Cổ phiếu mía đường gặp khó

Sáng nay (12/12), cổ phiếu SBT vẫn tăng nhẹ dù thị trường giảm điểm. Nhưng điểm sáng đó không lấn át được nỗi lo của cả ngành mía đường.
Cổ phiếu mía đường gặp khó

Vào thời điểm đầu năm, dự báo về sức tăng trưởng của ngành mía đường là rất tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ đường từ các công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống (chiếm gần 60% nhu cầu ngành đường) tăng trở lại. Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán SBS, mùa vụ mía đường năm 2013 hiện tại đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt năng suất kém hơn mọi năm, nên khó cán đích lợi nhuận.

 

Qua phân tích các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước đang phải chịu sức ép nặng nề khi giá thành sản xuất tăng mạnh, giá đường lại cao hơn so với khu vực nên lợi nhuận đạt thấp hơn.

 

Nỗi lo tồn kho

 

Trong niên vụ này, khu vực ĐBSCL, nơi có diện tích trồng mía rất lớn với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp, nhưng do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu nên năng suất khá thấp.

 

Thí dụ, vụ mía 2012/2013 năng suất mía trung bình của Việt Nam là 64 tấn/ha, thấp hơn so với Thái Lan khoảng 100 tấn/ha. Người dân còn tiếp tục trồng mía là do các nhà máy đường đã bảo hộ giá mía và bao tiêu 100% dù giá đường vụ 2012 - 2013 xuống rất thấp. Tuy nhiên, nhiều địa phương bắt đầu giảm diện tích trồng mía chuyển sang trồng màu, lúa hay cây ăn trái mang tính bền vững hơn.

 

Trên thực tế, tồn kho của ngành mía đường năm 2013 trên 500.000 tấn và dự báo tiếp tục tồn kho sang năm tới với 140.000 tấn. Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường niên vụ mới dự báo khoảng 1,6 triệu tấn, cộng với sản lượng đường phải nhập theo hạn ngạch khoảng 70.000 tấn trong khi lượng tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Dự báo, lượng đường tồn kho đợt mới lên đến trên 500.000 tấn vào tháng 12 tới.

 

Những con số trên cho thấy DN mía đường đang niêm yết trên thị trường khó có thể cán đích lợi nhuận. Chỉ có một số DN như BHS, LSS, SBT là khó có khả năng đạt được, còn lại sẽ bị hụt hơi. Điểm qua vài DN như SBT có khả năng đạt 2020 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 2013 khoảng 190 tỷ đồng tương ứng EPS khoảng 1.370 đồng. BHS khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 125 tỷ là không khả thi. Còn NHS 9 tháng đã vượt 120% kế hoạch năm nay và khả năng có thể đạt lợi nhuận trên 110 tỷ đồng. PE hiện tại của NHS khoảng 3,7, được cho là thấp nhất trong nhóm các cổ phiếu ngành đường.

 

Nhiều địa phương bắt đầu giảm diện tích trồng mía

 

Cổ phiếu SLS đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra là 12 tỷ đồng và khả năng năm nay SLS có thể đạt xấp xỉ 60 tỷ lợi nhuận, giảm 12% so với 2012. PE hiện tại của SLS trong khoảng 3,9, cũng thuộc loại thấp nhất như NHS.

 

Dự báo sang năm 2014, nhu cầu tiêu thụ đường từ các công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống (chiếm 57% nhu cầu ngành đường) sẽ tăng trưởng trở lại theo đà hồi phục của nền kinh tế.

 

Trên thực tế, giá đường khó có thể cạnh tranh so với đường nhập lậu và đường sản xuất ở các nước khác khi mất cân đối cung cầu, sở hữu chéo trong ngành và rủi ro giảm thuế nhập khẩu. Chỉ tính riêng việc nhập đường do Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào đưa vào Việt Nam đã khiến thị trường lao đao.

 

Áp lực về giá

 

HAGL đầu tư sản xuất ở Lào có giá thành thấp hơn hẳn, nếu nhập về Việt Nam sẽ gây khó khăn cho DN và nông dân trồng mía trong nước. Giá thành sản xuất đường của HAG tại Lào chỉ ở mức xung quanh 6.000 đồng/kg, một con số đáng mơ ước đối với các DN sản xuất mía đường trong nước.

 

HAGL cho biết biên lãi gộp trong lĩnh vực mía đường lên tới hơn 64%, gấp nhiều lần so với biên lãi gộp của các DN mía đường trong nước, khiến sức ép càng thêm nặng nề. Chất lượng mía trồng của HAGL ở Lào tốt hơn, sản xuất được nhiều đường hơn định mức ở Việt Nam .

 

Trong khi ở Việt Nam , giá thu mua mía của nông dân được các nhà máy chế biến bảo hộ với giá mía thu mua 50 USD/tấn. Vùng nguyên liệu manh mún, các chi phí vật tư nông nghiệp cao lại không đưa cơ giới hóa vào canh tác… được xem là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành phẩm cao, làm giảm sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam về giá trên thương trường.

 

Hơn nữa, về năng suất, Brazil hiện sản xuất 10 tấn đường/ha mía, còn Việt Nam chỉ 4 - 5 tấn đường/ha mía. Các nhà máy ép mía của Việt Nam đều đầu tư công nghệ của Trung Quốc nên hiệu suất thu hồi đường thấp hơn. Cụ thể, một tấn mía nguyên liệu các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 90kg đường, thấp hơn 10% so với công nghệ của các nước.

 

Từ năng suất, chất lượng mía thấp, cộng thêm hiệu suất thu hồi đường cũng thấp nên đẩy giá thành lên cao. Về kỹ thuật canh tác, ở nước ngoài trong canh tác mía tỷ lệ cơ giới hóa 80 - 90%, trong khi của Việt Nam chỉ có khoảng 10 - 20%, còn lại làm bằng tay.

 

Tất cả các yếu tố ấy khiến giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và gấp từ 2,4 - 2,9 lần so với giá mía HAGL sản xuất tại Lào, do đó DN rất khó trụ vững khi thuế nhập khẩu đường bằng 0% có hiệu lực từ năm 2015 (theo cam kết của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA).


Thời báo kinh doanh