Thị giá không phản ánh đúng giá trị thực
Kết quả kinh doanh quý III/2022 cho thấy, hầu hết ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận cao, lũy kế 9 tháng đầu năm hoàn thành 60 - 70% kế hoạch năm, thậm chí một số nhà băng gần chạm đích.
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 9/2022, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 82% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,2%, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,2%, thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động.
Tương tự, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 13.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm; ROE trên 27%.
Tại VIB, ngân hàng này cho hay, 10 tháng đầu năm 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 8.715 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ; ROE ở mức 30% liên tiếp trong 3 năm. Dự báo, lợi nhuận cả năm 2022 có khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội cổ đông giao là 10.500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan, nhưng trong xu hướng đi xuống của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu “vua” thời gian qua cũng lao dốc, dù gần đây có dấu hiệu cải thiện nhưng nhiều mã hiện mất 50 - 60% giá trị so với giai đoạn đầu năm nay như EIB, STB, TCB, MBB, ACB, KLB..., một số mã còn lùi xuống dưới mệnh giá như VAB, VBB, BVB, NAB.
Có những ý kiến lo ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động đến hoạt động ngành ngân hàng, bên cạnh lãi suất huy động tăng ảnh hưởng tới biên lãi ròng, nợ xấu có dấu hiệu tăng, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã cạn...
Nhìn nhận về diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua, lãnh đạo một ngân hàng lớn cho rằng, khi thị trường bị chi phối bởi yếu tố tâm lý không tích cực thì giá cổ phiếu khó phản ánh đúng giá trị thực và tiềm năng phát triển của từng doanh nghiệp. Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng, đầu tư vào ngân hàng niêm yết là đầu tư dài hạn, đầu tư vào giá trị bền vững. Do giá cổ phiếu giảm sâu nên hiện thị giá của nhiều mã cổ phiếu “vua” không phản ảnh đúng giá trị thực, năng lực phát triển bền vững và các tiềm năng trong tương lai, cũng như năng lực đi qua những biến động kinh tế để tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.
Theo các nhà phân tích, thời điểm hiện tại, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức thấp, hệ số định giá P/B của không ít mã giảm xuống quanh mức 1. Lực cầu bắt đáy xuất hiện từ giữa tháng 11/2022 và trước đó, khối ngoại có động thái mua ròng trong 2 tuần liên tiếp (tập trung vào các mã BID, CTG, VCB, STB, SHB), nhưng tâm lý nhà đầu tư nhìn chung chưa ổn định.
Bởi lẽ, lo ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp tác động đến hoạt động ngành ngân hàng, lãi suất huy động tăng ảnh hưởng tới biên lãi ròng (NIM), nợ xấu có dấu hiệu tăng, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã cạn... Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ẩn số lớn nhất, với áp lực trái phiếu đáo hạn kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Riêng tháng 12/2022 có khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn, bao gồm 20.000 - 30.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản. Hiện tại, lượng trái phiếu đáo hạn chưa nhiều, doanh nghiệp bất động sản có thể có nguồn thu để bù đắp. Tuy nhiên, khi lượng đáo hạn càng lớn, áp lực về thanh khoản, về dòng tiền sẽ càng tăng, gây rủi ro cho lĩnh vực bất động sản và ngành ngân hàng.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính - chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao tình hình thị trường, vì khó khăn vẫn còn ở phía trước. Theo đó, vùng giá hiện tại là khá tốt cho những nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng, song cần chọn lọc kỹ trước khi giải ngân.
Sức hấp dẫn trong dài hạn
Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đánh giá, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn trong dài hạn, với tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp, bán lẻ thấp, thu nhập tăng. Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, nên ngành ngân hàng chưa đến giai đoạn bão hòa.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của VinaCapital cũng chỉ ra những lo lắng đối với ngành ngân hàng trong ngắn hạn như NIM có thể giảm, do chi phí huy động vốn cao hơn, trong khi lãi suất cho vay chậm được điều chỉnh theo. Rủi ro được nhận thấy đối với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu về phát hành chặt chẽ hơn.
Theo nhận định mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm khiến rủi ro nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng có mức phân bổ cao tín dụng vào ngành này, kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tăng.
Bên cạnh những ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng, cũng có nhà băng kinh doanh thua lỗ, do phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu. Tính đến cuối quý III/2022, một loạt ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng lên, nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích 100% dự phòng).
Chẳng hạn, nợ nhóm 5 tại NVB cuối quý III/2022 là 1.353 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với đầu năm nay. Tương tự, con số này tại VietinBank là gần 12.414 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; tại ABBank là 1.207 tỷ đồng, tăng 40%; tại MBBank là 1.516 tỷ đồng, tăng 85%; tại Vietcombank là 5.731 tỷ đồng, tăng 30%; tại SaigonBank là 253 tỷ đồng, tăng 43%…
Một phần nguyên nhân là do Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022. Nhiều quan điểm cho rằng, dư nợ tái cơ cấu có thể trở thành nợ xấu, khiến nợ xấu có thể tăng mạnh và con số từ báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, thực tế nợ xấu tăng nhanh hơn dự báo.
Mặc dù vậy, năm 2022, tín dụng được cải thiện mạnh mẽ trong nửa đầu năm, lợi nhuận bình quân toàn ngành được nhận định có thể đạt mức cao hơn so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền, hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.
Đơn cử, VIB vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, trong đó có nội dung về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo VIB, room ngoại có thể được điều chỉnh tăng lên đến 30% trong trường hợp được sự thông qua của Đại hội cổ đông. Hiện Commonwealth Bank of Australia (CBA) là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại VIB, với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 20% từ năm 2010 đến nay.
Trước đó, VPBank đã điều chỉnh room ngoại từ 15% lên 17% để thu hút vốn ngoại.
Ngoài ra, với kết quả kinh doanh dự báo tích cực cho cả năm 2022, VPBank, ACB, VIB là những ngân hàng đầu tiên dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.
Lãnh đạo VIB chia sẻ, sau khi kết thúc năm tài chính 2022, Ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án này được Đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, thậm chí ở mức cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
VPBank dự kiến từ năm 2023 sẽ trình Đại hội cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Với ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 đã được Đại hội cổ đông năm 2022 thông qua có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023), bên cạnh chia 15% bằng cổ phiếu. Trong khi đó, OCB sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%.
Nhóm phân tích Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho rằng, nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng. Định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm. Cụ thể, P/E thị trường ở mức 10,7 lần cho 12 tháng gần nhất và 7,9 lần cho năm 2023. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi đà tăng lãi suất và những diễn biến xảy ra trên toàn cầu. Quan trọng hơn, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách nào để hỗ trợ lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới.