Lãi đột biến trong tháng 10/2017
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành về năng lực sản xuất, diện tích vùng nguyên liệu, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) từ lâu được mệnh danh là “vua tôm” với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Sau 2 năm 2015-2016 sụt giảm mạnh cả về doanh thu, lợi nhuận, kết quả kinh doanh của MPC đã hồi phục tích cực sau 10 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất được MPC công bố, trong tháng 10/2017, Công ty đạt doanh thu 12.615 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận sau thuế 557,7 tỷ đồng, gấp 7,2 lần cùng kỳ. So với mục tiêu 15.780 tỷ đồng doanh thu và 840 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đặt ra hồi đầu năm, MPC đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận sau 10 tháng.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý III/2017, MPC cho biết đã đạt 10.885 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, chỉ riêng tháng 10, MPC ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến với doanh thu 1.787,8 tỷ đồng và 127,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 16,5% doanh thu và 29,5% lợi nhuận đạt được 9 tháng trước đó. Điều này phản ánh tính chu kỳ kinh doanh của MPC, khi những tháng cuối năm là thời điểm tiêu thụ sản phẩm tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu các dịp lễ lớn cuối năm và đầu năm mới.
Thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh sau 10 tháng 2017 của MPC là rất khả quan nếu so với con số 60,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cùng kỳ 2016 hay lỗ gần 7 tỷ đồng trong năm 2015. Có được kết quả này, một mặt đến từ sự tăng trưởng sản lượng khi xuất khẩu 10 tháng đạt 45.371 tấn, tăng 24% cùng kỳ 2016 và vượt 1,1% thực hiện cả năm 2016, mặt khác là sự tích cực của giá tôm trên thị trường có xu hướng tăng từ giữa năm 2017. Cụ thể, đơn giá xuất khẩu bình quân 10 tháng của MPC đạt 12,26 USD/kg, tăng so với mức 11,82 USD/kg năm 2016 và 11,9 USD/kg năm 2015.
Tích cực là vậy, nhưng việc hoàn thành kế hoạch 2017 là một thách thức không nhỏ đối với “vua tôm” Minh Phú, bởi vẫn còn tới 34% kế hoạch lợi nhuận cần phải hoàn tất chỉ trong 2 tháng cuối năm. Còn nếu so với thời kỳ hoàng kim 2014, mức lợi nhuận hiện tại vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Nợ gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu
Mặc dù ghi nhận lợi nhuận cao trong 10 tháng 2017, nhưng gánh nặng nợ vay của MPC rất lớn. Tính đến cuối quý III/2017, tổng số nợ phải trả của MPC lên đến 7.138 tỷ đồng, tăng 1.242 tỷ đồng (21%) so với đầu năm. Kế hoạch phát hành riêng lẻ để tăng vốn chủ, giảm tỷ lệ nợ dù được thông qua từ kỳ Đại hội đồng cỏ đông 2011 đến nay vẫn chưa có thêm tiến triển.
Trong cơ cấu nợ của MPC, có tới 61,7% là nợ vay ngắn hạn, tăng 2,4 lần so với đầu năm. Ngoài ra, MPC còn 2.041,2 tỷ đồng nợ vay dài hạn, chiếm 28,5% nợ phải trả, là khoản trái phiếu không chuyển đổi được MPC phát hành từ năm 2015 bằng VND, lãi suất 7,5%/năm và sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2020.
Có tỷ trọng nợ ngắn hạn lớn, song hầu hết các khoản vay ngắn hạn của MPC đều bằng USD. Trong năm 2017, việc lãi suất được giữ ổn định và tỷ giá VND/USD giảm giúp MPC hưởng lợi từ các khoản vay bằng ngoại tệ, khi lãi suất vay USD chỉ từ 1,5-2%/năm, trong khi lãi suất vay nội tệ ngắn hạn tại các ngân hàng đều từ 8-10%/năm. Đây là một lợi thế giúp MPC tiết kiệm đáng kể các chi phí, nhất là chi phí tài chính.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của MPC thể hiện rõ xu hướng tăng cường vay nợ của MPC, khi khi vay nợ ròng tăng 1.143 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Số tiền này cùng hơn 1.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền đầu kỳ chủ yếu được MPC sử dụng để bổ sung hoạt động kinh doanh qua việc tăng tồn kho (1.706 tỷ đồng), tăng khoản phải thu (381,7 tỷ đồng). Đây cũng là 2 khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của MPC, lần lượt chiếm 50% và 16,5% tổng tài sản, chủ yếu là tồn kho thành phẩm (94%) và phải thu từ khách hàng (95%).
Với việc tăng sử dụng vốn vay, dòng tiền hoạt động kinh doanh 9 tháng 2017 của MPC âm 1.464,5 tỷ đồng, tiền mặt cuối kỳ giảm 32% so với đầu năm xuống còn 1.042 tỷ đồng. Dù vậy, tăng phải thu và tồn kho cũng được xem là động thái đẩy mạnh kinh doanh, tranh thủ cơ hội từ thị trường của MPC.
Mặt khác, rủi ro thanh toán và tỷ giá hiện vẫn được MPC đảm bảo bởi nguồn doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu đem về lượng lớn ngoại tệ để cân bằng dòng tiền vay nợ. Tất nhiên, vay nợ lớn sẽ khiến lãi vay thường trực ở mức cao. Đây là rủi ro mà MPC phải đối mặt, nhất là khi thị trường có những biến động bất thường. Bởi trên thực tế, MPC đã từng rất khó khăn trong giai đoạn 2015-2016, khi chi phí lãi vay là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.
Năm 2016, lợi nhuận tài chính của MPC âm 169,1 tỷ đồng, chiếm 87,2% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Năm 2015, tỷ lệ này là 95,5%. Trong số 100,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thu được của năm 2016, có đến 76% là từ lợi nhuận khác. Về dài hạn, nếu không có phương án cân đối nguồn vốn, giảm nợ phù hợp, áp lực nguồn tiền trả nợ, lãi vay sẽ là rủi ro khiến lợi nhuận bị “ăn mòn”, cũng như ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức của MPC. Những bài học từ HVG hay HAG quá phụ thuộc vào vay nợ trong hoạt động kinh doanh là minh chứng.
Cổ phiếu MPC có đáng đầu tư?
Nhờ lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2017, thu nhập bình quân mỗi cổ phần (EPS) lũy kế 4 quý gần nhất của MPC ở mức cao, đạt 5.800 đồng/CP, còn tính riêng 10 tháng đầu năm 2017 là 7.970 đồng/CP. Dù vậy, sự tích cực từ kết quả kinh doanh không tác động ngay đến giá cổ phiếu của “vua tôm”, bởi chỉ mới phục hồi thời gian gần đây.
Đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM từ 16/10/2017, tính đến hết phiên 25/12/2017, thị giá cổ phiếu MPC giảm về 52.900 đồng/CP, thấp hơn 24,4% so với giá chào sàn là 79.000 đồng/CP và giảm 54,4% so với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 110.000 đồng/CP. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu MPC ghi nhận sự hồi phục khi tăng trở lại mức 60.000 đồng/CP (giá chốt phiên 5/1/2018). Dù vậy, thanh khoản cổ phiếu lại èo uột khi khối lượng khớp lệnh bình quân chưa đầy 1.000 đơn vị/phiên, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.
Charoen Pokpand Foods (CP Foods)-công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Thái Lan, hiện giao dịch PE ở 12,91 lần, hay Thai Union Frozen Products PCL (15,9 lần). Thậm chí, PE của MPC còn thấp hơn một số cổ phiếu thủy sản đang niêm yết tại Việt Nam như VHC (9,7 lần), ANV (15 lần)…
Một số ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu vẫn chưa tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh là do cơ cấu cổ đông hiện tại, cũng như thị trường chưa thực sự tin cậy vào đà hồi phục vững chắc của “vua tôm”.
Hiện tại, 85% vốn của MPC đang được nắm giữ bởi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan. Trong đó, gia đình Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang và tổ chức liên quan nắm gần 60%. Các cổ đông ngoại nắm giữ 9,88% vốn, trong đó lớn nhất là Earls Court Enterprise Limited khi sở hữu 9,47% vốn của MPC.
Cơ cấu cổ đông cô đặc có thể giúp MPC hoạt động ổn định, dễ đạt được sự đồng thuận trong các định hướng, chính sách..., nhưng cũng làm hạn chế cơ hội tham gia của các cá nhân, tổ chức, định chế đầu tư tài chính lớn. Điều này ảnh hưởng đến giá và thanh khoản cổ phiếu, bởi các cổ đông hiện hữu chủ yếu tập trung vực dậy hoạt động sản xuất-kinh doanh của Công ty hơn là giao dịch cổ phiếu.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng của ngành tôm Việt Nam nói chung và MPC nói riêng cũng là một dấu hỏi khi thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu; chất lượng tôm kém ổn định, tình trạng bơm tạp chất, sử dụng kháng sinh chưa được kiểm soát triệt để khiến thương hiệu tôm Việt Nam gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, trong khi giá thành cao hơn nhiều nước...
Tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của MPC, chiếm 41,39% kim ngạch 2016, nhiều rào cản về chất lượng, thuế chống bán phá giá… khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Số liệu từ Dịch vụ Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (NMFS) và Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đạt 46.000 tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2016. Tại EU - thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 2017, việc bị “thẻ vàng“ trong tháng 10/2017 khiến uy tín, thương hiệu tôm, cá Việt Nam bị ảnh hưởng, người tiêu dùng e ngại và giảm sức mua, tác động đến kim ngạch xuất khẩu thời gian tới...
Hiện cổ phiếu MPC "treo" trên sàn UPCoM ở mức giá 60.000 đồng/CP với thanh khoản rất hạn chế. Sau hơn 2 năm hủy niêm yết và không trả cổ tức, khi quay lại sàn chứng khoán, Ban lãnh đạo MPC còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện hiệu quả sản xuất-kinh doanh mới mong vực dậy niềm tin vào cổ phiếu MPC trong cộng đồng nhà đầu tư và thúc dòng tiền chảy mạnh.