Việc NHNN ra quyết định bãi bỏ trần lãi suất huy động 12%/năm thay vào đó, lãi suất cơ bản được ấn định ở mức 12%/năm và lãi suất cho vay không vượt quá 18%/năm đang tạo nên đợt chạy đua nâng lãi suất giữa các NHTM.
Thông thường, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn tới TTCK. Với tư cách là 2 kênh đầu tư, một bộ phận nhà đầu tư sẽ rút tiền khỏi thị trường để gửi vào tài khoản ngân hàng khi lãi suất trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ có 3 tác dụng tích cực lên tình hình kinh tế vĩ mô và qua đó tác động lên TTCK. Thứ nhất, tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và đưa hệ thống tài chính ổn định trở lại, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn với mức lãi suất vay hợp lý. Thứ hai, giảm lạm phát thông qua 2 hiệu ứng: hút tiền mặt hiện có trong dân cư vào hệ thống ngân hàng và làm giảm hiện tượng đầu cơ hàng hóa. Thứ ba, giảm áp lực lên thâm hụt cán cân thanh toán và tỷ giá VND/USD. Khi lạm phát có dấu hiệu giảm và thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm. Những dấu hiện này sẽ khẳng định sự ổn định trở lại của hệ thống tài chính và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt
Ở thời điểm này, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên lập sẵn một danh mục DN có kết quả kinh doanh khả quan (được lợi hoặc ít chịu ảnh hưởng từ lạm phát, tăng lãi suất, và rủi ro biến động tỷ giá) và mức giá đã giảm sâu. Cổ phiếu của các DN này sẽ ngừng giảm giá đầu tiên và tăng trở lại mạnh nhất khi thị trường tìm được mức cân bằng. Nhà đầu tư cũng nên theo dõi sát sao những chuyển động của hệ thống tài chính - ngân hàng và các chỉ tiêu phản ánh mức độ ổn định của kinh tế vĩ mô.