DMC: Mua với mức giá mục tiêu cuối năm 2015 là 53.000 đồng/cp
CTCK FPT (FPTS)
Trên quan điểm thận trọng, sau khi cập nhật và đánh giá toàn diện các mảng hoạt động cũng như triển vọng phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị nghị MUA cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC – HOSE) với mức giá mục tiêu cuối năm 2015 là 53.000 đồng/cp, cao hơn 33% so với mức thị giá hiện tại và ứng với mức PER thận trọng 10.x.
Chúng tôi tiến hành cập nhật kết quả kinh doanh năm và định hướng phát triển của doanh nghiệp trong năm 2014 cũng như dự phóng kết quả kinh doanh năm 2015 của DMC như sau:
Doanh thu thuần cả năm 2014 đạt 1.486 tỷ đồng (+4% so với năm trước), LNST năm 2014 đạt 132,3 tỷ đồng (+23,4%). Có được kết quả khả quan này là nhờ: 1) Tái cấu trúc danh mục hàng hóa bằng cách giảm mạnh tỷ trọng các nhóm hàng biên lợi nhuận thấp và tập trung sản xuất các nhóm có biên lợi nhuận cao. 2) Tăng cường công tác thu hồi nợ, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tái cấu trúc đội ngũ nhân sự theo hướng tinh giản, thay đổi cách thức quản lý theo hướng hiện đại hơn. Chi phí bán hàng trong kỳ giảm đến 16% so với cùng kỳ là nguyên nhân chính giúp LNST năm 2014 được cải thiện ấn tượng.
DMC đặt kế hoạch 2015 khá thận trọng với doanh thu kỳ vọng đạt 1.588 tỷ đồng (+7% so với năm trước) và LNST 2015 kỳ vọng đạt 140 tỷ đồng (+12,9%).
Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của DMC vào năm 2011, CFR đã dành 2 năm cho ban lãnh đạo DMC tự vận hành doanh nghiệp mà không có bất sự can thiệp đáng kể nào nhằm giúp ban lãnh đạo và người lao động của DMC thích nghi dần với sự có mặt của CFR. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy doanh thu và lợi nhuận của DMC trong 2 năm 2012 và 2013 vẫn có sự tăng trưởng khả quan, nhưng những vấn đề gốc rễ liên quan đến sự tăng trưởng bền vững của DMC (như bộ máy nhân sự, chiến lược sản phẩm, đầu tư xây dựng nhà máy mới, mô hình quản lý…) vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Vì vậy, từ năm 2014, CFR đã tiến hành can thiệp sâu vào hoạt động của DMC thông qua việc bổ nhiệm bà Lương Thị Hương Giang vào vị trí Tổng giám đốc. Kể từ thời điềm này, hầu hết mọi hoạt động của DMC đều có sự thay đổi đáng kể, từ chiến lược nguyên liệu, phân khúc sản phẩm, quản lý sản xuất đến cơ cấu nhân sự, chiến lược bán hàng… đều được can thiệp và tái cấu trúc mạnh mẽ.
Kết quả năm 2014 đã chứng minh rằng dù quy mô doanh thu tăng không đáng kể (4%) nhưng LNST của DMC lại tăng đến 23%. Ngoài ra, Việc ban lãnh đạo của DMC (mà thành viên nòng cốt là đại diện của CFR) đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2015 khá thận trọng (doanh thu +7%, LNST +12,9%) cho thấy việc tái cấu trúc toàn diện DMC vẫn tiếp tục được tiến hành trong năm 2015, nhưng hiệu quả sẽ không rõ rệt như năm 2014.
Vì vậy, chúng tôi đánh giá kế hoạch năm 2015 của DMC là khá thận trọng và khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2015 của DMC là khá cao. EPS 2015 ước tính sẽ đạt 5.265 đồng/cp.
>> Tải báo cáo
VHL: Kết quả kinh doanh khả quan
CTCK MB (MBS)
CTCP Viglacera Hạ Long (VHL) công bố kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 1.446 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 83,4 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Trong năm 2015, VHL tiếp tục đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu mục tiêu là
1.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 126 tỷ đồng. Công ty phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 5.3 triệu USD.
Công ty đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư dự án điều chỉnh Nhà máy Gạch clinker Viglacera. Tổng giá trị dự toán cho các gói thầu xây dựng nhà máy trong giai đoạn 2014 - 2015 là 115,05 tỷ đồng. Công ty phấn đấu sẽ đạt tiến độ dự án (tiến độ sản xuất thử vào tháng 5/2015).
Trong quý I và quý II/2015, Công ty sẽ tiến hành đầu tư trạm khí hóa than số 4 tại nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy, nhằm thay thế cho trạm khí hóa than số 1 hiện đã đến giới hạn tuổi thọ.
Công ty cũng đang nghiên cứu chuyển đổi Nhà máy Gạch Hoành Bồ từ sản xuất hỗn hợp gạch và ngói sang sản xuất 100% ngói. Công ty phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm 2015 và đầu tư trong năm 2016.
Trong năm 2014, VHL đã tăng vốn thành công đưa mức vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng, qua đó có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án của Công ty.
NKG: Giá đã không còn hấp dẫn như trước
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Vẫn lạc quan về thị trường nội địa lẫn khả năng đẩy mạnh xuất khẩu, NKG đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 2015 tăng khoảng 30% cùng kỳ, lên 403.000 tấn. Theo đó, NKG kỳ vọng các mức tăng trưởng cao cho doanh thu và LNST 2015, lần lượt là 34% và ít nhất 57% năm trước.
Lợi nhuận tăng trưởng cao hơn doanh thu chủ yếu nhờ kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cải thiện trong 2015 khi dây chuyền cán nguội mới (200 ngàn tấn/năm) đã đi vào hoạt động trong tháng 3/2015, giúp tăng gấp đôi năng lực cán nguội của NKG, khép kín và chủ động nhu cầu nguyên liệu thép cán nguội (CRC) đầu vào. Chênh lệch giá CRC sản xuất trong nước và nhập khẩu là 5-7%.
NKG ước tính doanh thu và LNST quý I/2015 đạt 1.158 tỷ đồng (-21% so với cùng kỳ) và 25 tỷ đồng (+147% cùng kỳ), hoàn thành 15% và 21% kế hoạch 2015. Mặc dù do đặc tính mùa vụ (quý I thường là mùa thấp điểm), nhưng theo chúng tôi, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu vẫn đang ở mức thấp. Ngoài ảnh hưởng bởi cơ cấu sản phẩm thay đổi, thì nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng trưởng âm so với cùng kỳ làdo giá bán bình quân mặt hàng tôn giảm khoảng 5-10%. Đây là sự điều chỉnh hợp lý khi giá HRC thế giới (nguyên liệu đầu vào chính) đã giảm khoảng 12% tính từ đầu năm đến nay. Do giá HRC vẫn đang trong xu hướng giảm, chúng tôi cho rằng, kế hoạch doanh thu 7.800 tỷ đồng đang là thử thách đốivới NKG. Ở chiều ngược lại, chúng tôi đánh giá tính khả thi của kế hoạch lợi nhuận cao hơn.
Mặc dù NKG vẫn đang phát triển các thị trường xuất khẩu mới, nhưng chúng tôi cho rằng, Indonesia vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu chính của công ty ít nhất là trong vòng 2 năm tới. Trong khi đó, rủi ro tại thị trường này đang ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của các biện pháp bảo hộ thương mại của nước này như đánh thuế chống bán phá giá...
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, xu hướng giảm giá của nguyên liệu HRC thế giới khả năng sẽ vẫn tạo áp lực điều chỉnh giá bán cũng như rủi ro giảm giá hàng tồn kho. E ngại về các rủi ro trên, so với kế hoạch của công ty, dự báo của chúng tôi có phần thận trọng hơn với doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 6.565 tỷ đồng (+12,5% so với cùng kỳ) và 112 tỷ đồng (+46,8% so với cùng kỳ). Theo đó EPS ước tính cho 2015 của NKG đang ở mức 2.780 đồng/cp, tương đương với mức PE khoảng 5,4 lần. Tuy nhiên, nếu việc phát hành riêng lẻ 20 triệu cp được thực hiện như kế hoạch thì khả năng EPS 2015 sẽ bị pha loãng 25%, xuống còn 2.225 đồng/cp, tương đương với mức 6,7 lần PE, xấp xỉ mức PE của HSG – doanh nghiệp dẫn đầu thị trường tôn mạ.
Theo đó, một cách tương quan, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của NKG đã không còn hấp dẫn như trước. Giá cổ phiếu NKG cũng đã tăng gần 20% so với khuyến nghị MUA trước đây của chúng tôi. Chuyển sang khuyến nghị Nắm giữ với giá mục tiêu 16.500 đồng/cp, cao hơn 10% so với giá hiện tại.
>> Tải báo cáo
NDN: Kết quả kinh doanh đột biến
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Theo nghị quyết HĐQT, CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) có thể ghi nhận doanh thu quý I/2015 là 80 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ 2014. Theo NDN, dự án chính được ghi nhận chủ yếu trong quý là Dự án The Mornachy I (chung cư và đất nền). LNST quý I/2015 công ty đạt 10,97 tỷ đồng, tăng mạnh 808% cùng kỳ.
Theo nghị quyết HĐQT, trong quý II/2015, Công ty sẽ tăng cường hợp tác với các nhà phân phối sản phẩm và các ngân hàng, thực hiện nhiều hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu thụ phần còn lại của các Dự án Lapaz, The Mornachy I. Công ty cũng sẽ đẩy mạnh tiến độ Dự án The Monarchy I và tập trung công tác thanh quyết toán các công trình đã hoàn thiện nhằm thu hồi vốn. Ngoài ra, HĐQT cũng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2015 sẽ đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước (công ty chưa công bố phương án cụ thể).
Thận trọng trong kế hoạch của các doanh nghiệp ngành cá tra
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Ngày 6/4/2015, chuyên viên ngành thủy sản của chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của CTCP Thủy Sản số 4 (HOSE: TS4). Chúng tôi quan tâm đến doanh nghiệp này bởi các chỉ số tài chính như biên LN gộp, tỷ số ROE, tỷ suất cổ tức khá tốt và ổn định. Diện tích vùng nuôi gần 60ha tại Đồng Tháp có khả năng cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho một trong hai nhà máy của TS4 với công suất thiết kế lên đến 20.000 tấn/năm. Nhờ khả năng tự chủ vùng nuôi lớn, biên LN gộp của Công ty ở mức khá cao (20% năm 2014) so với các doanh nghiệp cá tra khác trong ngành.
Đáng chú ý, tại ĐHCĐ vừa qua, phương án giải quyết đối với khu đất tại KCN Long Hậu-Long An đã được thông qua dưới hai hình thức chuyển nhượng theo giá trị sổ sách hoặc liên kết đầu tư với đơn vị khác. Với kế hoạch ban đầu xây dựng một kho lạnh và nhà máy chế biến trên tổng diện tích hơn 20.000 m2, Công ty cho biết một đối tác nước ngoài đã đề nghị hợp tác đầu tư bằng việc tiến hành hoạt động nhập khẩu thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nếu việc hợp tác này được thực hiện, KQKD của Công ty có thể kỳ vọng cải thiện hơn. Tuy nhiên theo chúng tôi, thời gian để có quyết định cuối cùng có thể phải đến cuối năm 2015 và 2016.
Kết quả kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp cho thấy mức tăng trưởng khá. Cụ thể, doanh thu và LNST lần lượt là 1.088 tỷ đồng (+7,03%) và 21,02 tỷ đồng (+47%). Theo chia sẻ, ban lãnh đạo cho rằng những khó khăn trong ngành cá tra vẫn tiếp diễn trong năm 2015. Do vậy, TS4 đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu và LNTT dự kiến vào khoảng 1.140 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Trong lần công tác gần đây, chuyên viên ngành của chúng tôi có dịp trao đổi với một số doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh cá tra. Đánh giá đối với ngành cá tra trong năm 2015, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng những vướng mắc như cạnh tranh giá không lành mạnh, rào cản chất lượng, rủi ro từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Với nhận định về những khó khăn trong ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch năm 2015. Chúng tôi thống kê kế hoạch của một số doanh nghiệp cá tra và nhận thấy kế hoạch tăng trưởng có sự phân hóa giữa nhiều doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như AAM, TS4, AGF, kế hoạch 2015 được đưa ra dựa trên cơ sở không lạc quan về ngành cá tra. Riêng với ANV, nếu loại trừ chi phí dự phòng 60 tỷ từ khoản nợ khó đòi của Ukranie, LNTT năm 2014 vào khoảng 121 tỷ. Do vậy, so sánh với kế hoạch 100-120 tỷ LNTT, ANV hầu như không có nhiều thay đổi về hoạt động kinh doanh. Đặc biệt đối với IDI, mặc dù kế hoạch chính thức trong năm 2015 chưa được công bố. Tuy nhiên, qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy thông qua ban lãnh đạo khá tích cực khi năm nay, Công ty có kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi thông qua hoạt động liên kết các hộ nuôi trồng. Do vậy, kế hoạch sơ bộ ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 20%; không chỉ vậy, mảng kinh doanh dầu cá đi vào hoạt động ổn định trong năm nay cũng mang lại nguồn thu cho Công ty.
Đối với các doanh nghiệp đầu ngành như VHC, HVG, chúng tôi nhận thấy nhờ quy mô lớn và khả năng tự chủ vùng nuôi tốt, tăng trưởng có vẻ khá quan hơn. Ngoài ra, VHC cũng cho biết Công ty có thể tận dụng lợi thế từ mức thuế chống bán phá giá 0% để đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Mỹ. Nhờ vậy, KQKD 2015 được dự báo tăng trưởng tốt. Trong khi đó, HVG với kế hoạch lấn sân ngành tôm thông qua tăng tỷ lệ sở hữu tại FMC lên hơn 50%, cũng dự kiến mức tăng lên đến 78%.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang có nhiều chuyển biến để thích nghi với những khó khăn của ngành. Dễ thấy nhất là việc nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi, nâng cao năng lực sản xuất hay đa dạng hóa dòng sản phẩm thông qua nuôi trồng cá rô phi hoặc tôm (ANV, TS4, HVG).