóm này đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất trong quý đầu năm vẫn là những cái tên quen thuộc như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank, tuy nhiên, thứ tự trong bảng xếp hạng có sự xáo trộn.
Vietcombank tiếp tục giữ vị trí “quán quân” lợi nhuận trong ngành khi báo lãi sau thuế 8.585 tỷ đồng trong quý I/2024, nhưng mức lợi nhuận này đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank “soán ngôi” BIDV để vươn lên vị trí “á quân”, với lợi nhuận sau thuế tăng 38,3% so với cùng kỳ, đạt 6.277 tỷ đồng. BIDV lùi một bậc xuống vị trí thứ 3 khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.915 tỷ đồng, cao hơn 6,4% so với cùng kỳ. VietinBank báo lãi sau thuế 5.002 tỷ đồng trong quý I/2024, cao hơn năm trước 18,5% và xếp ở vị trí thứ 4.
Trong khi đó, MB ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm 11,2%, còn 4.624 tỷ đồng. ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận ròng đạt 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%. Ba vị trí còn lại lần lượt thuộc về HDBank (3.213 tỷ đồng, tăng 46,5%), SHB (3.209 tỷ đồng, tăng 11,4%) VPBank (3.141 tỷ đồng, tăng 90,4%). Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý I năm nay là LPBank, với 2.298 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 84,9% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I/2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, ở các ngân hàng quốc doanh và khối tư nhân Top đầu, kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức khá cao. Cụ thể, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023. Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng. MB mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 6 - 8% trong năm 2024, tương đương đạt từ 27.884 - 28.411 tỷ đồng. ACB đặt kế hoạch lợi nhuận 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước… Các nhà băng này cũng tự tin với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024, cho dù quý đầu năm chưa đạt kỳ vọng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể tăng 10 - 15%, nhưng có sự phân hóa nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi hơn. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng lên đòi hỏi ngân hàng trích dự phòng, tác động lợi nhuận. Tuy nhiên, cổ tức vẫn được các ngân hàng chia ở mức cao trong hai năm 2023 và 2024. Cổ phiếu nhóm ngân hàng được các chuyên gia VPS nhận định đang ở mức định giá hợp lý, P/B trung bình ngành điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm.
Cơ hội tăng còn đơn lẻ
Trong những ngày qua, giá một số mã cổ phiếu ngân hàng bật tăng, song cũng chỉ ở một số mã có câu chuyện riêng. Đơn cử, cổ phiếu STB của Sacombank đã có phiên tăng kịch trần trong ngày 3/6 và tiếp tục đi lên quanh ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 6/6, nhờ thông tin nhà băng này sẽ ghi nhận được khoản thu nhập từ việc xử lý khoản nợ xấu ở Khu công nghiệp Phong Phú lên đến 1.336 tỷ đồng trong năm nay, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.
Trước đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Sacombank, diễn ra cuối tháng 4/2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho hay, bên mua đã thanh toán 20% giá trị; 40% sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025. Đối với 32,5% vốn liên quan đến ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ, đầu tháng 12/2023, Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước để được chủ động xử lý theo hình thức bán đấu giá. Với tính chất là thương vụ có quy mô lớn cũng như mang tính chiến lược đối với Ngân hàng, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, thời gian hoàn thành thương vụ sẽ diễn ra trong giai đoạn 2026 - 2027.
Đồng thời, KBSV đánh giá Sacombank đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2024 tương đối thận trọng và có thể sẽ đạt được kết quả thuận lợi hơn nhờ NIM, chất lượng tài sản duy trì ở mức tốt và nguồn thu bất thường từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú. KBSV cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 13.707 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm 2023.
Tương tự, chốt phiên sáng ngày 6/6/2024, cổ phiếu LPB của LPBank đạt 26.400 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa 66.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mã tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng. So với phiên 17/4, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 30%. Thanh khoản ở mức hàng triệu cho tới hơn chục triệu đơn vị được giao dịch khớp lệnh mỗi phiên. Đồng thời, cổ phiếu LPB còn được giao dịch mạnh mẽ qua phương pháp thỏa thuận, nhộn nhịp từ đầu tháng 5/2024 đến nay.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của LPBank tổ chức ngày 17/4 vừa qua, cổ đông LPB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng thông qua chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Giới phân tích tài chính nhận định, cổ phiếu “vua” còn dư địa tăng trưởng cũng như vai trò trụ cột trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tích cực. Các chỉ số như P/E, P/B dự phóng ở nhóm cổ phiếu ngành này đang thấp hơn mức trung bình 10 năm qua. Ngoài ra, “cơn mưa” cổ tức tiền mặt của nhóm này (được chia ở mức cao cho năm 2023 và 2024) đang dần trở nên thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư, qua đó, tạo đà tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu tăng cũng chỉ ở những mã ngân hàng có câu chuyện riêng.
Các nhà phân tích của Yuanta Việt Nam đánh giá tích cực cổ phiếu ngành ngân hàng dựa trên kỳ vọng: thu nhập lãi ròng năm 2024 được cải thiện nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn và chi phí vốn thấp hơn. Định giá của ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn, với dự báo P/B năm 2024 trung vị là 1,1 lần và hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 18%, riêng ROE bình quân của 7 ngân hàng nằm trong danh mục khuyến nghị của Công ty là 20%, bao gồm các mã ACB, BID, HDB, MBB, STB, VCB, VPB.
Thực tế, ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn cũng như có mức đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán. Do đó, đây là nhóm có tác động chi phối hàng đầu đến diễn biến thị trường. Định giá ngân hàng theo P/E tăng 15% so với đầu năm nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với bình quân thị trường. P/E của các ngân hàng đã có sự tăng trưởng so với đáy vào quý I/2023 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cao ghi nhận vào quý II/2021 là 15,2 lần.
Theo số liệu từ WiChart bao gồm 27 ngân hàng niêm yết, hệ số P/E của nhóm ngân hàng đạt 10,1 lần vào sáng ngày 21/5/2024, tăng 15% so với thời điểm cuối năm 2023 nhưng giảm nhẹ so với cuối quý I/2024. Năm 2024, thu nhập lãi ròng sẽ trở thành động lực chính dựa trên kỳ vọng về mức tăng trưởng tín dụng cao và chi phí vốn giảm. Mục tiêu tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là 14% và các nhà băng cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được ngưỡng trên khi cầu vốn trở lại.
Song dữ liệu của WiChart cũng cho thấy, quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ quay đầu tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm đi, lợi nhuận khả quan. Ngược lại, nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng lớn.
Trong khi đó, nhận định được chuyên gia phân tích SSI cho rằng, áp lực nợ xấu sẽ tăng trong 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... hồi phục sớm hơn.