Cổ phiếu đầu tư công có thể tiếp tục tạo “sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít nhóm cổ phiếu đã tạo “sóng” với kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Dù vậy, đầu tư công có thể vẫn là động lực cho giá cổ phiếu trong năm 2023.
Giá một số nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như thép, xi măng, đá kỳ vọng sẽ ổn định trong năm 2023. Giá một số nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như thép, xi măng, đá kỳ vọng sẽ ổn định trong năm 2023.

Cơ hội từ đầu tư công

Trong bối cảnh động lực tăng trưởng thu hẹp từ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm 2023.

Thực tế, đầu tư công có nhiều dư địa để đẩy mạnh giải ngân nhờ giá cả nguyên vật liệu dần ổn định, hoạt động đấu thầu và giải phóng mặt bằng được các địa phương hoàn thành nhanh ngay từ đầu năm và nhiều dự án có thể hấp thụ vốn nhanh. Việc này sẽ lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác, trong đó hưởng lợi trực tiếp là xây dựng hạ tầng và nguyên vật liệu.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm 2022. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm đạt được kế hoạch, Chính phủ đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 lên 4,5% (mục tiêu năm 2022 là 4,0%) và dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2023 là 4,5%, từ mức 4% của năm 2022. Do đó, vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20 - 25% so với số thực tế năm 2022.

“Chúng tôi vẫn đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2023, khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết. Những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm như VCG, HHV, C4G… sẽ có nhiều lợi thế để giành được các gói thầu lớn”, bà Hiền nói.

Vẫn theo bà Hiền, yếu tố khác hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng giảm trong những tháng gần đây. Giá vật liệu giảm có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng, gói 4 (xây dựng cơ sở hạ tầng) trong gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ hậu Covid-19, chiếm khoảng 1,6% GDP năm 2022 sẽ được giải ngân hoàn toàn và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Trong đó, Cao tốc Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2) là một dự án quan trọng, chiếm hơn 80% tổng gói 4 đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Chúng tôi kỳ vọng, vốn đầu tư được giải ngân theo đúng tiến độ trong năm 2023 và giúp giải quyết nút thắt hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư trong nước cũng như FDI, đồng thời tăng hiệu quả, giảm chi phí chung của nền kinh tế. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước dự kiến tăng hơn 17% so với kế hoạch năm 2022. Với kịch bản thấp nhất mà chúng tôi dự kiến, nếu giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 80% trong năm 2023 thì nguồn vốn giải ngân cũng đã tăng hơn 6% so với năm 2022”, đại diện ACBS chia sẻ.

Với trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 thông qua chính sách tài khóa với hướng chủ lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ACBS kỳ vọng trước tiên vào các công ty thực hiện các dự án hạ tầng giao thông (tiêu biểu có VCG, HHV, C4G), tiếp theo là ngành vật liệu xây dựng với các vật liệu tiêu biểu như sắt thép (HPG, HSG, NKG), đá xây dựng (NNC, DHA, KSB, VLB), xi măng (HT1, BCC, BTS).

Khi các dự án hạ tầng giao thông hình thành, công ty chứng khoán này kỳ vọng bất động sản thương mại (VHM, NVL, NLG, DXG, PDR) và bất động sản khu công nghiệp (KBC, BCM, GVR, IDC) sẽ hưởng lợi nhờ cú huých từ hạ tầng giao thông được cải thiện.

ACBS nhận định, thời điểm hiện tại khá thích hợp để giải ngân từ từ vào các nhóm ngành trên, khi Chính phủ đang có động thái đẩy mạnh hoạt động đầu tư công trở lại. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước đối tác thương mại của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc dự kiến sẽ tươi sáng hơn trong nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ ngưng thắt chặt tại các nước phát triển khi lạm phát dần hạ nhiệt, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, định giá của thị trường hiện tương đối rẻ (mức P/E ngày 31/1/2023 của VN-Index là 12,9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm là 16,5 lần), có thể giải ngân.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, trong năm 2023, giá một số nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như thép, xi măng, đá sẽ ổn định trở lại sau khi đạt đỉnh trong năm 2022. Đây là điểm tích cực của ngành xây dựng, bởi việc triển khai các dự án sẽ không bị gián đoạn.

Có thể kể đến một số dự án lớn như dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 (TP.HCM), Vành đai 4 (Hà Nội). Dự án đầu tư công đáng chú ý nhất giai đoạn 2023 - 2026 là Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, bao gồm 25 dự án thành phần và có quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn 1.

Trong số đó, 12 dự án thành phần đã khởi công đồng loạt từ 1/1/2023. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các nhà thầu xây dựng, bởi khối lượng công việc rất lớn, trong khi các yếu tố về tiến độ và chất lượng cần phải được đảm bảo.

“Trong trường hợp tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào các cổ phiếu đầu ngành, có sức khỏe tài chính tốt như VCG, HHV”, ông Đạt nói.

Lưu ý khi đầu tư

Trên sàn chứng khoán, “sóng” đầu tư công đã diễn ra trong thời gian vừa qua, nhưng không tập trung vào một nhóm ngành cụ thể, mà rải rác luân phiên ở nhiều nhóm ngành.

Cụ thể, câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 đã được thị trường đón đầu từ cuối năm 2022, nhiều nhóm cổ phiếu hồi phục từ 20 - 40% kể từ vùng đáy trong vòng 2 năm của chỉ số VN-Index (tháng 11/2022).

Nhiều dự báo cho rằng, thị trường sẽ có những biến động trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh đó, có thể xuất hiện sóng ngành và cả sóng của nhiều cổ phiếu riêng lẻ nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, mặc dù doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền của các doanh nghiệp tham gia vào các công trình là khó dự báo. Doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư “ăn theo” đầu tư công nên ưu tiên những doanh nghiệp có kinh nghiệm, công nghệ, lợi thế so với đối thủ, được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho biết, hiện tại, mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng khá mạnh so với thời điểm tạo đáy giữa tháng 11/2022.

Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư công được kỳ vọng sẽ kéo dài xuyên suốt cả năm 2023 và nhà đầu tư có thể theo dõi tiến độ thực hiện các gói thầu của các doanh nghiệp nhóm đầu tư công để giải ngân/nắm giữ cũng như chốt lời ở thời điểm thích hợp.

Các công ty thực hiện dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng trước tiên, tiếp theo là ngành vật liệu xây dựng với các vật liệu tiêu biểu như sắt thép, đá xây dựng, xi măng…

Trước mắt, nhà đầu tư nên chờ đợi các giá cổ phiếu liên quan đến đầu tư công như các doanh nghiệp nhà thầu trực tiếp, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng… điều chỉnh, trở lại trạng thái tích luỹ rồi mới giải ngân.

Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu hưởng lợi trong câu chuyện về đầu tư công, đó là các cổ phiếu đầu ngành, thuộc nhóm xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng (hưởng lợi trực tiếp nhờ khả năng ký kết các gói thầu thi công mới và nhu cầu vật liệu gia tăng), hay nhóm bất động sản khu công nghiệp (hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê, có năng lực tài chính ổn định. Ngoài ra, cổ phiếu thuộc ngành đá xây dựng, nhựa đường tại các tỉnh, thành phố liên quan đến các dự án đầu tư công được triển khai cũng đáng xem xét giải ngân.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Sacombank nhìn nhận, nhiều nhóm cổ phiếu “ăn theo” đầu tư công đã ghi nhận tăng giá rải rác trong gần hai tháng vừa qua. Tuy nhiên, xu hướng tăng đó thường không kéo dài, mà chủ yếu diễn ra chỉ một vài phiên. Sự phân hóa sẽ rõ nét hơn giữa các ngành trong năm 2023. Nếu lựa chọn đầu tư theo hướng này thì nhà đầu tư nên ưu tiên chọn các ngành vật liệu như đá, xi măng, hoặc nhóm xây dựng hạ tầng, công trình.

Ông Linh lưu ý, các nhóm cổ phiếu này đã tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ kỳ vọng trên. Thời gian kỳ vọng cũng là thời gian đầu tư tốt nhất trước khi các nhóm cổ phiếu sẽ phân hóa dần theo kết quả kinh doanh từng quý.

Một cách đơn giản, nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu của các doanh nghiệp tập trung kinh doanh nguyên vật liệu để có thể dự phóng được bức tranh hoạt động của doanh nghiệp.

Khi lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu đầu ngành, bởi nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa chắc sẽ được hưởng lợi. Còn đối với các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, rất khó dự phóng kết quả kinh doanh do tính chất hoạt động phức tạp, nhiều công ty con, các dự án có tính dàn trải và công tác thu nợ luôn khó khăn, có thể khiến hiệu quả hoạt động không như kỳ vọng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục