Cổ phiếu chứng khoán, thận trọng với dấu hiệu tạo sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin “hành lang” về kết quả kinh doanh quý II/2024 của một số công ty chứng khoán với mức tăng trưởng ấn tượng khiến không ít cổ phiếu gần đây xuất hiện lực mua chủ động như tại SSI, VCI, VND, HCM…
Nhóm chứng khoán khó có sóng lớn, một trong những lý do là định giá không còn rẻ Nhóm chứng khoán khó có sóng lớn, một trong những lý do là định giá không còn rẻ

“Người trong nhà” thận trọng

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có dấu hiệu tạo sóng khi trên mạng xã hội có các room thảo luận đầu tư truyền tin “rumor” (tin đồn) về lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của một số công ty chứng khoán tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái như SSI đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 47%; VCI đạt 300 tỷ đồng, tăng 150%; VND đạt 533 tỷ đồng, tăng 84%; HCM đạt 400 tỷ đồng, tăng 104%.

Tuy nhiên, các khuyến nghị hiện tại được đưa ra từ chính khối công ty chứng khoán là chỉ ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu có câu chuyện riêng hỗ trợ hoặc kết quả kinh doanh tích cực được xác thực và giá có diễn biến tích lũy, tạo nền nền chắc, thanh khoản tăng dần. Ngược lại, nhà đầu tư có thể canh nhịp này để ra bớt “hàng”, vì nhóm cổ phiếu chứng khoán chưa cho tín hiệu tăng mạnh, muốn tạo được sóng ngành cần có thêm thời gian.

Bà Thu Dung, trưởng phòng kinh doanh một công ty chứng khoán thuộc Top 10 đánh giá, thị trường chứng khoán nói chung không có tín hiệu quá xấu, vẫn đang điều chỉnh trong sóng tăng. Với riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán, sóng tăng mạnh không dễ xảy ra, nhất là khi thanh khoản trong nửa cuối năm 2024 của thị trường dự kiến không bằng cùng kỳ năm ngoái, kéo theo kết quả kinh doanh ít có khả năng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, bà Dung cho rằng, thời gian qua, lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán có xu hướng giảm, nhưng có thể sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, trong bối cảnh lãi suất huy động của ngành ngân hàng đang dần nhích lên, khiến công ty chứng khoán chịu chi phí lãi vay cao hơn. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh về sản phẩm cho vay giữa các công ty chứng khoán đang gay gắt, nên biên lợi nhuận mảng này ở một số công ty sẽ co lại.

“Nhóm chứng khoán vẫn có khả năng tạo sóng, nhưng dòng tiền sẽ không tập trung quá lớn và mức tăng không mạnh như các nhịp tăng trong nửa đầu năm 2024”, bà Dung nói.

Đồng quan điểm, ông Duy Phương, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, nhóm chứng khoán khó có sóng lớn, một trong những lý do là định giá không còn rẻ.

Dữ liệu ngày 11/7/2024 cho thấy, cổ phiếu SSI có định giá P/E là 20,2 lần, P/B là 2,16 lần; cổ phiếu HCM có P/E 19,26 lần, P/B 1,89 lần; cổ phiếu VCI có P/E 33,58 lần, P/B 2,53 lần; cổ phiếu VND có P/E 8,5 lần, P/B 1,27 lần; cổ phiếu VDS có P/E 13,67 lần, P/B 2,14 lần; cổ phiếu FTS có P/E 24,33 lần, P/B 3,44 lần; cổ phiếu ORS có P/E 12,98 lần, P/B 1,23 lần; cổ phiếu BSI có P/E 24,19 lần, P/B 2,25 lần…

Mức P/B dưới 1,5 lần được coi là rẻ, còn trên 2,5 là rất cao. Theo đó, công ty chứng khoán phải có kết quả kinh doanh vượt trội so với dự báo thì mới có thể nhận được sự quan tâm của dòng tiền và kéo giá cổ phiếu đi lên một cách vững chắc.

Ngoài ra, có những ý kiến cho rằng, các yếu tố kỳ vọng như hệ thống KRX hiện chưa dự đoán được mốc thời gian đi vào vận hành, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn còn không ít điểm nghẽn chưa được khơi thông. Đáng lưu ý, một số công ty chứng khoán vừa hạ dự báo về điểm số của VN-Index trong 6 tháng cuối năm 2024, đồng nghĩa với việc thị trường khó tăng mạnh và thanh khoản không cao, khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sức hấp dẫn.

Liên quan đến dòng tiền, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng tăng trong tháng 6 vừa qua, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng gần 5% so với đầu năm 2024. Kể từ cuối tháng 4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phát hành tín phiếu và bán USD nhằm ổn định tỷ giá. Sau các động thái này, lãi suất trên thị trường mở (OMO) và lãi suất liên ngân hàng tăng cao, tương đương với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, từ đó lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thương mại tư nhân được đẩy lên, nhất là kỳ hạn ngắn.

Theo ông Duy Phương, tỷ giá USD/VND neo cao, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 6 tỷ USD để giảm bớt căng thẳng tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng tăng lên gần 5%/năm…, các dữ liệu này cho thấy, chu kỳ thanh khoản trên thị trường đang bị co lại, dòng tiền với lãi suất rẻ không còn dồi dào như trước.

Ông Phương nhận xét, trong ngắn hạn, lãi suất tăng, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu và động thái bán ròng của khối ngoại kéo dài khiến khối nội “chùng tay”, dẫn tới thanh khoản thấp là điều dễ hiểu, nhưng chưa đến mức “nguy hiểm”, mà chỉ phát đi tín hiệu là VN-Index sẽ khó tăng mạnh, có thể xuất hiện nhiều nhịp rung lắc. Trong đó, nhóm chứng khoán cũng khó tạo sóng, vì nhiều cổ phiếu có định giá không còn rẻ và câu chuyện kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong thời gian tới đang thiếu cơ sở.

Thị trường đang “sàng lọc” nhà đầu tư

Nhiều chuyên gia cho rằng, sóng cổ phiếu chứng khoán có thể xuất hiện nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan, nhưng sẽ không mạnh và có sự phân hóa rõ nét.

Một nhóm nhà đầu tư lâu năm trên thị trường nhận xét, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Mỹ tập trung vào nhóm cổ phiếu nào thường có ảnh hưởng đến định hướng dòng tiền vào nhóm cổ phiếu đó trên thị trường Việt Nam. Nhóm cổ phiếu công nghệ là ví dụ điển hình. Hiện tại, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu yếu đi và sau một số đợt điều chỉnh, các nhà đầu tư mới (F0) có ý thức hơn về việc lựa cổ phiếu, quan tâm hơn đến yếu tố phân tích cơ bản, thay vì tập trung tìm cơ hội ở các cổ phiếu đầu cơ, thiếu nền tảng kinh doanh. Theo đó, xu hướng năm nay tương đối thấy rõ là dòng tiền trên thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân đi theo trường phái cơ bản dẫn dắt.

“Có thể nói rằng, sau cú chỉnh mạnh của thị trường năm 2022, không ít nhà đầu tư F0 chính thức ‘tốt nghiệp’ và dần nâng cấp bản thân theo hướng bài bản hơn. Song song đó, hoạt động của các nhóm ‘lái’ cổ phiếu khá yên ắng khi hoạt động thanh tra, giám sát, xử phạt của cơ quan quản lý cho thấy sự sát sao, mạnh tay hơn. Thị trường đang sàng lọc, đào thải nhà đầu tư để ‘tiến hóa’ theo hướng chuyên nghiệp hơn”, một nhà đầu tư trong nhóm nói.

Về câu chuyện lựa chọn cổ phiếu, nhóm chứng khoán có thể “chạy” (tăng giá) nhưng sẽ có sự phân hóa, do cấu trúc công ty chứng khoán có nhiều thay đổi khiến hoạt động kinh doanh có sự khác biệt rõ rệt. Những công ty đã tăng vốn hoặc có kế hoạch tăng vốn mạnh khiến tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng lớn sẽ khó tăng giá hơn. Cổ phiếu các công ty tầm trung dễ bật lên hơn nếu kết quả kinh doanh ấn tượng, một số mã đáng quan tâm là VDS, ORS, BVS, CTS, AGR, MBS, TVS. Đây là cách mà dòng tiền trên thị trường đang lựa chọn cổ phiếu chứng khoán. Nhà đầu tư cũng có thể quan sát và chọn cổ phiếu của công ty chứng khoán có thể thực hiện pre-funding (khối ngoại không cần ký quỹ trước khi mua cổ phiếu, chỉ cần trả tiền vào sáng ngày T+2). Pre-funding là một trong những giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, nên nhà đầu tư cần bám sát tiến độ được phép áp dụng nói riêng, tiến độ nâng hạng thị trường nói chung.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục