Cổ phiếu DDG lao dốc 40% trong 5 phiên, dấu hiệu force sell?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) bất ngờ nằm sàn 6 phiên liên tiếp, có phiên tắt thanh khoản, khiến cổ phiếu bốc hơi 45,8% thị giá, tương ứng vốn hóa bị thổi bay gần 1.200 tỷ đồng. Hiện DDG đang tiếp tục giảm sàn ở vùng giá 22.600 đồng/cp, vốn hóa chỉ còn 1.352 tỷ đồng.
Dự án cung cấp nhiệt cho nhà máy bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu Dự án cung cấp nhiệt cho nhà máy bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu

Ghi nhận thông tin thị trường cho biết, một số công ty chứng khoán cấp margin cho cổ phiếu này đã kích hoạt lệnh bán force sell đối với cổ phiếu DDG.

Tính từ khi niêm yết đến nay, có lẽ đây là lần đầu tiên cổ phiếu DDG có mức độ giảm giá chóng mặt, nằm sàn liên tiếp cả tuần giao dịch, phiên giao dịch khối lượng khớp khủng nhất là 13/4 với hơn 427.300 đơn vị.

Đáng chú ý, ngay trước chuỗi sàn 2 phiên, DDG có 3 phiên khớp lệnh đột biến hơn hẳn, 3 - 4/4, khớp hơn 380.000 đơn vị/phiên và phiên 5/4 khớp đến 608.000 đơn vị.

Trong 1 quý gần nhất, thanh khoản DDG duy trì trung bình khoảng 200.000 cổ phiếu/phiên.

Được biết, DDG niêm yết trên HNX vào cuối năm 2018, vốn điều lệ Công ty cũng tăng mạnh, từ mức 120 tỷ đồng, tới nay, lên đến 598,4 tỷ đồng, tương ứng tăng gần gấp 4 lần.

Cơ cấu cổ đông khá loãng với 96,5% cổ phần nằm trong tay các cá nhân, công ty chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT nắm 6,48% và bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 6,39%.

DDG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sản xuất và cung cấp hệ thống hơi, nhiệt - điện, xử lý rác thải cho các công ty, tập đoàn uy tín có nhu cầu trong nước. Các mảng này được đánh giá tương đối an toàn, ổn định vì luôn có nhu cầu trên thị trường. Đó cũng là lý do giúp DDG ít bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

DDG là đơn vị sở hữu những giải pháp công nghệ chuyển hóa các loại nhiên liệu phế phẩm thành các nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho các nhà máy sản xuất. Với những lợi thế về mặt công nghệ, DDG nhận được sự tin tưởng và hợp tác của rất nhiều khách hàng. Điển hình là dự án “Cung cấp hơi, điện và sấy hèm bia cho Heineken Vũng Tàu” đã hoàn thành giai đoạn I vào cuối năm 2019; Dự án “Sản xuất khí CO2 thu hồi từ khói lò”; Dự án “Nhà máy điện rác BIWASE - Đầu tư sản xuất tận dụng nhiệt thừa của lò đốt rác thải công nghiệp”.

Về kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng tốt hàng năm, cụ thể, từ mức doanh thu 258,37 tỷ đồng và lợi nhuận 10,08 tỷ đồng năm 2018, tới năm 2022, doanh thu đạt 975 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh không mấy hấp dẫn khi ROE chỉ ngang bằng lãi suất gửi ngân hàng, dao động từ 5,72%-9,43%.

Theo số liệu wichart.vn, EPS trailing khoảng 733 đồng, hiện DDG đang giao dịch ở mức P/B 1,7 lần, P/E 30,9 lần – cao hơn nhiều so với P/E thị trường quanh vùng 13-14 lần.

Năm 2023, DDG lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái.

Theo kế hoạch trong năm 2023, DDG tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như hoàn thiện nhà máy xử lý rác thải tại Long An và đưa vào hoạt động; nâng cấp hệ thống CO2 từ 80 tấn/giờ lên 120 tấn/giờ, mở rộng hệ thống tách lọc CO2; hoàn thiện giai đoạn 2 của nhà máy tại Vũng Tàu và hệ thống phát điện.

DDG sẽ huy động cả nguồn vốn tự có lẫn bên ngoài để đẩy nhanh quá trình mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của khách hàng/đối tác. Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, quan tâm tới mô hình hoạt động và ngỏ ý muốn cùng Đông Dương hợp tác mở rộng quy mô và thị trường kinh doanh.

Trong đó, Đông Dương đã ký biên bản thỏa thuận góp vốn với 2 quỹ đầu tư đến từ Mỹ và Nhật với tổng giá trị khoảng 40 triệu USD. Công ty sẽ sớm công bố chính thức trong thời gian tới.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ