Cổ phiếu đầu ngành là điểm đến dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp đầu ngành làm ăn bài bản, thông tin minh bạch, số lượng cổ phiếu lớn rất khó tăng giá mạnh trong thời gian ngắn, nhưng xét trung và dài hạn, mức tăng giá thường gấp nhiều lần các nhóm khác.
Giá cổ phiếu của Masan (MSN) đã tăng gấp 3 lần trong 1 năm vừa qua. Giá cổ phiếu của Masan (MSN) đã tăng gấp 3 lần trong 1 năm vừa qua.

Mức tăng giá vượt trội

Tính đến hết ngày 9/11/2021, chỉ số VN30 đại diện cho những cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt 1.527,13 điểm, tăng 42,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 32,4% của VN-Index (năm 2020, VN30 tăng 21,8%, VN-Index tăng 14,8%). VN30 chiếm khoảng 67% vốn hóa toàn bộ thị trường, nên các cổ phiếu ngoài VN30 chỉ tăng giá khoảng 11,6%.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin.

Các cổ phiếu đầu ngành là điểm đến của dòng tiền khi có mức tăng gấp 3,66 lần các cổ phiếu khác, nguyên nhân đến từ 2 yếu tố chính.

Một là, về mặt kết quả kinh doanh, VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quý gần nhất (quý IV/2020 - quý III/2021) đạt 44,2%, cao hơn so với mức tăng 33,2% của VN-Index và mức tăng 11,9% của các doanh nghiệp khác.

Hai là, các doanh nghiệp đầu ngành có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Ví dụ, trong quý III/2021, GDP có mức suy giảm kỷ lục 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, hàng trăm ngàn doanh nghiệp thua lỗ, nhưng VN30 vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận 22,5% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, giá các cổ phiếu trong VN30 có sự phân hóa mạnh, có thể chia thành 4 nhóm.

Nhóm 1, giá cổ phiếu tăng vượt trội so với VN-Index, với 4 mã tăng trên 100% là PDR (122,1%), NVL (117,5%), VPB (108%), SSI (100%); 9 mã tăng từ 63,4% đến dưới 100% là FPT (93,5%), HPG (86,4%), KDH (80,4%), MSN (72,4%), MBB (67,3%), TCB (67%), MWG (66,5%), STB (64,8%), TPB (63,4%). Đây đều là những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, hoặc có sự chuyển biến mạnh về nội tại doanh nghiệp.

Nhóm 2, giá cổ phiếu tăng cao hơn so với VN-Index, gồm 5 mã là ACB (48,6%), GAS (46,5%), HDB (42,1%), GVR (38,1%), PNJ (34,6%), thuộc những doanh nghiệp có kết quả kinh tốt.

Nhóm 3, giá cổ phiếu tăng thấp hơn so với VN-Index, gồm 5 mã là CTG (22,5%), VHM (21,4%), VJC (5,4%), PLX (2,3%), VCB (0,3%), đa phần doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ở mức trung bình, ngoại trừ VHM.

Nhóm 4, giá cổ phiếu giảm, gồm 7 mã là VIC (-1,3%), VRE (-1,8%), POW (-2,1%), BVH (-2,4%), BID (-8,4%), SAB (-10,2%), VNM (-13,3%), đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan.

Tỷ lệ thay đổi giá các cổ phiếu trong VN30*. * Ngày 6/11/2021 so với đầu năm.

Tỷ lệ thay đổi giá các cổ phiếu trong VN30*. * Ngày 6/11/2021 so với đầu năm.

Các cổ phiếu đầu ngành luôn là điểm đến yêu thích của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, hay các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài như PYN Elite, Dragon Capital, VinaCapital, SSIAM. Năm 2021 là năm bán ròng kỷ lục, nhưng khối ngoại chỉ tập trung bán tại một số mã như HPG, CTG, VNM, VIC, VPB, với nhiều lý do khác nhau. Ngược lại, khối này mua ròng TPB, MWG, VHM, STB, chứng chỉ quỹ FUEVFVND...

Cơ hội tích sản cổ phiếu

Nhà đầu tư cá nhân nên quan tâm tới cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, bởi doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh, nền tảng kinh doanh vững chắc, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh và công nghệ khiến môi trường kinh doanh thay đổi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đầu ngành thường có kết quả kinh doanh vượt trội so với các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, một nghịch lý dường như chỉ có ở Việt Nam là đa số cổ phiếu đầu ngành có định giá thấp hơn so với các cổ phiếu khác. Ví dụ, ngày 8/11/2021, P/E của VN30 là 16,5 lần, của VN-Index là 17,26 lần, các cổ phiếu ngoài VN30 bình quân là 18,78 lần.

Thực tế, trong một thời gian dài, nếu đầu tư vào các cổ phiếu đầu ngành, hầu hết nhà đầu tư có lợi suất vượt trội so với thị trường chung như VNM, VCS, VCB, ACB, MBB, HPG, MWG, PNJ, MSN, SSI, VND…

Tuy vậy, không phải cổ phiếu đầu ngành nào cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Trong quá trình lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần chú ý đến những mã vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao và định giá P/E thấp hơn so với thị trường.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mới đạt hơn 1 triệu, bằng số tài khoản mới của 6 năm trước cộng lại, đồng nghĩa có nhiều nhà đầu tư F0 tham gia thị trường, thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng đầu tư. Lợi dụng đặc điểm này, không ít hội, nhóm chuyên đầu cơ tăng cường “bơm thổi” cổ phiếu nhỏ, nhằm thu hút F0.

Một bộ phận nhà đầu tư thích mua cổ phiếu nhỏ, vì giá tăng nhanh, trong khi cổ phiếu đầu ngành có diễn biến giá chậm chạp. Điều này cũng dễ hiểu, vì các doanh nghiệp đầu ngành làm ăn bài bản, thông tin minh bạch, số lượng cổ phiếu lớn sẽ rất khó “đẩy” giá tăng cao trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu phản ánh theo cung cầu, theo dòng tiền, nhưng trong dài hạn, giá cổ phiếu phản ánh theo nội tại của doanh nghiệp. Cổ phiếu tăng giá nhanh mà không đi cùng nền tảng kinh doanh tốt thì nhiều khả năng sẽ sớm quay đầu giảm nhanh và người lãnh hậu quả chính là những người vào sau.

Nhìn lại lịch sử giá cổ phiếu trong 5 năm, 10 năm cho thấy, doanh nghiệp đầu ngành thường có giá cổ phiếu tăng bền vững, thị giá đạt các ngưỡng cao như 50.000 đồng/cổ phiếu, 100.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí cao hơn.

Trong tương lai, từ 2022 - 2025, thị trường chứng khoán nói chung còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Thứ nhất, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh. Các tổ chức uy tín quốc tế dự báo, GDP có thể tăng 5 - 7%/năm đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, trong đó các doanh nghiệp là những đối tượng được hưởng lợi lớn nhất.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam được đánh giá rất ổn định nhờ lãi suất và lạm phát duy trì ở mức thấp (lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm có lợi suất 2,05%, lạm phát duy trì trong khoảng 2 - 4%), dự trữ ngoại hối tăng cao (hiện đạt 120 tỷ USD), từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Thứ ba, triển vọng thị trường được nâng hạng dần rõ nét hơn, hiện đã đáp ứng đủ 7/9 tiêu chí.

Thứ tư, định giá của thị trường chứng khoán vẫn ở mức hấp dẫn, với P/E VN30 là 16,5 lần.

Có ít nhất 5 nhóm ngành được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh trong giai đoạn 2022 - 2025.

Một là ngành bất động sản, do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nhanh, tầng lớp trung lưu tăng cao, khiến nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt tại các đô thị loại 1 như TP.HCM và Hà Nội.

Hai là ngành chứng khoán, hưởng lợi lớn nhờ số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều.

Ba là ngành ngân hàng, có tốc độ tăng trưởng cao gấp 2 - 3 lần toàn nền kinh tế.

Bốn là ngành vật liệu xây dựng, hưởng lợi nhờ đầu tư công được tăng cường giải ngân nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng là đầu vào của ngành bất động sản đang phục hồi.

Năm là ngành bán lẻ hiện đại, hưởng lợi từ sự gia tăng thu nhập dôi dư và xu hướng đô thị hóa nhanh.

Các doanh nghiệp đầu ngành có tiềm năng tăng trưởng, đáng quan tâm trong thời gian tới gồm VHM, NLG, NVL, VND, TCB, MBB, ACB, HPG, MWG, PNJ.

Theo đó, chiến lược đầu tư thích hợp và hiệu quả với đa số nhà đầu tư là “tích sản cổ phiếu”. Khi các cổ phiếu này điều chỉnh giá, khiến định giá hấp dẫn hơn, nhà đầu tư nên mua vào, coi như một khoản tiết kiệm, sau một thời gian dài, lợi suất có thể đạt 20 - 30%/năm.

Đặng Trần Phục
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ