Cổ phiếu GE sụt giảm, các nhà đầu tư mong đợi chiến lược mới từ tân CEO

(ĐTCK) Thứ Sáu tuần trước (21/7), cổ phiếu của General Electric (GE) đã sụt giảm mạnh sau khi tập đoàn này công bố mức lợi nhuận giảm 59% trong quý II. Liệu chiến lược mới của tân Giám đốc điều hành (CEO) John Flannery có thể vãn hồi niềm tin của nhà đầu tư? 
Cổ phiếu GE sụt giảm, các nhà đầu tư mong đợi chiến lược mới từ tân CEO

GE là tập đoàn có tầm ảnh hưởng toàn thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực chính bao gồm: năng lượng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, vốn tài chính và thiết bị công nghiệp.

Gần đây, hoạt động tài chính của Công ty tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá năng lượng đến hoạt động kinh doanh thiết bị dầu mỏ quy mô lớn. GE đã phải bán phần lớn mảng tài chính và dần thu hẹp lại hoạt động với nguồn gốc công nghiệp.

Quý II, GE báo cáo thu nhập hoạt động trên mỗi cổ phiếu là 28 cent, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên vẫn cao hơn một chút so với dự đoán trung bình của các nhà phân tích là 25 cent/cổ phiếu, theo Reuters. Công ty cũng báo cáo doanh thu giảm 12%, đạt 29,56 tỷ USD, cao hơn một chút so với dự báo trung bình của phố Wall là 29,02 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là dòng tiền. Phố Wall có một câu châm ngôn nổi tiếng rằng: “Thu nhập là một quan điểm, nhưng tiền mặt mới là thực tế”. Dòng tiền mặt có thể coi là một thước đo chuẩn xác hơn về tình hình sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.

Đối với GE, dòng tiền này đã gây thất vọng kể từ năm ngoái. Và trong quý đầu tiên của năm nay, Công ty báo cáo dòng tiền âm 1,6 tỷ USD từ các hoạt động công nghiệp.

Theo báo cáo của GE hôm 21/7, dòng tiền tự do từ mảng công nghiệp là 1,5 tỷ USD, một động thái lạc quan báo hiệu Công ty đang đi vào một quỹ đạo tích cực. Theo đó, phần lớn dòng tiền của Công ty sẽ đến vào cuối năm, khi mà các khách hàng công nghiệp mua những thiết bị mới.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ việc tạo ra tiền mặt, bởi GE cập nhật mục tiêu thu nhập năm 2018 là 2 USD/cổ phiếu vào tháng 11, chậm hơn so với mong đợi của các nhà phân tích. 

GE đã phải đối mặt với một “môi trường bất ổn định, tăng trưởng chậm”, cựu CEO Jeff Immelt nói trong bản báo cáo tài chính cuối cùng của mình trước khi nghỉ hưu vào ngày 1/8.

Không lâu sau, John Flannery được bổ nhiệm làm CEO mới của GE. Đây được coi như một tuyên bố sẽ “làm mới mình” của GE trước các nhà đầu tư. John Flannery sẽ không chính thức đảm nhiệm vị trí này cho tới tháng 8.

Tuy nhiên, ông đã xuất hiện trong cuộc họp của Công ty vào ngày 21/7 và cho biết mình đang tiến hành rà soát nghiêm ngặt từng hoạt động kinh doanh của GE, đồng thời sẽ trình bày những kế hoạch của mình vào tháng 11. Đặc biệt, tân CEO cam kết sẽ đẩy mạnh chiến dịch cắt giảm chi phí.

Thách thức đặt ra với người dẫn dắt GE sắp tới không chỉ là chống lại cuộc khủng hoảng tài chính, mà còn phải giải quyết hiệu quả những khoản đầu tư lớn.

Về mảng tài chính, một quỹ đầu cơ chủ động có sở hữu cổ phần tại GE đang tạo áp lực buộc Công ty phải nhanh chóng thay đổi. Nếu các con số tài chính không được sớm cải thiện, sức ép có thể buộc GE phải chia tách.

Về đầu tư, GE đang đánh cược lớn khi đã đầu tư 6,6 tỷ USD vào việc chuyển đổi thành công ty kết hợp kỹ thuật số và công nghiệp, thêm các phần mềm phân tích dữ liệu vào những thiết bị của mình, giúp tăng tuổi thọ của thiết bị và giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm lượng khí thải carbon.

GE đã thuê hàng ngàn kỹ sư phần mềm, cùng với đó phát triển những sản phẩm phần mềm phân tích và thu thập dữ liệu. Hơn 100 hãng hàng không trên thế giới đã đăng ký để sử dụng sản phẩm này. Tất nhiên, sự đầu tư tốn kém này tương đương một sự đánh đổi, vì GE đang hy sinh lợi nhuận trong tương lai gần cho lợi nhuận trong một tương lai kỳ vọng.

Nhiệm vụ của John Flannery giờ đây là quyết định nơi nào để tiếp tục chi tiêu, nơi nào để cắt giảm.

John Flannery được biết đến là người đã cứu nguy cho GE trong nhiều năm. Ông đã hoạt động kinh doanh từ châu Mỹ Latinh sang châu Á, rồi quay trở lại Mỹ, dựa vào năng lực quản trị để cải thiện lợi nhuận ở các bộ phận đang gặp khó khăn, chẳng hạn như đẩy mạnh doanh số và lợi nhuận của mảng y tế tại GE, giúp biên lợi nhuận gấp đôi so với mức ông cam kết. Mảng y tế mà ông điều hành hiện đóng góp tới 20% lợi nhuận của GE.

John Flannery cũng nổi tiếng với việc giúp GE bành trướng ra toàn cầu và thực hiện các cuộc thâu tóm, nổi bật nhất là thương vụ mua lại bộ phận năng lượng của Tập đoàn Alstom SA với giá 10 tỷ USD - thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của GE.

Khi John Flannery chính thức lên “cầm trịch” tại GE, ông sẽ là vị CEO thứ 13 trong lịch sử 125 năm của tập đoàn này.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục