Cổ phiếu DBC tăng mạnh bỏ quên những nỗi lo

(ĐTCK) Giá cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam tăng 129% trong vòng hơn 1 tháng và hai cổ đông lớn lần lượt thoái vốn. 
Ảnh Internet

Kết quả kinh doanh quý I khởi sắc

Quý I/2020, DBC đạt doanh thu 2.467,3 tỷ đồng, lợi nhuận 348,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 45,9% và 16,38 lần so với quý I/2019.

Doanh nghiệp lý giải, kết quả kinh doanh tích cực là nhờ hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án như nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, khu chăn nuôi gà giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi Bình Phước.

Đặc biệt, nhà máy dầu thực vật Dabaco đã đạt 80 - 90% công suất sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động. Doanh thu và lợi nhuận từ sản xuất lợn giống, chăn nuôi lợn, gà đều tăng trưởng tích cực.

Trong các năm qua, hai mảng chủ lực của DBC là sản xuất, bán thức ăn chăn nuôi và nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất con giống, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Doanh nghiệp định hướng phát triển thành mô hình kinh doanh kép kín từ thức ăn chăn nuôi (Feed) - trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống (Farm) và thực phẩm chế biến (Food).

Đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cho lợn, trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi khiến người dân thua lỗ, e ngại tái đàn nên DBC gặp khó khăn.

Nhưng cuối năm 2019, khi dịch bệnh giảm dần, giá thịt lợn tăng cao đã thôi thúc người dân tái đàn trở lại, tạo ra nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu tăng vọt, cũng như doanh nghiệp hưởng lợi từ giá bán cao của thịt lợn từ quy trình kinh doanh khép kín con giống tới chế biến. Đây là một phần lý do giúp DBC đạt lợi nhuận đột biến trong quý I/2020.

Tuy nhiên, việc người dân tái đàn trong quý IV/2019 và quý I/2020 sẽ đẩy nguồn cung thịt lợn tăng, khó có thể tiếp tục mang lại lợi nhuận cao cho DBC.

Lãi vay tăng và dấu hiệu mất cân đối tài chính

Những năm gần đây, DBC liên tục tăng vay nợ: vay nợ cuối năm 2016 là 2.314,1 tỷ đồng, chiếm 98,9% vốn chủ sở hữu, đến cuối quý I/2020 tăng lên 4.665 tỷ đồng, chiếm 138,2% vốn chủ sở. Theo đó, chi phí lãi vay năm 2016 là 110,9 tỷ đồng, năm 2019 là 282 tỷ đồng, quý I/2020 là 82,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 3 năm qua, Công ty dùng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn; trong quý I/2020, tình hình có cải thiện nhưng không đáng kể khi tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn và tài sản ngắn hạn khá tương đồng. Nếu hoạt động chăn nuôi, chế biến gặp rủi ro như dịch tả lợn quay lại sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền và chi phí cố định là lãi vay.
Ngoài ra, DBC đang gặp áp lực tỷ giá khi VND có xu hướng mất giá so với USD, vì doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn và thanh toán bằng USD.

Nhìn chung, doanh nghiệp đang tiềm ẩn rủi ro giá nguyên liệu đầu vào tăng do USD lên giá, cũng như rủi ro chi phí tài chính và cơ cấu nguồn vốn không quá mạnh, trong khi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà kết quả kinh doanh phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài, đặc biệt là rủi ro dịch tả lợn châu Phi có thể quay trở lại.

Sau khi giá giảm còn 13.700 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3, cổ phiếu DBC bật tăng, vượt vùng đỉnh trước dịch Covid-19 (21.000 đồng/cổ phiếu), đạt 31.400 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư lớn liên quan tới VinaCapital đã bán hơn 2 triệu cổ phiếu DBC, chỉ còn nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 5,74%. Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI bán ra 2 triệu cổ phiếu DBC, tỷ lệ sở hữu giảm còn 4,99%.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục