Cổ phiếu SJF bắt đầu rơi mạnh từ vùng 27.000 đồng/cổ phiếu, hiện giao dịch quanh khoảng 4.300 đồng/cổ phiếu. Tại sao Ban lãnh đạo SJF không có động thái công bố thông tin sớm hơn với nhà đầu tư mà tới khi thị giá giảm tới 80% trong vòng 5 tháng mới có văn bản giải trình, thưa ông?
Diễn biến giảm giá của cổ phiếu SJF chủ yếu do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi. Bên cạnh đó, gần đây, giá cổ phiếu SJF giảm sâu do một số cổ đông lớn (không điều hành và không nằm trong HĐQT) cầm cố cổ phiếu bên ngoài bị bán giải chấp khi giá xuống. Điều này ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
SJF chưa cập nhật thông tin trong giai đoạn trước vì khi đó, thị trường chứng khoán đang có biến động dữ dội, nhiều cổ phiếu trên sàn cũng bị giảm mạnh. Chưa kể, Ban lãnh đạo Công ty không kỳ vọng giá cổ phiếu SJF giảm sâu đến vậy. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cập nhập sớm hơn tình hình khi cổ phiếu có biến động lớn, đặc biệt khi diễn biến theo hướng bất lợi để nhà đầu tư có đủ thông tin.
Một số lãnh đạo cấp cao của SJF đã có động thái bán ra cổ phiếu ở vùng giá gần đỉnh (khoảng tháng 7 - 8/2018), sau đó đăng ký mua vào trong giai đoạn giữa tháng 1 - 14/2/2019 - khi giá cổ phiếu ở mức rất thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp “mua đáy - bán đỉnh”. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong giai đoạn tháng 7 - 8/2018, việc lãnh đạo Công ty bán ra cổ phiếu nằm trong kế hoạch hợp tác với đối tác chiến lược và lượng cổ phiếu này chuyển sang cho đối tác, không bán ra ngoài thị trường.
Tuy nhiên khi cổ phiếu giảm sâu, Ban lãnh đạo SJF đã chủ động thu xếp tài chính để mua vào nhằm bình ổn giá cổ phiếu, thể hiện trách nhiệm của các cá nhân lãnh đạo Công ty. Các khoản đầu tư mua lại này là nắm giữ lâu dài, không phải trong ngắn hạn.
Tính đến ngày 31/12/2018, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ, người có liên quan đang sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn tại SJF?
Đến ngày 31/12/2018, cổ đông lớn, nội bộ, người có liên quan, cổ đông dài hạn vẫn đang sở hữu trên 65% vốn tại SJF.
“Việc giá cổ phiếu SJF giảm mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của chúng tôi. Để cổ phiếu thanh khoản tốt hơn và về đúng giá trị, ngoài việc tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả, Công ty sẽ tăng cường truyền thông”
Việc giá cổ phiếu SJF giảm mạnh đang làm nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào hoạt động của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị và Ban điều hành Công ty đã có kế hoạch nào để cải thiện thanh khoản và đưa cổ phiếu SJF về giá trị thực, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư?
Việc giá cổ phiếu SJF giảm mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp. Để cổ phiếu thanh khoản tốt hơn và về đúng giá trị, ngoài việc tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh để nâng cao hiệu quả, Công ty sẽ tăng cường truyền thông, cập nhật thông tin hoạt động thông qua các kênh truyền thông và trang web để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin hơn trong thời gian tới.
Theo công bố thông tin của SJF, Nhà máy sản xuất Tre công nghiệp tại Mai Châu của Công ty đã nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng trong nước và quốc tế. Giá trị hợp đồng đã ký cho nhà máy này đến nay là bao nhiêu?
Tre công nghiệp là lĩnh vực mới và đang tăng trưởng rất mạnh không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu. Do vậy, nhu cầu đặt hàng của khách hàng là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, đơn hàng mà Công ty đã ký có giá trị lên đến 320 tỷ đồng, tính cả hợp đồng khung và hợp đồng chốt với khách hàng.
Với tiềm năng tăng trưởng tích cực, doanh thu từ lĩnh vực tre công nghiệp có thể lên đến ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh phụ thuộc vào việc nhà cung cấp nguyên liệu có đáp ứng được nhu cầu hay không. Hiện SJF đang xây dựng chuỗi nguyên liệu cung cấp đầu vào cho nhà máy, nhưng đây không phải việc dễ dàng. Bởi không giống Trung Quốc, Việt Nam chưa có chuỗi giá trị ngành tre nên Công ty phải thực hiện toàn bộ quá trình.
Đây là lý do hiện Công ty cổ phần BWG Mai Châu (công ty con của SJF) đang có 2 dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) để phát triển chuỗi giá trị ngành tre Việt Nam và hoàn thiện công nghệ, cũng như sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế. Dự kiến năm 2019, doanh thu lĩnh vực tre của Công ty sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng và tăng dần cùng với xu hướng tăng trưởng đầu vào của chuỗi cung ứng.
Ông có thể chia sẻ cụ thể về các hợp đồng này?
SJF là nhà cung cấp tre ép nội thất duy nhất cho IKEA tại Việt Nam hiện nay, đồng thời là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất tấm lót đường bằng tre để xuất khẩu.
SJF đã nghiên cứu phát triển sản phẩm và hoàn thiện hệ thống để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của IKEA từ năm 2016; bắt đầu cung cấp sản phẩm tre gia dụng cho IKEA từ đầu năm 2017. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng chứng chỉ rừng bền vững cho vùng nguyên liệu (FSC) để hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng cho việc xuất khẩu lớn. Dự kiến chứng chỉ FSC sẽ được cấp vào đầu quý II/2019.
Về sản phẩm tấm lót đường (Rig mat, Bamboo access mat), đây là sản phẩm Công ty nghiên cứu và phát triển với đối tác chiến lược từ 8 năm qua, đến nay đã hoàn thiện, được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Nhu cầu đặt hàng với sản phẩm này từ các khách hàng hiện lên đến 500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, công suất sản xuất của nhà máy cũng như nguyên liệu đầu vào chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu.
Sản phẩm ván sàn xe tải cũng là sản phẩm Công ty đã phát triển và bước đầu thử nghiệm thành công với các đối tác lớn của Hàn Quốc từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, họ cần thêm thời gian để thử nghiệm thực tế, dự kiến quá trình này khoảng 2 năm (giống sản phẩm tấm lót đường) vì thời hạn bảo hành của các sản phẩm này là ít nhất 2 năm. Hiện Công ty đang làm việc với một doanh nghiệp lớn trong nước về xe tải - là đối tác của Daewoo - để đưa các sản phẩm này vào sử dụng ngay tại Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty đang làm việc với một đối tác lớn nhất về tre của Mỹ để xây dựng dây chuyền sản xuất mới tại Mai Châu, chuyên xuất khẩu các sản phẩm cho thị trường Mỹ như các sản phẩm tấm tre ép và verneer dùng cho ngành nội thất và công trình xây dựng lớn. Việc phát triển và thử nghiệm sản phẩm bước đầu đã thành công, các sản phẩm tốt hơn so với sản phẩm Trung Quốc và dự kiến giữa quý II/2019 sẽ xuất khẩu những sản phẩm đầu tiên.
SJF được đánh giá là có lợi thế khi sở hữu độc quyền về men vi sinh Lactobacillus Fermentum 403 tại Việt Nam. Công ty đã xin được giấy phép thương mại cho sản phẩm này hay chưa?
Vi sinh là ngành có tiềm năng rất lớn vì để phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ thì cần có công nghệ vi sinh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới và các cơ quan quản lý còn chậm về thủ tục trong việc đưa các chế phẩm vào ứng dụng ở Việt Nam.
Mặc dù đã ứng dụng thành công trong thực tiễn trồng trọt, chăn nuôi ở các trang trại của SJF nhưng để thương mại hoá được thì cần phải qua công đoạn nghiên cứu thử nghiệm chính thức trong nhiều năm mới được công nhận. Do vậy, hiện nay, Công ty vẫn đang thực hiện các nghiên cứu cơ bản, đồng thời tiếp tục ứng dụng trong nội bộ để năm 2019 sẽ bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm dược liệu quý cao cấp, có giá trị cao ứng dụng công nghệ vi sinh Nhật Bản này.
Ông có thể cho biết triển vọng kinh doanh năm 2019 của SJF và cơ sở thực hiện các mục tiêu này?
Năm 2019 được đánh giá là một năm tươi sáng của SJF do lĩnh vực tre dự báo tăng trưởng mạnh. Hiện nay, Công ty đang trong quá trình tái cấu trúc hoạt động sản xuất - kinh doanh, tập trung vào một số mảng mạnh như tre và mở ra mảng mới (đã được nghiên cứu phát triển từ nhiều năm) như dược liệu vi sinh, xây dựng chuỗi giải pháp trị liệu Nhật Bản Ecoparadise, du lịch sinh thái và tâm linh vùng Tây Bắc kết hợp với các nhà máy tre.
Một số mảng kinh doanh không hiệu quả sẽ được loại bỏ để tập trung nguồn lực hơn vào lĩnh vực tốt và tiềm năng, đem lại tăng trưởng lớn hơn trong trung và dài hạn. Công ty sẽ sớm công bố kế hoạch cụ thể tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 sắp tới.