Cổ phiếu công nghệ "ứng trước tương lai"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu công nghệ - viễn thông thuộc nhóm dẫn đầu đà tăng trên toàn thị trường. Trong đó, mã FPT và CMG liên tục thiết lập đỉnh mới, mã ELC, CTR tăng 30 - 40%...
Nhiều doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển mạnh trong dài hạn Nhiều doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển mạnh trong dài hạn

Triển vọng chung của ngành công nghệ cùng câu chuyện riêng tại các doanh nghiệp đã mang lại kỳ vọng cho nhiều nhà đầu tư và phản ánh vào giá cổ phiếu.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT) và Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Corp, mã chứng khoán CMG) được đánh giá là hưởng lợi lớn từ sự hợp tác với Tập đoàn Nvidia của Mỹ. Hai bên đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu dài nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), biến Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực.

Theo đó, FPT hợp tác với Nvidia để xây dựng nhà máy AI trị giá 200 triệu USD, cung cấp nền tảng điện toán đám mây (Cloud) phục vụ nghiên cứu phát triển AI, phát triển ngành công nghệ bán dẫn và có thể bao gồm việc sản xuất chip đồ họa GPU. Còn CMC Corp có kế hoạch đầu tư mở rộng Trung tâm dữ liệu Data Center Tân Thuận tại Khu công nghệ cao TP.HCM, đảm bảo sẵn sàng hạ tầng AI Cloud cũng như hạ tầng Cloud riêng cho từng khách hàng, thông qua đó giúp cộng đồng AI có hạ tầng và môi trường phát triển ứng dụng. Đồng thời, CMC Corp đầu tư 1.000 GPU Nvidia GH 200 trị giá 250 triệu USD trong giai đoạn 2024 - 2025, tập trung vào hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trước đà tăng nhanh của nhóm cổ phiếu công nghệ, khiến định giá P/E ở mức cao như FPT hơn 25 lần, CMG hơn 34 lần, CTR và ELC xấp xỉ 30 lần, trong khi trung bình thị trường khoảng 14 lần, có những ý kiến tỏ ra e ngại về khả năng “ứng trước tương lai” quá đà.

Chẳng hạn, Agriseco nhận định, việc hợp tác với Nvidia phát triển AI và chiến lược M&A các thị trường nước ngoài sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững của FPT. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này hiện tăng hơn 40% so với đầu năm 2024, định giá P/E ước tính năm 2024 ở mức hơn 25 lần, cao hơn bình quân 5 năm qua. Do đó, trong ngắn hạn, Agriseco khuyến nghị “theo dõi” cổ phiếu FPT, chờ giá điều chỉnh về vùng hấp dẫn hơn.

Mặc dù vậy, Agriseco và một số công ty chứng khoán khác như ACBS, Yuanta Việt Nam vẫn đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu FPT trong trung và dài hạn, với giá mục tiêu cao hơn hiện tại.

Với cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel, thị giá đang tiệm cận mục tiêu của Mirae Asset Việt Nam, nhưng công ty chứng khoán này duy trì đánh giá tích cực về sự phát triển của doanh nghiệp tất cả các mảng kinh doanh: xây dựng, vận hành khai thác hệ thống trạm thu phát sóng di động (BTS), giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI có quan điểm “trung lập” với cổ phiếu CTR, vì giá đã đạt mục tiêu.

Theo SSI, Công trình Viettel có thể cần nguồn vốn lớn để đầu tư các trạm BTS khi công ty mẹ là Tập đoàn Viễn thông đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 5G vào tháng 3/2024, nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định sẽ chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt ở mức 27,2%, thay vì 10% như giai đoạn 2016 - 2021 (năm 2022 là 29,19%).

Liên quan đến định giá, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chưa có công cụ thích hợp để định giá cổ phiếu công nghệ. Cùng với đó, trong xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán, định giá P/E của nhiều cổ phiếu khác cũng đang ở mức cao. Do vậy, thị giá của nhóm cổ phiếu công nghệ chưa thể gọi là đắt ở thời điểm này. Thay vì nhìn vào định giá P/E hiện tại, nhà đầu tư nên nhìn vào câu chuyện tương lai, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất thì đây sẽ là một trong những động lực quan trọng kéo dài đà tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục