Triển vọng tăng trưởng
Cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tăng 32%, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng hơn 27% trong thời gian từ 1 - 12/1/2021. Sắc xanh bao phủ nhiều cổ phiếu khác trong ngành dầu khí như GAS, PVS, PVB, PVT, POW, OIL…
Động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí được cho là đến từ giá dầu có diễn biến tăng từ đầu tháng 11/2020 đến nay. Đây là đợt tăng thứ hai kể từ vùng đáy tháng 4/2020, nhưng giá dầu vẫn chưa trở về mức đầu năm 2020. Giá dầu ngày 13/1/2021 dao động quanh mức 56 USD/thùng với dầu Brent và 53 USD/thùng với dầu WTI.
Ngân hàng Goldman Sachs ngày 11/1/2021 nhận định, giá dầu Brent có thể đạt 65 USD/thùng vào mùa Hè năm nay, thay vì cuối năm như dự báo trước đó.
Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí, kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp dầu khí được cải thiện khi giá dầu tăng.
Chẳng hạn, quý III/2020, BSR không bị lỗ như trong quý II; công suất vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 105% sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể. Tại PVT, hoạt động kinh doanh ổn định, năm 2020 ước đạt doanh thu 7.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Với OIL, giá dầu tăng có thể giúp doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý I/2021 khi việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nội địa, đặc biệt là nhiên liệu bay khi các đường bay quốc tế được nối lại.
Bên cạnh nhu cầu gia tăng, giá dầu còn được hỗ trợ bởi OPEC và các đồng minh (OPEC+) thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng sản xuất 7,2 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2021. Ngoài ra, Saudi Abria - quốc gia có sản lượng dầu thô lớn nhất trong nhóm OPEC đã tình nguyện giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, dòng tiền đang chảy mạnh vào cổ phiếu dầu khí. Đây là nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong năm 2021.
Có hai yếu tố đang góp phần đem lại triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu dầu khí.
Thứ nhất, giá dầu tăng. Trong ngắn hạn, OPEC duy trì sản lượng ở mức thấp sẽ tạo đà cho giá dầu đi lên, trong khi kinh tế dần tăng trưởng cao trở lại. Tình hình vận tải, logisitcs có dấu hiệu phục hồi khả quan, giá cước vận tải thiết lập ở mức mới, nhu cầu sử dụng nhiên liệu dầu tăng sẽ giúp trì đà tăng của giá dầu.
Thứ hai, các dự án khai thác dầu khí mới trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy triển khai, vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, vừa bổ sung nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng khác, nhưng dự báo các dự án điện khí sẽ được đẩy mạnh.
Sắc xanh bao phủ cổ phiếu ngành dầu khí nhờ triển vọng tích cực của các doanh nghiệp khi giá dầu tăng.
Năm ngoái, Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp đến từ Nga, Nhật Bản, Mỹ để triển khai các mỏ khí mới. Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ dầu khí, tiếp theo là các doanh nghiệp thương mại trong ngành dầu khí.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, PVN phát hiện mỏ dầu khí mới là Kèn Bầu và Sói Vàng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Năm qua, PVN đã hoàn thành đầu tư đưa hai công trình dầu khí mới vào khai thác là giàn BK-21 và giàn CPP Sao Vàng.
Rủi ro tiềm ẩn
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhóm cổ phiếu dầu khí đang có hai rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất, giá dầu có rủi ro giảm trở lại. Lịch sử cho thấy, năm 2014, giá dầu xuống thấp do dư thừa nguồn cung quá lớn, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ.
OPEC đã cam kết duy trì sản lượng sản xuất ở mức thấp, nhưng giá dầu trong năm 2021 vẫn là ẩn số, có thể giảm, nhất là trong trường hợp một số thành viên không giữ đúng cam kết mà bí mật tăng sản lượng.
Thứ hai, các mỏ dầu khí mới có thể chưa được khai thác do những vấn đề liên quan đến chính trị, diễn biến tranh chấp tại biển Đông…
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, ngành dầu khí trong những năm gần đây chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, giá dầu giảm và duy trì dưới mức 60 USD/thùng (mức kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu ngành); không ít dự án đầu tư của PVN vướng sai phạm và bị thanh tra; tranh chấp tại biển Đông khiến đa số dự án thượng nguồn (khâu thăm dò, khai thác) bị trì hoãn thậm, chí dừng triển khai…
Doanh nghiệp ngành dầu khí cũng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đây khí là một trong những ngành có mức giảm lợi nhuận sâu nhất trong 9 tháng đầu năm 2020, với mức giảm 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ và giá dầu giảm, khiến doanh nghiệp phải hạch toán giảm giá hàng tồn kho. Trong khi đó, các biện pháp cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh khiến các dự án chậm triển khai.
Tổng giám đốc PVN cho hay, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm hoạt động khi vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải ứng phó với giá dầu thô sụt giảm. Tập đoàn đạt tổng doanh thu 566.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.500 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2019.
Giá dầu thô trung bình năm 2020 là 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với mức giá kế hoạch được Quốc hội thông qua (60 USD/thùng) và giảm 237 USD/thùng (giảm 35,1%) so với giá dầu trung bình năm 2019 (67,5 USD/thùng). Năm 2021, PVN sẽ tiếp tục rà soát chi phí để tối ưu, tiết giảm chi phí vận hành, cân đối sản lượng giữa các mỏ, sẵn sàng ứng phó với kịch bản giá dầu thấp hơn dự kiến.