Cổ phiếu dầu khí “chạy nhanh” quá đà

(ĐTCK) Chỉ trong một thời gian ngắn, cổ phiếu ngành dầu khí đã có mức tăng giá ấn tượng, với nhiều mã lên tới trên 100%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là nhà đầu tư có kỳ vọng quá cao vào sự phục hồi kết quả kinh doanh của ngành?
Dường như nhà đầu tư đang rất lạc quan về cuộc hồi sinh của các doanh nghiệp dầu khí Dường như nhà đầu tư đang rất lạc quan về cuộc hồi sinh của các doanh nghiệp dầu khí

PVD tăng giá sốc

Giá tham chiếu phiên mở cửa thị trường năm 2017 cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling) là 20.700 đồng/cổ phiếu. Đây là thời điểm số lượng giờ hoạt động cũng như giá cho thuê của các giàn khoan thuộc Tổng công ty thấp kỷ lục.

Đến tháng 7/2017, khi lượng công việc của các giàn khoan bắt đầu tăng dần thì cũng là lúc giá cổ phiếu PVD giảm về mức đáy: 13.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, từ giữa quý II/2017, Tổng công ty cho biết đã ghi nhận những tín hiệu khả quan, khi 5 trong tổng số 6 giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng công ty đều đã có việc làm và cam kết giảm chi phí tài chính, chi phí hoạt động.

Lý do của việc giảm sâu này có lẽ đến từ việc nhà đầu tư đã dự báo được kết quả kinh doanh lỗ lớn của PVDrilling trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, với việc thay đổi chính sach khấu hao máy móc, thiết bị từ chính sách cũ là khấu hao 5 - 20 năm tùy theo từng loại sang chính sách mới khấu hao theo giờ hoạt động, PVDrilling đã bớt được việc hạch toán lỗ trên báo cáo tài chính trong quá khứ. Nhưng, với giá cho thuê ở mức rất thấp, càng có việc làm, PVDrilling càng phải hạch toán lỗ nhiều.

Đến thời điểm hiện nay, giá dầu đã tăng đáng kể, tiến gần về ngưỡng 70 USD/thùng. Mức giá này cao hơn giá dầu của năm 2015, nhưng kết quả lợi nhuận thu về thì hoàn toàn khác biệt. Lý do là năm 2015, các giàn khoan của PVDrilling hoạt động đủ công suất theo các hợp đồng đã được ký của giai đoạn trước, với giá cao hơn. Còn hiện nay, dù số lượng giàn khoan có việc làm đã tăng, nhưng số giờ hoạt động thấp và đương nhiên có giá cho thuê thấp.

Tuy nhiên, thị trường dường như đang kỳ vọng rất nhiều vào tương lai, khi giá cổ phiếu PVD đã tăng trên 100% kể từ mức đáy, lên mức cao nhất trên 28.000 đồng/cổ phiếu.

So với giá trị sổ sách là hơn 34.000 đồng/cổ phiếu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, PVD có thể vẫn còn hấp dẫn nếu chặn được đà lỗ. Nhưng có 2 vấn đề đặt ra. Một là nếu tính khấu hao đầy đủ, giá trị sổ sách của PVD sẽ thấp hơn trên sổ sách.

Hai là PVDrilling liệu có rơi vào kịch bản giống các doanh nghiệp vận tải biển, khi giá trị sổ sách cao, nhưng giá thực tế của các tài sản lại thấp hơn rất nhiều, do tài sản được mua tại thời điểm cước vận tải biển ở vùng đỉnh với giá rất cao và sau đó rớt giá mạnh vì cước vận tải giảm và tàu bị hư hỏng theo thời gian?

PVS, GAS: Nhà đầu tư đang chạy theo hướng nào?

Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP có lẽ là trường hợp hiếm hoi của doanh nghiệp ngành dầu khí, khi có thời điểm GAS vượt mức 100.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua đỉnh giá của lịch sử. Trong khi đó, lợi nhuận dự kiến năm 2017 của Tổng công ty trước thuế là 9.750 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số lợi nhuận năm 2014 – thời kỳ đỉnh cao của giá dầu là gần 18.000 tỷ đồng.

Dường như nhà đầu tư đang rất lạc quan về một cuộc hồi sinh lợi nhuận ngoạn mục của GAS nhờ diễn biến tăng trở lại của giá dầu? Câu trả lời có lẽ là không hoàn toàn, khi các doanh nghiệp ngành dầu khí có những đặc thù riêng, mà câu chuyện lợi nhuận mức nào hoàn toàn có thể không diễn biến song song với giá dầu, gas trên thế giới, do các chính sách sách thuế, phí khác nhau.

Và vì thế, việc tăng giá tới gần 100% sau 1 năm của GAS có lẽ không chỉ phản ánh sự nhạy cảm của nhà đầu tư với giá dầu, mà một phần được kích thích bởi quy mô vốn hóa thị trường lớn mà GAS đang có. Khi thị trường đang có cuộc đua vốn hóa lớn, có lẽ GAS cũng được hưởng lợi.

Với cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), so với GAS và PVD, mức tăng giá của PVS trong năm 2017 có phần khiêm tốn hơn, khi có thời điểm chạm giá 29.000 đồng/cổ phiếu, so sánh với mức giá thấp nhất của PVS là 15.200 đồng/cổ phiếu tháng 11/2017.

Một điểm khác biệt nữa là PVS báo lãi khá lạc quan, với con số ước tính 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, vượt 43% kế hoạch năm. Tuy “vượt 43% kế hoạch năm” là yếu tố tạo nên một cú hích với PVS, nhưng nếu nhìn vào lịch sử 2.268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2013, 2.328 tỷ đồng năm 2014, 2.015 tỷ đồng năm 2015 và 1.256 tỷ đồng năm 2016, thì lợi nhuận của PVS vẫn còn phải tăng trưởng rất nhiều để trở về thời quá khứ. Nhưng giá PVS đang tiến về vùng đỉnh quá khứ (sau khi đã tính các yếu tố hưởng quyền).

Vậy diễn biến này xuất phát từ việc nhà đầu tư đang sẵn sàng định giá cổ phiếu cao hơn nhiều so với lịch sử, hay bởi sự hưng phấn quá đà với các doanh nghiệp ngành dầu khí?

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục