Cổ phiếu HPE giảm 6% sau thông tin Meg Whitman rời vị trí CEO

(ĐTCK) Ngày 21/11 vừa qua, bà Meg Whitman, CEO của Công ty công nghệ thông tin Hewlett Packard Enterprise (HPE) cho biết sẽ rời khỏi vị trí hiện tại của mình vào tháng 2/2018 sau 6 năm cầm quyền. Thay thế Meg Whitman sẽ là Chủ tịch HPE hiện tại, ông Antonio Neri.

Cùng ngày, HPE cũng báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phần trong quý IV. Theo đó, Công ty cho biết thu nhập điều chỉnh là 31 cent/cổ phiếu trên tổng doanh thu quý IV là 7,87 tỷ USD. Con số này cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 28 cent/cổ phiếu trên tổng doanh thu 7,7 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu cùng kỳ năm ngoái là 7,32 tỷ USD.

“Ngày nay, HP đang tiếp tục tiến lên với cương vị là một trong bốn công ty đầu ngành”, Meg Whitman nói trong tuyên bố từ chức, “Bây giờ là thời điểm thích hợp để Antonio và một thế hệ lãnh đạo khác dẫn dắt HPE. Tôi có một niềm tin to lớn rằng họ sẽ tiếp tục xây dựng một công ty tuyệt vời và phát triển tốt trong tương lai”.

Antonio Neri, người kế vị Meg Whitman, đã gia nhập HP từ năm 1995 và từng bước nỗ lực vươn tới vị trí lãnh đạo hàng đầu của Tập đoàn.

“HPE đang ở một vị trí cực kỳ thuận lợi để giành chiến thắng và chúng tôi vẫn đang tập trung vào việc thực hiện chiến lược của mình, thúc đẩy tiến trình đổi mới và tiếp tục mang lại một làn sóng giá trị mới cho các cổ đông”, Neri phát biểu.

Tuy vậy, bất chấp những tuyên bố rằng HPE đang tốt lên từ phía Ban lãnh đạo, các nhà đầu tư đã tỏ ra lo lắng về việc từ chức của Meg Whitman. Sau khi thông báo được đưa ra, cổ phiếu của HPE đã giảm 6% vào cuối phiên giao dịch ngày 21/11/2017 xuống còn 13,27 USD/cổ phiếu.

Bà Whitman, 61 tuổi, là một trong những nữ CEO quyền lực nhất thung lũng Silicon. Bà nổi tiếng từ những năm 1990, sau khi rời nhà sản xuất đồ chơi Hasbro sang startup eBay. Whitman là người đã biến eBay từ một startup với 30 nhân viên và 4 triệu USD doanh thu thành một trong các thương hiệu Internet phổ biến nhất với 8 tỷ USD doanh thu sau 10 năm.

Năm 2011, bà chuyển đến HP với tư cách CEO đúng vào thời điểm Công ty đang gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo được thay liên tục và đang chịu khoản nợ lớn, đặc biệt từ vụ thâu tóm Autonomy trị giá 11 tỷ USD. Whitman đã đưa HP đi qua nhiều thay đổi quan trọng, trong đó có việc tái cấu trúc HP thành hai thương hiệu (HP Inc - chuyên sản xuất máy tính, máy in và HP Enterprise (HPE) - chuyên về máy chủ và các thiết bị mạng máy tính khác cho doanh nghiệp lớn). Bà còn có công mở ra các mảng kinh doanh khác và tinh giản bộ máy hoạt động của HPE để theo kịp với các đối thủ cạnh tranh khác trong mảng điện toán đám mây.

HPE được thành lập vào cuối năm 2015, do kết quả của việc chia tách HP thành hai công ty. Vào thời điểm đó, Whitman đã chuyển từ vị trí CEO của HP sang vị trí CEO của HPE, trong khi Dion Weisler từ vị trí Phó chủ tịch điều hành của nhóm in ấn và hệ thống máy tính cá nhân cũ trở thành CEO của HP Inc.

Sắp tới, tuy rời khỏi vị trí CEO HPE, bà Whitman vẫn sẽ nằm trong Hội đồng quản trị của Công ty. Whitman không tiết lộ cụ thể kế hoạch sau đó của mình, nhưng nhấn mạnh một điều chắc chắn rằng bà sẽ không tham gia vào một công ty đối thủ, bao gồm Cisco, IBM, Amaxon, Microsoft hay bất kỳ một đối thủ cạnh tranh nào khác của HP trên thị trường công nghệ thông tin.

“Không đời nào tôi lại đến với một công ty đối thủ”, Whitman nói, “Tôi yêu công ty của tôi và sẽ không bao giờ đầu quân cho đối thủ cạnh tranh”.

Không chỉ vang danh trên cương vị một nữ CEO quyền lực nhất nhì ngành công nghệ, Meg Whitman còn nổi tiếng vì từng tranh cử chức Thị trưởng California vào năm 2010 và để thua trước Jerry Brown. Tuy vậy, bà cho biết mình không có ý định tiếp tục dấn thân vào con đường chính trị.

“Tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực chính trị bằng cách đóng góp cho các ứng viên từ cả hai đảng, những người mà tôi đồng tình với quan điểm, hướng đi trong những vấn đề cốt lõi, song tôi không có ý định tham gia trực tiếp”, Whitman nói.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục