Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu EIB

CTCK MB (MBS)

Trong 5 tháng 2024, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (HSX: EIB) ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng là 5,3% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cả ngành là 2.4%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và từ đầu năm EIB đã mạnh tay cắt giảm lãi suất để thúc đẩy mảng cho vay cá nhân.

Chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng EIB sẽ đạt 9,9%/9,8% trong 2024/2025 nhờ vào cho vay bán buôn, bán lẻ (chiếm 36% cơ cấu cho vay EIB 2023) tiếp tục tăng trưởng trong 2024/2025; tín dụng bất động sản hồi phục khi thị trường bất động sản ấm dần lên từ quý IV/2023; và mảng cho vay SME kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn.

EIB chứng kiến nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2024 khi giá trị các khoản nợ này tăng 12,7% so với quý trước và 37,9% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp mảng thương mại. Theo đó, ngân hàng đã rơi xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR của EIB trong quý I/2024 giảm xuống mức 37,3%, thấp nhất trong số các NHTM.

Chúng tôi đánh giá EIB sẽ phải cải thiện chỉ số này trong các quý tới bằng cách tăng trích lập dự phòng cao hơn và nâng tỷ lệ này lên 40,7% trong 2024. Điểm tích cực đến từ nợ nhóm 2 của EIB đã giảm xuống còn 1,2% (giảm 21 đcb so với 2023) qua đó có thể giảm áp lực tăng nợ xấu trong các quý tới. Chúng tôi dự phóng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của EIB tăng mạnh 540 đcb lên 46,1% trong 2025 nhờ tăng cường trích lập dự phòng và tỷ lệ nợ xấu giảm 15 đcb so với cùng kỳ xuống 2,6% trong 2025.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng tăng trưởng lần lượt 11,3%/15,4% cho năm 2024 và 2025 dựa trên các cơ sở: 1) tăng trưởng tín dụng 9,9%/9,8% trong năm 2024/2025. Xét trên phương diện cả quy mô lẫn hiệu quả hoạt động và với mức P/B hiện tại, chúng tôi cho rằng định giá của EIB đang ở mức hợp lý. Tại thời điểm hiện tại, mức P/B của EIB là 1.4x, đứng thứ 9 trong số 24 ngân hàng niêm yết. Điều này dường như chưa phản ánh đúng vị trí sinh lợi của ngân hàng này (xếp hạng thứ 18 trong số 24 ngân hàng nói trên). Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung Lập với cổ phiếu EIB.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu quý I/2024 của CTCP Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) đạt 1.842 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng (giảm 35%), với đóng góp chính của mảng năng lượng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận của mảng năng lượng ghi nhận kết quả kém tích cực, đạt 928 tỷ đồng và 258 tỷ đồng (giảm 40,12% và giảm 49,9%) do thủy điện ghi nhận sản lượng sụt giảm mạnh. Lãi từ liên danh liên kết cũng ghi nhận giảm 42% do danh mục thủy điện và nước giảm.

Sản lượng điện của REE sụt giảm mạnh trong bối cảnh danh mục thủy điện với tỷ trọng cao trong công suất phát điện của REE là đối tượng của Chính phủ trong việc tích trữ nước nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện trong mùa cao điểm. Dù vậy, kết quả kinh doanh tích cực của điện gió và điện mặt trời trong quý I/2024 đã phần nào bù đắp được tác động từ sụt giảm sản lượng thủy điện.

Về mảng bất động sản, REE tự tin sẽ hoàn thành việc bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối tháng 3 với việc bán 100% căn hộ thấp tầng trong giai đoạn 1 và dự kiến ghi nhận khoảng 312 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024. Ngoài ra việc đưa dự án ETown 6 vào nửa sau 2024 sẽ giúp REE nhanh chóng đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 20% trong bối cảnh giao dịch văn phòng tại các thành phố lớn gia tăng.

Dựa trên định giá SOTP, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE. Giá mục tiêu là 79.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23.1% so với giá tại ngày 22/06/2024.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục