Cổ phiếu chứng khoán, có nên kỳ vọng quá cao?

(ĐTCK-online) Giám đốc một CTCK khi được hỏi về danh mục tự doanh của công ty có lựa chọn cổ phiếu của các CTCK niêm yết hay không đã thẳng thắn: không lựa chọn những cổ phiếu này.
Hầu hết các CTCK tập trung hoạt động tự doanh ở thị trường niêm yết Hầu hết các CTCK tập trung hoạt động tự doanh ở thị trường niêm yết

“Nếu chỉ lướt sóng thôi thì được, nhưng cũng là mạo hiểm. Bây giờ thì chúng ta có thể tự tin vào nền tảng cơ bản của thị trường, nhưng mấy tháng trước, thực sự chúng tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra nên không lựa chọn cổ phiếu chứng khoán”, ông này nói.

Tuy nhiên, lý do đích thực ông này cho biết, cùng là dân trong nghề nên ông hiểu CTCK muốn tự doanh có lãi cao là rất khó, không dễ đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ khoảng 40%/năm như nhiều công ty sản xuất.

Cho đến thời điểm này, chỉ có CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM) có kế hoạch lợi nhuận cả năm hứa hẹn đạt thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 4.000 đồng. CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lãi 6 tháng đầu năm hơn 200 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, để đạt được EPS 3.000 đồng cả năm, lãi ròng mà SSI phải đạt tối thiểu 450 tỷ đồng - một thách thức không nhỏ.

Tất nhiên, từ trước đến nay, khi đầu tư vào cổ phiếu chứng khoán, nhà đầu tư không căn cứ vào chỉ số P/E như các cổ phiếu ngành sản xuất - kinh doanh thông thường, mà nhìn vào giá trị tài sản của CTCK là danh mục đầu tư cổ phần của các công ty này.

SSI có lợi thế là công ty ra đời sớm, có những khoản đầu tư ở giá thấp nên cổ phiếu luôn được định giá ở mức P/E cao so với thị trường. Nhưng so với mặt bằng giá chứng khoán hiện nay thì giá vốn các khoản đầu tư trước kia cũng không còn khoảng cách xa vời như trước. Giá trị các khoản “lương khô” này cũng thay đổi tùy thuộc tình hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp ở mỗi thời điểm. Mặt khác, các khoản “lương khô” này không dễ bán để hạch toán lợi nhuận đột biến trong một năm, mà sẽ phân bổ tùy theo tình hình cụ thể. Đối với hầu hết các CTCK thì lợi nhuận có được phụ thuộc phần lớn vào kết quả hoạt động tự doanh hàng tháng, hàng quý.

Cho đến thời điểm này, nhiều tổ chức đầu tư đã tham gia TTCK, vì thế việc tìm kiếm được những cổ phiếu có giá rẻ để đầu tư thu lời cao sau một thời gian ngắn như trước hầu như không còn.

Thị trường OTC lại kém thanh khoản nên hầu hết các CTCK lớn nhỏ đều đang tập trung hoạt động tự doanh ở thị trường niêm yết. Trên thị trường niêm yết, ở thời điểm này, mức lãi vài phần trăm của một cổ phiếu nào đó cũng đủ để CTCK bán ra chốt lời ngắn hạn. Với các khoản đầu tư trung hạn, nếu giá cổ phiếu tăng nóng, CTCK sẵn sàng bán ra một phần cổ phiếu đã mua vì mục đích đầu tư dài hạn để giảm giá vốn cho số lượng cổ phiếu còn đang nắm giữ.

Không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu chứng khoán được coi là cổ phiếu dành cho nhà đầu tư ưa lướt sóng. Một số CTCK nhỏ ăn theo các cổ phiếu chứng khoán lớn có giá tăng gấp hai ba lần trong những kỳ tăng nóng của thị trường. Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu chứng khoán này chỉ với quan điểm rằng, thị trường tăng thì cổ phiếu chứng khoán tăng trước tiên, mà quên đi các yếu tố cơ bản của cổ phiếu đó. Suy cho cùng, môi giới chứng khoán và kinh doanh chứng khoán cũng là một ngành kinh doanh như nhiều ngành kinh doanh khác. Trong quá khứ, do đặc thù của thị trường mới phát triển như Việt Nam , kinh doanh chứng khoán đã từng đem lại siêu lợi nhuận. Nhưng đến một thời điểm nào đó, có lẽ là từ thời điểm này, sau khủng hoảng kinh tế, kỳ vọng từ cổ phiếu chứng khoán nên ở mức hợp lý, tương ứng với kết quả kinh doanh và tiềm năng của mỗi công ty.

Với nhiều CTCK nhỏ đang có cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC thì giá chứng khoán đang ở mức trên mệnh giá. Lý do là các công ty này hoạt động có lãi, đảm bảo chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông và có một chút lợi nhuận tích lũy đã có thể xem là thành công.

Trong tháng 6 và tháng 7, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng. Thực tế cho thấy, dù ngành ngân hàng có nhiều tiềm năng, nhưng khó thể có sự bứt phá mạnh. Đối với cổ phiếu chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng sức bật của cổ phiếu này khi thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Nhưng TTCK lúc này không còn dễ đạt được lợi nhuận cao như trước, nên các CTCK vừa thận trọng, vừa xoay sở, kể cả đầu tư và lướt sóng, mới có được lợi nhuận, không rơi vào cảnh “bóc ngắn cắn dài”.

Xuân Phương
Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục