Cổ phiếu công nghệ sinh học khiến phố Wall chia rẽ

(ĐTCK) Trong khi Dow Jones hồi phục mạnh, thì S&P 500, đặc biệt là Nasdaq lại giảm điểm do nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học tiếp tục bị bán tháo. Trong khi đó, giá vàng cũng đảo chiều sau khi đạt đỉnh 4 tuần do vai trò trú ẩn an toàn giảm xuống sau những biến động chính trị tại Mỹ.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên cuối tuần tích cực sau phát biểu của Chủ tịch Fed, Janet Yellen vào buổi chiều tối thứ Năm rằng, bà và các quan chức hoạch định chính sách của Fed không mong đợi những bất ổn gần đây của kinh tế và thị trường tài chính làm thay đổi chính sách của Fed. Điều này làm xóa đi những lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Bà Yellen cho biết, hy vọng lãi suất sẽ được nâng lên trong năm nay.

Ngoài ra, chỉ số Dow Jones còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cổ phiếu Nike khi hãng sản xuất đồ thể thao này công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục nhờ vào sự tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc.

Phố Wall cũng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu hồi phục tốt trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại đảo chiều trong phiên chiều và không thể duy trì được sắc xanh do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học. Nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học cũng khiến Nasdaq giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trong tuần, nhóm cổ phiếu này đã giảm tới 13% sau phát biểu hồi đầu tuần của bà Hillary Cliton, ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ rằng, bà sẽ đưa ra kế hoạch nhằm ngăn chặn mức “giá cắt cổ” với các loại thuốc chuyên khoa.

Phiên tăng điểm cuối tuần giúp Dow Jones hãm bớt đà giảm trong tuần, trong khi chỉ số Nasdaq giảm tới gần 3%.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số Dow Jones tăng 113,35 điểm (+0,70%), lên 16.314,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,9 điểm (-0,05%), xuống 1.931,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 47,98 điểm (-1,01%), xuống 4.686,50 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,43%, chỉ số S&P 500 giảm 1,36% và chỉ số Nasdaq giam mạnh nhất 2,92%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực đều có phiên giao dịch ấn tượng cuối tuần sau phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất năm trước đó. Chứng khoán châu Âu hồi phục nhờ những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế thế giới bớt đi, cũng như làn sóng bán tháo cổ phiếu ô tô sau vụ bê bối khí thải của Volkswagen không còn. Trong phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu ô tô tăng 2,49%, nhưng vẫn không thể thoát khỏi tuần tồi tệ nhất trong vòng 4 năm. Vụ bê bối của hãng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu này đã khiến cho các cổ phiếu của ngành bốc hơn 30 tỷ euro vốn hóa thị trường trong tuần qua.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh 147,52 (+2,47%), lên 6.109,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 260,89 điểm (+2,77%), lên 9.688,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 133,42 điểm (+3,07%), lên 4.480,66 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng nhẹ 0,08%, trong khi chỉ số DAX giảm 2,30% và chỉ số CAC 40 giảm 1,22%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên giảm mạnh trước đó do chỉ số giá tiêu dùng trong nước giảm lần đầu tiên sau 2 năm và lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lại quay đầu giảm điểm.

Kết thúc phiên 25/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 308,68 điểm (+1,76%), lên 17.880,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 90,34 điểm (+0,43%), lên 21.186,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 50,34 điểm (-1,60%), xuống 3.092,35 điểm.

Trong tuần, với 2 phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,05%, chỉ số Hang Seng giảm 3,35%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm nhẹ hơn với 0,18%.

Trên thị trường vàng, sau khi tăng mạnh trong 2 phiên trước, lên mức cao nhất 4 tuần, giá vàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần khi đồng USD hồi phục trở lại. Ngoài ra, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner bất ngờ từ chức cũng khiến cho nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng giảm đi khi nguy cơ về việc Chính phủ tạm ngừng hoạt động vào đầu tháng 10 tới đây giảm xuống. Boehner là người đứng đầu phe Cộng hòa tại Hạ viện, những người đã từng chống lại kế hoạch chi tiêu và ngân sách mà Chính phủ của Tổng thống Obama đệ trình lên và khiến Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động 2 năm trước và thỏa thuận ngân sách cho 2 năm hoạt động sẽ hết hạn vào cuối tháng 9 này.

Kết thúc phiên 25/9, giá vàng giao ngay giảm 7,8 USD (-0,67%), xuống 1.146,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,3 USD (-0,72%), xuống 1.145,5 USD/ounce.

Trong tuần, giá giao ngay tăng 0,56% và giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,68%.

Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong số 301 người tham gia khảo sát trực tuyến, có 154 người, chiếm 51% có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần mới; 112 người, chiếm 37% cho rằng, giá vàng sẽ giảm trở lại và 35 người, chiếm 12% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Còn trong cuộc khảo sát các nhà phân tích, trong số 35 người được hỏi, có 19 người trả lời. Trong đó, có 10 người, chiếm 53% cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới; 7 người, chiếm 37% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 2 người, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu tiếp tục có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp trong phiên cuối tuần nhờ sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán, cũng như thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục giảm, dù mức giảm nhỏ nhất trong 4 tuần.

Kết thúc phiên 25/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,79 USD/thùng (+1,73%), lên 45,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,88%), lên 48,60 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,28%, trong khi dầu thô Brent cũng tăng 2,38%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục