Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7

TCM: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM của CTCP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 39.600 đồng/cổ phiếu (+19% so với thị giá ngày 24.06.2015) theo phương pháp FCFE và P/E.

TCM là doanh nghiệp niêm yết duy nhất có khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP. Theo đó, chu trình sản xuất của TCM khép kín theo chuỗi: nhập khẩu bông – xe sợi – dệt, đan – nhuộm – cắt, may. TCM có thể được áp dụng thuế suất ưu đãi ngay khi TPP có hiệu lực.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu tại ba thị trường chính Nhật Bản (35%), Mỹ (30%), Hàn Quốc (20%). Tỉ trọng thị trường dàn trải khá đều và đa dạng giúp TCM tận dụng ưu đãi từ TPP và VKFTA. Tuy nhiên, TPP sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu xuất khẩu của TCM nhiều hơn do hai thị trường lớn của TCM (Nhật Bản, Mỹ) đều nằm trong TPP. Kì vọng tăng trưởng doanh thu 15-20% sau khi TPP được thông qua là khả quan.

Cổ đông lớn E-land Asia Holdings Pte, Ltd là tập đoàn thời trang, bán lẻ Hàn Quốc có tiềm lực tài chính mạnh. Với tỉ lệ sở hữu 43.3%, E-land giúp TCM nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, công nghệ sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tỉ trọng xuất khẩu tăng từ 55.6% năm 2009 lên 89% trong năm 2014. Từ năm 2012, TCM tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn E-land, nhận các đơn hàng do E-land Trung Quốc và Hàn Quốc chuyển sang, đảm bảo nguồn doanh thu ổn định.

Dự án xây dựng nhà máy tại Vĩnh Long giúp tăng cường năng lực sản xuất từ cuối quý II/2015. Dự án bao gồm 2 nhà máy may, 1 nhà máy đan và 1 nhà máy nhuộm. Nhà máy may số 1 có vốn đầu tư 165.5 tỉ đồng dự kiến sẽ giúp TCM tăng quy mô sản xuất lên 21.1 triệu sản phẩm may/năm từ cuối quý II/2015. Theo kế hoạch, nhà máy may số 2 công suất tương đương sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016, hai nhà máy đan, nhuộm là từ quý II/2017.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 không đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần 609 tỉ đồng (-5% so với cùng kỳ năm ngoái) do kỳ nghỉ lễ dài ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, thêm vào đó chi phí bán hàng tăng 20% khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 33.3 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ, doanh thu và lợi nhuận của các công ty dệt may thường tập trung vào quý II và quý III. Tính đến hết tháng 5/2015, doanh thu thuần khoảng 1,093 tỉ đồng, bằng 40% kế hoạch, khả năng đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2015 vẫn khá khả quan.

PNJ: PE thấp hơn trung bình ngành, đạt 12,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần đạt 3.855 tỷ, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái do không còn sự đóng góp từ công ty con CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) và thu hẹp kinh doanh vàng miếng. Riêng đối với mảng kinh doanh vàng trang sức bán lẻ, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng 6%. Mức tăng này nhờ nhu cầu trang sức tại Việt Nam tăng trở lại và công ty đã mở thêm 17 cửa hàng vàng mới trong 6 tháng đầu năm (tăng 10% so với thời điểm cuối 2014), nâng tổng số cửa hàng lên 191 cửa hàng.

Hiện PNJ đang trong quá trình tái cấu trúc HĐKD - giảm tỷ trọng vàng miếng, tập trung phát triển mạnh KD trang sức cốt lõi, là mặt hàng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Tập đoàn (ở mức 14%). Theo đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng 3 ppt lên mức 14% và lợi nhuận gộp ước đạt 529 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chi phí khác thay đổi không đáng kể, lợi nhuận trước thuế ước đạt 228 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, PNJ đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Dự báo nhu cầu trang sức sẽ còn tăng trong quý IV, PNJ tiếp tục mở thêm 4 cửa hàng mới trong tháng 7/2015.

Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, hầu hết các ngành nghề đều được nới room của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 100%. Ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có sản xuất vàng trang sức chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa vẫn là 49%.

Hiện PNJ là DN sản xuất, kinh doanh trang sức thành phẩm bằng vàng với thương hiệu PNJ, đang có tỷ lệ sở hữu room nước ngoài ở mức tối đa là 49%. Như vậy, công ty có khả năng sẽ không được nới room.

PNJ hiện đang trở thành thương hiệu nữ trang hàng đầu Việt Nam với hệ thống cửa hàng rộng khắp. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 khá lạc quan, chúng tôi cho rằng PNJ hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra. EPS 2015 (sau khi chia thưởng cổ phiếu) ước 3.182 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 12,3 lần, thấp hơn mức 15 lần trung bình ngành khu vực.

DCM: Sẽ chịu tác động từ việc PVN thoái vốn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa thông qua điều chỉnh kế hoạch 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 lần lượt giảm 2% và 4%, tương ứng từ 5.583 tỷ đồng xuống 5.488 tỷ đồng và từ 662 tỷ đồng xuống 637 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 không mấy khả quan do giá bán giảm. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2015 lần lượt giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và 13% so với cùng kỳ năm trước, còn 1.117 tỷ và 196 tỷ.

Trước diễn biến giá phân ure trung bình trên thị trường thế giới giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái từ đầu năm đến nay và sự bất cân đối cung cầu trong nước đã gây áp lực giảm giá bán của DCM, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm. Theo kế hoạch đã điều chỉnh, DCM hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận sau thuế khi kết thúc quý I.

Sau khi niêm yết trong cuối tháng 3/2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện sở hữu 400 triệu cổ phiếu DCM, đã đăng ký bán ra 13 triệu cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ ngày 29/6 đến ngày 28/7/2015. Tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 75,56% xuống còn 73,1%. Việc thoái vốn khỏi DCM nằm trong đề án tái cơ cấu của Tập đoàn.

Theo kế hoạch PVN phải giảm cổ phần tại DCM xuống 51% đến cuối năm 2015. Trước đó, PVN có kế hoạch giảm cổ phần xuống 51% bằng cách bán 24,36% cổ phiếu cho NĐT chiến lược giả định thông qua phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, việc tìm đối tác chiến lược có vẻ không thuận lợi nên PVN tiến hành bán cổ phần theo phương thức trên.

Với kế hoạch điều chỉnh như trên, EPS 2015 dự phóng đạt 1.546 đồng/cp, tương đương PE 2015 ở mức 8,5 lần, thấp hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân bón ure trong nước có khả năng tiếp tục giảm cùng xu thế với giá ure thế giới trong thời gian tới (trước khi có thể hồi phục vào 2017-2018 trở đi) cộng với áp lực thoái vốn từ PVN, chúng tôi rằng cp DCM sẽ bị ảnh hưởng. Điểm cộng duy nhất là mức cổ tức 2015 bằng tiền mặt là 800 đồng/cp, tương ứng tỷ suất cổ tức 6%.

CNG: PE thâó hơn trung bình ngành, ở mức 5,7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 sơ bộ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 56,6 tỷ đồng. CNG vừa công bố Nghị quyết HĐQT trong đó doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 ở mức 454,3 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 40,7 triệu m3, tăng 22% so với cùng kỳ 2014 trong khi đó giá bán khí bình quân giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 12,8 USD/mmBTU.

Do bắt đầu thả nổi giá khí đầu vào theo FO, chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 mở rộng so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 56,6 tỷ đồng.

CNG lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức 10%. Tỷ lệ cổ tức/EPS hợp lý ở mức 78%, tương đối hợp lý. Tính đến thời điểm cuối quý I/2015, tiền và tương đương tiền ở mức 212 tỷ đồng (tương ứng 7.900 đồng/cp). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 85 tỷ đồng (3.150 đồng/cp). CNG có chính sách cổ tức khá hấp dẫn với lịch sử chia cổ tức với tỷ lệ trên 30% mệnh giá.

Hiện tại, giá CNG trên thị trường vào khoảng 13 USD/mmBTU, chỉ cao hơn Than và Nhiên liệu sinh học (Biomass). Tuy nhiên, CNG vẫn có những thế mạnh so với than và Biomass. Cụ thể, so với Than, CNG ít gây ô nhiễm môi trường. CNG cung cấp nhiệt lượng cao và ổn định hơn so với biomass, phù hợp trong sản xuất VLXD.

Định giá. CNG đang giao dịch tại P/E hấp dẫn là 5,7 lần, thấp hơn trung bình ngành là 10 lần.

HPG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

Chúng tôi một lần nữa nhắc lại khuyến nghị gọi mua HPG về mặt kỹ thuật.

Có thể thấy rõ sự “chuyển mình” của HPG. Từ tín hiệu phân kỳ tích cực đầu tiên, đường giá sau đó vượt MA trung hạn và kiểm tra lại thành công việc bứt phá này.

Phiên hôm nay, một đỉnh liền sau cao hơn được tạo lập. Xu hướng cả trong ngắn hạn và trung hạn của HPG đều chuyển sang tăng. Thanh khoản cho thấy sự chủ động hơn của bên mua trong các phiên tăng suốt một tháng qua. KLGD “thường xuyên” cao hơn mức trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền mở rộng.

Điểm cộng cơ bản. Với EPS 2015 ước đạt 3.600 đồng/cp, HPG hiện đang giao dịch với PE dự phóng 8,1x, thấp hơn 40% PE trung bình của HSX (13,3).

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào HPG ở mức giá hiện tại quanh 29.4; Mục tiêu gần nhất tăng lên mức: 35.0 (+19,0%); Mục tiêu trung hạn: 39.0 (+32,7%); Dừng lỗ ngắn hạn tại: 27.4 (-6,8%).

VCB: Đứng đầu ngành trong trích lập dự phòng rủi ro

CTCK MB (MBS)

VCB công bố kết quả kinh doanh sau 6 tháng đầu năm 2015. Dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 345.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,52% so với cuối năm 2014. Đến hết tháng 6, huy động vốn của ngân hàng tăng 7,67%.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường về hoạt động thẻ. Trong đó, doanh số thanh toán thẻ quốc tế tăng 17%, thẻ nội địa tăng 50%. Trong nửa đầu năm, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ cũng tăng thêm 5.401 đơn vị.

Nợ xấu của Vietcombank đến 30/6 chiếm 2,43%. Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở 2,3%.

Nhà băng này tiếp tục là một trong những đơn vị mạnh tay nhất trong trích lập dự phòng rủi ro. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này dành một nửa lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau trích lập, Vietcombank còn lãi trước thuế 3.040 tỷ đồng sau 6 tháng. ROA và ROE lần lượt đạt 0,82% và 10,77%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,18%.

Từ đầu tháng 6, ngân hàng áp dụng cơ chế lương mới gắn với kết quả đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị thành viên và người lao động qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục