Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)
Như trong báo cáo ngày 13/6, chúng tôi đã nhấn mạnh việc giá cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa tăng nhanh do 2 nguyên nhân chính: (1) việc giá cao su vân giữ ở mức cao 45 triệu đồng/ tấn giúp các doanh nghiệp cao su có lãi, (2) cho VSIP thuê khoảng 800 ha đất với giá khoảng 1,5 tỷ/ha.
Sau thời gian thích lũy tại vùng giá 35.000 đồng/CP thì giá PHR bất ngờ bật tăng mạnh nhờ thông tin mới đây là PHR dự kiến sẽ thoái 32,85% vốn của NTC. Nếu giá bán hơn 5,2 triệu cổ phiếu NTC là 60.000 thì PHR có thể thu về hơn 300 tỷ đồng. Đối tác dự kiến mua là Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG).
Giá cổ phiếu PHR đã tăng gần 70% từ giữa tháng tư, đạt 40.000 đồng/cổ phiếu do đó cổ phiếu PHR có thể điều chỉnh giống như giai đoạn cuối quý I năm nay. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ đợi khi cổ phiếu điều chỉnh mạnh rồi mua vào. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm theo dõi đối với cổ phiếu này.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DIG
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Đồ thị DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã xuất hiện tín hiệu cho thấy khả năng hình thành nhịp tăng, khi đường giá cắt ra biên trên của Bollinger Bands, đồng thời hai biên đang mở rộng ra. Tín hiệu tương tự cũng xuất hiện trên đồ thị theo khung thời gian tuần.
Đồng thời, DIG đã phá vỡ mẫu hình tam giác tích lũy được hình thành trong 1 tháng qua và vùng đỉnh hình thành trong tháng 7 tại ngưỡng 16. Tuy nhiên, DIG có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kĩ thuật ngắn hạn để kiểm tra lại vùng 15.5-16. Do đó, nhịp tăng của DIG có thể tạm thời chững lại sau phiên tăng mạnh.
Khối lượng giao dịch sau một thời gian dài tích lũy ở mức thấp đã tăng trở lại đột biến hơn 200% so với phiên trước và gấp hơn 3 lần mức bình quân 20 phiên. Tín hiệu này củng cố cho điểm mua mới xuất hiện hôm qua.
Khả năng duy trì xu hướng tăng (được xác lập bởi các tín hiệu kỹ thuật như đề cập ở trên) sẽ phụ thuộc vào mức độ tích cực của khối lượng giao dịch trong các phiên giao dịch sắp tới.
Trong ngắn hạn, do đã phá vỡ mẫu hình tam giác tích lũy nên DIG đã xuất hiện điểm mua mới. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt và nhà đầu tư có thể mua vào khi giá điều chỉnh kĩ thuật vê vùng 15.5-16 và mục tiêu của nhịp tăng này là vùng 19-20. Ngưỡng cắt lỗ đặt dưới 15.
Cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với VDP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Với mức giá niêm yết là 28.300 đồng, cổ phiếu VDP của CTCP Dược Phẩm Trung Ương sẽ giao dịch với P/E trailing là 6,3x, P/E forward là 7,61x (theo lợi nhuận ước tính năm 2017).
Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường, PE forward 10.6x, vẫn thấp hơn so với P/E của các công ty dược phẩm đã niêm yết. Chúng tôi cho rằng mức giá này rất hấp dẫn cho một cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành dược quy mô nhỏ, có thương hiệu lâu đời và thị phần ổn định qua các năm.
Tiềm năng để phát triển trong ngành dược còn lớn nhưng để có thể nắm bắt, công ty cần có một sự thay đổi quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ hơn thông qua việc cải thiện năng lực sản xuất, phát huy độ nhận diện thương hiệu không chỉ ở phân khúc giá trung bình mà còn trên các phân khúc cao hơn, nhằm tận dụng được xu hướng tiêu dùng ngày càng nâng cao của người dân.
QBS vẫn chưa đưpực cấp phép hoạt động ICD
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi cho rằng kết quả 2017 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS) sẽ cải thiện mạnh nhờ kì vọng được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào DDV trị giá khoảng 94 tỷ. Tuy nhiên đây chỉ là điểm lợi bất thường, khó lặp lại trong dài hạn.
Động lực tăng trưởng của QBS sẽ đến từ hoạt động ICD Quảng Bình. Hiện tại chúng tôi chưa có nhiều cơ sở để đánh giá tiềm năng của ICD. Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên tiến độ của dự án để nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn.
Trong nửa đầu năm 2017, QBS ghi nhận doanh thu 1.822 tỷ (giảm 32% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận gộp đạt 103 tỷ (giảm 6%), lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 44 tỷ ( so với mức khoảng 6 tỷ trong nửa đầu năm 2016). Nguyên nhân chính đến từ việc giảm mạnh chi phí tài chính, 19 tỷ trong nửa đầu năm 2017 so với mức 75 tỷ trong cùng kỳ năm 2016. Trong nửa đầu năm 2017, QBS cũng ghi nhận khoảng 17 tỷ từ việc chuyển nhượng 1 kho bãi tại Cao Bằng.
Theo chúng tôi cập nhật từ QBS, hiện tại QBS vẫn chưa được cấp phép hoạt động ICD (dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu), vì vậy trong nửa đầu năm 2017 QBS vẫn chưa ghi nhận doanh thu từ hoạt động này mà chỉ có doanh thu từ kho ngoại quan (đặt tại ICD Quảng Bình). Ngoài ra, về mặt bằng bãi và kho lạnh đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng sử dụng tuy nhiên hệ thống máy móc bốc dỡ vẫn chưa được đầu tư tương xứng với quy mô bãi (chỉ có 2 reach stacker tại bãi).