Cổ phiếu điện gió trong cuộc đua hưởng giá FIT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư điện gió đang hối hả chạy nước rút đưa nhà máy vận hành thương mại trước 1/11/2021 để được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm.
Ảnh: Dũng Minh. Ảnh: Dũng Minh.

Hối hả về đích

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) cho biết, Nhà máy điện gió Phương Mai 1 do Công ty liên doanh cùng đối tác đang đóng cột, gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để có thể đóng điện hoà lưới trong tháng 9 này.

Dự án Nhà máy điện gió Phương Mai 1 đã đóng điện thành công công trình đường dây và trạm biến áp 35/110 kV - dự án điện gió đầu tiên mà TTA đầu tư và góp vốn. Hiện tại, các chuyên gia của nhà thầu GE đang hoàn thiện tua-bin (turbine) để thực hiện thử nghiệm kết nối E2E với Trung tâm điều độ hệ thống điện Miền Trung.

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió phải có một phần hoặc toàn bộ nhà máy đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 mới được hưởng giá điện hỗ trợ (FIT) trong 20 năm.

Theo đó, giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới nằm trong đất liền là 1.928 đồng/kWh, tương đương 8,5 UScent/kWh. Giá bán điện đối với các dự án điện gió nối lưới trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 UScent/kWh.

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gặp khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, thi công, một số địa phương nơi có dự án điện gió có ca Covid-19 phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (như huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị), nhưng các doanh nghiệp vẫn quyết tâm xin được thi công để nhà máy kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021.

Được biết, tính đến ngày 3/8/2021, có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề nghị công nhận vận hành thương mại. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Trong tháng 8/2021, một số nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại như Nhà máy điện gió Hoà Bình 1 - giai đoạn 2, Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận…

Tính đến cuối tháng 8/2021, có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất 963 MW đã vận hành thương mại. Cuộc đua điện gió trước ngày 1/11/2021 dự kiến sẽ giúp công suất điện tăng thêm hơn 6.000 MW, chiếm gần 10% công suất hệ thống.

Điểm rơi lợi nhuận năm 2022

Doanh nghiệp điện gió chạy nước rút để được hưởng ưu đãi, vậy cổ phiếu nào hấp dẫn? Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có một số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực điện gió là REE, PC1, TV2, TTA, GEG…

Trong đó, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) có dự án điện gió ngoài khơi VI.3 tại Trà Vinh, tổng vốn đầu tư 87 triệu USD; hai dự án điện gió trên bờ tại Bình Thuận và Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư dự kiến 80 triệu USD.

Công ty Chứng khoán MB nhận định, REE có thể ghi nhận 185 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng điện gió vào năm 2022.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, 3 dự án điện gió với tổng công suất 102 MW thi công đúng tiến độ sẽ giúp REE tăng thêm hơn 700 tỷ doanh thu bán điện gió và gần 200 tỷ đồng lợi nhuận sau lợi ích cổ đông thiểu số.

Ngoài mảng điện gió, REE được nhà đầu tư chú ý khi sở hữu hơn 50% cổ phần tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) và có các mảng kinh doanh tích cực như bất động sản, điện mặt trời, nước.

Năm 2021, REE đặt kế hoạch đạt doanh thu 6.933 tỷ đồng, tăng 23,8% và lợi nhuận sau thuế 1.768,9 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, REE đạt doanh thu 2.822 tỷ đồng và lãi sau thuế 942 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Xây lắp điện 1(PC1), mảng điện gió được VCBS kỳ vọng sẽ giúp tăng gấp đôi doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022 cho mảng phát điện.

Trên thị trường chứng khoán, một số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực điện gió là REE, PC1, TV2, TTA, GEG…

Cụ thể, PC1 có 3 dự án điện gió, tổng công suất 144 MW, đang có tiến độ tốt. Dự án điện gió Liên Lập đã vận hành thương mại trong tháng 8/2021, dự án Phong Huy và Phong Nguyên dự kiến vận hành thương mại trong tháng 10/2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, PC1 đạt doanh thu 4.539,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 224,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 78,7% và 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kế hoạch cả năm 2021 của PC1 là đạt doanh thu 8.003 tỷ đồng, lãi ròng 510 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) có 3 dự án điện gió đã gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại, bao gồm Nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre, công suất giai đoạn 1 là 30 MW, giai đoạn 2 là 60 MW; Nhà máy điện gió Ia Bang 1 tại tỉnh Gia Lai, công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 tại tỉnh Tiền Giang, tổng công suất quy hoạch cả cụm là 150 MW.

Các nhà máy này đã hoàn tất phần móng trụ và đang tiến hành lắp ráp tua-bin, dự kiến vận hành thương mại với giá 8,5 UScent/kWh cho dự án trên bờ Ia Bang 1, giá 9,8 UScent/kWh cho dự án ngoài khơi V.P.L 1 và Tân Phú Đông 2.

VCBS dự báo, 3 dự án điện gió của GEG sẽ vận hành thương mại vào cuối năm 2021, đóng góp thêm 396 triệu kWh sản lượng điện và gần 900 tỷ đồng doanh thu hàng năm, hướng đến mốc tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2025 lần lượt là 6.390 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng (điện gió đóng góp khoảng 45% sản lượng điện và 53% doanh thu).

Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đô (HDG) là đơn vị phát triển bất động sản nhưng cũng tham gia thị trường điện gió khi triển khai dự án điện gió 7A tại tỉnh Ninh Thuận, công suất 50 MW, dự kiến vận hành trong quý III/2021, với sản lượng trung bình 171 triệu kWh/năm.

Dự án này đã hoàn thành lắp đặt 12 trụ điện gió và bắt đầu đưa các tổ máy đầu tiên hoà vào lưới điện quốc gia trong tháng 8/2021.

Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2) có dự án điện gió Tân Thuận, công suất 75 MW, dự kiến vận hành trong 10/2021.

Cổ phiếu của những công ty hoàn thành kịp các dự án điện gió đúng hạn được nhìn nhận sẽ thu hút nhà đầu tư.

Anh Đỗ Minh Nam, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, anh đang nắm giữ một số mã cổ phiếu ngành năng lượng như BCG, ASM, hiện tiếp tục tìm hiểu để mở rộng danh mục ngành này, trong đó chú ý đến PC1 và REE.

“Những doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có tương lai sáng và triển vọng dài hạn, phù hợp với chiến lược đầu tư giá trị”, anh Nam nói.

Dịch Covid-19 có thể kéo lùi tiến độ

Do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thời điểm hoàn thành và vận hành các nhà máy điện gió có thể chậm trễ so với dự kiến ban đầu, thậm chí lùi sang đầu năm 2022.

Một nhà đầu tư điện gió cho biết, dịch bệnh khiến anh như ngồi trên đống lửa, bởi thời gian hoàn thành để được hưởng ưu đãi về giá điện không còn nhiều. Dự án đang mắc kẹt ở khâu giải phóng mặt bằng, vận chuyển thiết bị chậm và chuyên gia nước ngoài không thể sang, khiến nhà máy đứng trước nguy cơ không kịp tiến độ.

Thực tế, dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới tiến độ cung cấp tua-bin gió bị ảnh hưởng, không ít dự án điện gió đứng trước khả năng chậm tiến độ vận hành. Nhiều địa phương như Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng… đồng loạt kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án trên địa bàn.

Mới đây, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giá FIT đến 30/12/2021. Bộ Công thương cũng có kiến nghị tương tự, nhưng các bộ không ủng hộ.

“Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến của câu chuyện chính sách và thực tế tại doanh nghiệp, nhưng cổ phiếu nhóm ngành năng lượng tái tạo nhìn chung đáng để đầu tư dài hạn”, anh Nguyễn Minh Thắng, nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ.

Theo Công ty định mức tín nhiệm Fiin Ratings, trong trung và dài hạn, ngành năng lượng tái tạo có triển vọng tương đối tốt do nhu cầu điện tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng 8 - 9%/năm.

Tiềm năng của ngành đến từ tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt mức cao trong tương lai, đặc biệt giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cũng như từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của dân cư. Năng lượng tái tạo là một trong những ngành được ưu tiên phát triển nhằm đa dạng nguồn điện và giảm phát thải khí nhà kính.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ