Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,48 điểm, tương đương giảm 2,35% và kết thúc tuần đứng tại 1.268,83 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,2% xuống 91.540 tỷ đồng, khối lượng giảm 4% xuống 2.858 triệu cổ phiếu.
Tương tự, HNX-Index giảm 5,99 điểm, tương ứng giảm 1,95% và kết thúc tuần đứng tại 301,77 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX cũng giảm 18,9% xuống 11.200 tỷ đồng, khối lượng giảm 22,1% xuống 498 triệu cổ phiếu.
Trước tình hình Covid-19 đang là hiểm họa khó lường, Thành ủy TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp phong tỏa, thắt chặt cửa ngõ, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch theo Chỉ thị 16. Đồng thời, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đem tâm lý tiêu cực và thận trọng hơn bao trùm lên giới đầu tư trong các phiên giao dịch.
Tuần này, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tiếp tục giảm và là tuần thứ hai liên tiếp nhóm này suy yếu, cụ thể: VCB (-5,4%), BID (-5,4%), CTG (-6,2%), VPB (-9,3%), TCB (-4,1%), MBB (-4,6%), ACB (-1,8%), SHB (-6%),...
Trong khi đó, nhóm dầu khí cũng ghi nhận giảm đồng loạt dù ngành này được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 16/7 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 23/7 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
PVD |
HOSE |
19.150 |
17.200 |
-10,18 |
PVC |
HNX |
9.200 |
8.600 |
-6,52 |
PVS |
HNX |
24.800 |
23.200 |
-6,45 |
OIL |
UPCoM |
12.600 |
12.100 |
-3,97 |
BSR |
UPCoM |
17.900 |
17.200 |
-3,91 |
GAS |
HOSE |
90.000 |
88.000 |
-2,22 |
PLC |
HNX |
25.100 |
24.600 |
-1,99 |
PLX |
HOSE |
51.100 |
50.200 |
-1,76 |
Mã PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí là cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất trong tuần với mức giảm 10,18%. Mở đầu tuần giao dịch, PVD giảm sàn kéo theo 2 phiên đỏ sau đó. Cổ phiếu này chỉ giữ được sắc xanh duy nhất và cản được đà lao dốc vào phiên ngày 22/7. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, PVD giảm tiếp 3,9% đưa cổ phiếu xuống còn 17.200 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 23/7).
Tương tự, cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem) cũng có phiên đầu tuần giảm sàn 9,8%. Nhờ phiên tăng duy nhất vào ngày 22/7 với 6,10% đã giúp cổ phiếu kéo lại đà giảm còn 6,52% cho cả tuần và dừng ở giá 8.600 đồng/CP.
Cổ phiếu PVS thuộc Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam có một tuần giao dịch sôi động với khối lượng trung bình đạt 11,16 triệu đơn vị/phiên. Tuy nhiên, PVS cũng đã giảm 6,45% trong tuần đưa cổ phiếu từ 24.800 đồng/CP xuống 23.200 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn vẫn có 3 phiên tăng liên tiếp vào giữa tuần. BSR có 2 phiên giảm vào đầu - cuối tuần và giảm chung cuộc 3,97% cho cả tuần. Cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch sôi động với thanh khoản trung bình đạt 11,15 triệu đơn vị/phiên. Phiên cao nhất vào ngày 19/7 với khối lượng giao dịch đạt 16,5 triệu đơn vị, tương ứng xấp xỉ 276,1 tỷ đồng.
Mã OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP cũng đã giảm 3,97%, kéo giá cổ phiếu từ 12.600 đồng/CP xuống 12.100 đồng/CP. Nhiều mã dầu khí khác cũng có đà giảm song nhẹ hơn như GAS (-2,22%), PLC (-1,99%), PLX (-1,76%),…
Những con số ấn tượng
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp dầu khí vẫn chưa công bố toàn bộ báo cáo tài chính quý II/2021. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã kịp thời thông tin đến cổ đông, các con số được đánh giá không ngoài mong đợi giúp nhà đầu tư giữ vững kỳ vọng vào nửa cuối năm.
Đối với GAS, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 22.702 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ thuế, Công ty mang về lãi ròng đạt 2.301 tỷ đồng, tăng 34%; trong đó, lãi ròng Công ty mẹ đạt 2.262 tỷ đồng, tăng 32%.
Công ty cho biết mặc dù giá dầu bình quân trong quý II/2021 tăng 133% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 15%. Đồng thời, khoản chênh lệch giá khí bao tiêu phải nộp Ngân sách Nhà nước quý II là 646 tỷ đồng khiến lãi ròng Công ty mẹ tăng trưởng 32%.
Kết thúc kỳ tài chính bán niên đầu năm, GAS đạt 40.272 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt tăng nhẹ 6% và 4% lên 5.246 tỷ đồng và 4.179 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại lễ sơ kết đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của PVChem - PVC, Công ty cho biết tổng sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm Công ty đạt 4.648 tấn, đạt 101% kế hoạch 6 tháng.
Nửa đầu năm 2021, PVC ước đạt tổng doanh thu hợp nhất là 900,5 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch 6 tháng và đạt 45% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 9,6 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch 6 tháng và 44% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 39 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch 6 tháng, đạt 52% kế hoạch năm.
Ngoài ra, BSR cũng mới công bố sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm ước đạt 3,45 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 7% so với kế hoạch 6 tháng. Doanh thu 2 quý đầu năm của Công ty ước đạt hơn 50.020 tỷ đồng, vượt 54% so với kế hoạch và hoàn thành 71% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.311 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh đó, các chỉ số về khả năng thanh toán như hệ số thanh toán hiện hành, hệ số thanh toán nhanh lần lượt là 1,7 và 1,2; chỉ số phản ánh khả năng sinh lời như ROS, ROA, ROE lần lượt là 5%, 5,83% và 9,9%.
BSR cho hay, kết quả đạt được là nhờ xu hướng giá dầu thế giới tăng liên tục từ cuối năm 2020; đồng thời, Công ty đã quyết liệt thực hiện các biện pháp để kiểm soát chi phí và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh trong điều kiện chống dịch.
Những con số ấn tượng này cần kể đến sự đóng góp mạnh mẽ từ giá khí, cùng giá nhiều nguyên - nhiên vật liệu tăng mạnh theo giá quốc tế trong các tháng gần đây. Cụ thể, giá khí tự nhiên và dầu Brent thế giới đã tăng lần lượt 46% và 73% so với thời điểm cách đây một năm.
Trước đó, FiinGroup dự báo rằng ngành dầu khí có thể tăng trưởng lợi nhuận 741% trong năm 2021. Sự tăng trưởng này sẽ đến từ nhóm “hạ nguồn” từ các đơn vị Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam.
Chứng khoán MBS cũng nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm, cùng với đà tăng mạnh mẽ của giá dầu, chúng tôi tiếp tục đánh giá triển vọng sáng sủa cho ngành dầu khí và kỳ vọng tiến độ các dự án thăm dò khai thác được thúc đẩy nhanh hơn sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp dầu khí niêm yết trên sàn như GAS, PLX, PVS, BSR, PVD, PVT…”