Cổ phiếu du lịch qua thời "ngủ đông"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành du lịch, nghỉ dưỡng đang dần lấy lại sức hấp dẫn của mình sau hơn 2 năm ngành này "đóng băng" bởi dịch bệnh.
Nhu cầu du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu du lịch đang phục hồi mạnh mẽ.

Hết thời “ngủ đông”

Việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài là thông tin đáng chú ý nhất cho ngành du lịch nói chung và các cổ phiếu ngành du lịch nói riêng.

Trước đó, các thông tin tích cực như việc mở lại đường bay quốc tế cùng việc thống nhất quan điểm cần đẩy nhanh việc mở cửa lại biên giới một cách an toàn tại Đối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 7 đã tạo sự hứng khởi cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng như thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu ngành này.

Nhiều cổ phiếu ngành du lịch như VTD, OCH, CTC, VTR… tăng trung bình từ 20 - 30% trong hơn một tháng qua.

Nhiều cổ phiếu như VTD (của Vietourist), OCH (của Khách sạn và dịch vụ OCH), CTC (của Hoàng Kim Tây Nguyên)… đã có bước tăng giá ấn tượng, với mức trung bình từ 20 - 30% trong hơn 1 tháng vừa qua. Đây cũng là các cổ phiếu có bước tăng giá tốt nhất trong giai đoạn vừa qua.

Cổ phiếu VTR (của Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam, Vietravel), VNG (của Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công) cũng có mức tăng trung bình 20% trong gần 1 tháng trở lại đây. Hai doanh nghiệp này đã báo lãi trong quý cuối cùng của năm 2021 sau nhiều quý liên tục thua lỗ.

Lượng khách tham khảo và đăng ký tour, đặc biệt các tour nước ngoài tăng vọt là yếu tố tạo động lực cho các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngành này.

Từ đầu quý I/2022, chỉ số Google Mobility (chỉ số thể hiện xu hướng di chuyển của cộng đồng) cũng đang nhích lên khá rõ so với mức thấp cuối tháng 9 năm ngoái khi việc đi lại không còn là trở ngại, đặc biệt là sau khi Chính phủ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi thứ 3 cho công dân từ 12 tuổi trở lên.

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, cả nước đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Còn khảo sát ở một số đơn vị lữ hành cho biết, khoảng 80% các tour du lịch từ nay cho đến 30/4 đã được lấp đầy. Những con số trên phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành.

Bên cạnh đó, việc chủ động xây dựng kế hoạch chuyển công ty sang trạng thái "ngủ đông tích cực", giữ nền tảng cơ bản nhất của hệ thống để vẫn hoạt động, tập trung vào công tác xã hội, giải quyết vấn đề marketing để khách du lịch không quên doanh nghiệp cũng là những yếu tố giúp cho các doanh nghiệp phần nào lấy được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Là công ty đầu ngành, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã: VTR), đại diện của doanh nghiệp chia sẻ cũng không nằm ngoại xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, đồng thời du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên phụ thuộc vào tâm lý xã hội và hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, VTR cũng tiến hành tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như củng cố lại cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự chuẩn bị mùa du lịch mới.

Không chỉ với cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú cũng có bước tăng giá mạnh. Điển hình là cổ phiếu CEO của Tập đoàn CEO. Trong 3 tháng vừa qua, cổ phiếu này đã tăng gần 80%, còn nếu chỉ tính riêng từ Tết Nguyên đán tới nay, cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 10%.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, việc báo lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ, cùng với những thông tin tích cực về hoạt động bán hàng ở các dự án trọng điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là động lực cho đà tăng của cổ phiếu này trong giai đoạn vừa qua.

Trong khi đó, cổ phiếu FIT (của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T) cũng vừa ghi nhận đà tăng 10% trong vòng 1 tuần qua sau thông tin doanh nghiệp này bắt tay với Tập đoàn Crystal Bay triển khai dự án Cap Padaran Mũi Dinh, tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với quy mô đầu tư 1 tỷ USD, trong đó, F.I.T góp 60% và Crystal góp 40%.

Gây chú ý trong nhóm này là cổ phiếu VHD (của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinahud) với mức tăng 50% trong vòng gần 1 tháng qua. Sau tái cấu trúc cùng định hướng chuyển sang phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, nhờ được R&H Group cùng Bamboo Capital "bơm vốn", VHD đặt tham vọng lớn trong bối cảnh thị trường nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Công ty đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) để cùng phát triển 3 dự án: Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí Viên Nam (Kỳ Sơn, Hòa Bình), Dự án Parahills (Cao Phong, Hòa Bình) và Dự án Làng Hoa Tiền Phong (Mê Linh). Dự kiến các dự án sẽ ra hàng trong quý II và quý III/2022 và Cen Land là đơn vị độc quyền tiếp thị và phân phối dự án.

Dư địa tăng còn lớn

Theo thống kê của Fiinpro, du lịch và giải trí là một trong 3 nhóm ngành có mức tăng điểm thấp nhất trên thị trường chứng khoán năm 2021, khi chỉ tăng 6,3%, trong khi chỉ số VN-Index đạt mức tăng lên đến gần 36%.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tín hiệu "tan băng" của hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng cùng kỳ vọng vào sự trỗi dậy của ngành này khi mở cửa trở lại, nhóm cổ phiếu ngành này đang đứng trước triển vọng tích cực.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam hay Công ty Chứng khoán FPT mới đây đều cho thấy, dù chưa đạt mức kỳ vọng nhưng lượng hành khách gia tăng trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp ngành du lịch cải thiện doanh thu và lợi nhuận so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, việc mở hướng kinh doanh mới, đầu tư tài chính, tiết giảm chi phí… giúp nhiều doanh nghiệp du lịch cải thiện dần lợi nhuận từ cuối năm ngoái có thể là điểm cộng đối với kỳ vọng của nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Theo giới phân tích, mức tăng giá của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này (bao gồm cả hoạt động du lịch nghỉ dưỡng lẫn cung cấp các dịch vụ lưu trú) mới chỉ phản ánh một phần nhỏ kỳ vọng từ lộ trình Chính phủ đưa ra là có thể mở cửa lại du lịch quốc tế từ tháng 3/2022.

Bản báo cáo công bố hồi đầu tháng 3/2022 của Savills Việt Nam cho thấy, số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022.

Nếu như trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì hiện nay các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn...) cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Theo thống kê của Savills Hotels, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện trên thị trường Việt Nam.

Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế giúp các khách sạn có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài. Vừa qua, Công ty cổ phần Vinpearl và Tập đoàn Khách sạn Meliá Hotels International cũng công bố lộ trình hợp tác chiến lược nhằm khai thác lợi thế của hai bên.

Theo đó, Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia.

Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.

"Với các tín hiệu tích cực gần đây, tôi nhận thấy nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy các hoạt động marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế. Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới", ông Mauro chia sẻ.

Được biết, trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch từ 2022 - 2013 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019), 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 - 450 nghìn tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019).

Cũng theo lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, trong giai đoạn này, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch thúc đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch.

Là doanh nghiệp có nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, giai đoạn khó khăn nhất mà FLC phải đối mặt đã qua. Ngành du lịch nói chung và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển đột phá sau thời gian dài bị kìm nén.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ