Cổ phiếu dầu khí bật tăng theo giá dầu

(ĐTCK) Xu hướng giá dầu và chứng khoán vẫn bấp bênh, nhưng tín hiệu tích cực gần đây cho thấy, nhiều cổ phiếu “họ” dầu khí có cơ hội bật trở lại.
Cổ phiếu dầu khí bật tăng theo giá dầu

Sau khi giảm 23,5% trong 2 tháng đầu năm 2020 rồi giảm thêm 52% trong tháng 3 khi số ca nhiễm bệnh toàn thế giới lên đến con số 1 triệu người, giá dầu Brent trên thế giới tăng phi mã 21% trong ngày ngày 2/4.

Ðây là mức tăng mạnh nhất lịch sử sau khi Tổng thống Mỹ dự đoán Nga và Ả rập Xê - Út sẽ cắt giảm sản lượng 10 - 15 triệu thùng/ngày.

Với tình trạng hiện nay, nhu cầu dầu thế giới dự báo giảm 20% - 30% trong những tháng tới, gây sức ép lên các nước sản xuất dầu, buộc họ phải nỗ lực để đạt được một thỏa thuận.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, giá dầu hồi phục là một trong những động lực cho quá trình hồi phục của nhiều TTCK, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ẩn số giá dầu luôn khó đoán trước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới đang suy giảm, giá dầu sẽ còn mất thời gian để trở lại như trước.

Ở mức giá hiện tại, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đang gia tăng tích trữ dầu - một động thái tương tự như đợt khủng hoảng trước đây.

Trên TTCK Việt Nam, trong phiên cuối tuần (3/4), nhóm cổ phiếu dầu khí, hay còn gọi “cổ phiếu họ P” đồng loạt tăng trần, từ PVD, PXT đến PVS, PVC, PVB…

Trong số đó, mã PVS dẫn đầu thanh khoản khi riêng phiên sáng đã khớp gần 4,9 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,87 triệu đơn vị.

Ðánh giá về giá dầu, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, giá dầu có thể tạo đáy trong quý II/2020 khi nguồn cung tăng mạnh từ tháng 4 và dịch Covid-19 đạt đỉnh, sau đó, dầu sẽ tăng trở lại trong quý III/2020.

VNDIRECT đã hạ kịch bản giá dầu bình quân từ 62 USD/thùng xuống 45 USD/thùng cho năm 2020 và từ 65 USD/thùng xuống 55 USD/thùng cho năm 2021.

1 tuần gần đây, TTCK Việt Nam đã chậm lại đà giảm và hai lần đảo chiều thành công sau khi chạm ngưỡng 650 điểm.

Trong việc chọn lựa đầu tư, VNDIRECT cho rằng, khó có thể đưa ra một gợi ý tuyệt đối bởi cổ phiếu nào cũng có những mặt mạnh, mặt yếu, nhưng một số cổ phiếu giảm quá sâu trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không biến động mạnh có thể là một gợi ý cho dòng tiền đầu tư.

Có thể kể đến cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP. Ðây là doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá khí đầu vào giảm, vị thế tiền mặt ròng lớn, hiện cổ phiếu DPM đang giao dịch ở mức hơn 11.000 đồng/cổ phiếu, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

GAS hay PVS cũng có lượng lớn tiền mặt ròng/cổ phiếu tại cuối năm 2019,  điều này có thể giúp doanh nghiệp tăng sức trụ vững qua giai đoạn giá dầu và giá dịch vụ sụt giảm. Mã GAS, PVS đã giảm giá khá mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Về kết quả quý I/2020, sau nhiều năm thua lỗ, quý I/2020 tình hình kinh doanh của PVD hé lộ tín hiệu tích cực với doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 45% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng, tăng 80% so với kế hoạch (quý I/2019, PVD báo lỗ 93 tỷ đồng).

Tại PVS, Công ty cho biết, năm 2020, Công ty có thể duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận tương đương năm 2019. 

Ở một góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, việc giá dầu giảm hơn 70% trong 3 tháng đầu năm và tới hơn 50% trong tháng 3 cho thấy, niềm tin kinh tế giảm xuống đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu năng lượng.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa giá dầu và TTCK không còn quá mạnh như xưa, trừ những cổ phiếu nằm trong phân khúc hẹp là dầu mỏ và năng lượng.

Chẳng hạn, đỉnh lịch sử của giá dầu xảy ra cách đây 13 năm (2007), sau đó giá dầu đi xuống, nhưng năm 2018 lại là năm khởi sắc của chứng khoán. Xu hướng của TTCK là tích cực trong ngắn hạn, nhưng vẫn tiêu cực trong trung dài hạn.

Việc TTCK giảm điểm quá sâu đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư lướt sóng, đồng thời gia tăng lực bắt đáy. “Các tin tức vĩ mô như các gói kích thích trong và ngoài nước, nỗ lực của các quốc gia hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn đã tạo động lực cho TTCK hồi phục.

Tuy vậy, về trung và dài hạn, khủng hoảng bệnh dịch tác động cả 2 phía cung cầu chứ không chỉ một bên nên thời gian phục hồi sẽ lâu hơn”, ông Khánh nêu quan điểm.

“Thị trường sẽ còn nhiều đợt rung lắc, nhưng tôi cho rằng, khi các quốc gia cùng chung tay hỗ trợ nền kinh tế và TTCK bằng nhiều giải pháp, điểm đáy của thị trường đã dần xuất hiện. Ðây có thể  là thời điểm hợp lý cho đầu tư”, anh Trần Văn Dương, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.     

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục