Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/8

DPM: Đánh giá khả quan về triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm

CTCK MB (MBS)

DPM công bố kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm. DPM lãi trước thuế 953 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2015, tăng 26,6% so với nửa đầu năm 2014. Lợi nhuận dành cho Cổ đông công ty mẹ Đạm Phú Mỹ đạt 768 tỷ đồng, tăng 18,15% so với cùng kỳ. EPS 6 tháng của công ty đạt 2020 VNĐ /cổ phiếu.

Mặc dù áp lực cạnh tranh trên thị trường phân đạm gia tăng do có sự tham gia của các đối thủ như Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc song DPM vẫn tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Công ty kỳ vọng trong năm 2015 lượng tiêu thụ sẽ đạt 800 nghìn tấn, vượt nhẹ kế hoạch đề ra vào thời điểm đầu năm. Mặc dù giá urea có diễn biến giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào trong 6 tháng đầu năm, song nhờ giá khí nguyên liệu đầu vào giảm nên DPM vẫn cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.

Hiện tại, Công ty đang tích cực triển khai dự án sản xuất UFC85/ Formadehyde và dự kiến sẽ đưa nhà máy vào hoạt động cuối năm 2015. Dự kiến, 50% sản lượng nhà máy sẽ sử dụng nội bộ và 50% sản lượng sẽ được bán thương mại.

Chúng tôi duy trì đánh giá khả quan về triển vọng kinh doanh của DPM trong 6 tháng cuối năm nhờ xu hướng giảm của giá dầu vẫn tiếp tục duy trì (tác động làm giảm giá khí đầu vào) và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận của DPM đạt 1300 tỷ VNĐ lợi nhuận, tương đương EPS là 3400 VNĐ.

PLC: Khuyến nghị thêm cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (mã PLC) vừa công bố KQKD quý II/2015 với lợi nhuận sau thuế đạt gần 128 tỷ đồng tăng gần 113% so với cùng kỳ, đây là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 5 năm gần đây (2010-2015) của PLC. Việc tồn kho nguyên liệu đầu vào với giá thấp vào thời điểm này do ảnh hưởng từ việc giảm sâu của giá dầu còn 46 USD/thùng vào tháng 01/2015, thông thường giá nguyên liệu đầu vào sẽ có độ trễ khoảng 3 tháng so với giá dầu thô trong khi đó PLC duy trì chính sách hàng tồn kho đối với dầu nhờn là 3 tháng và nhựa đường là 1 tháng nên tác động từ độ trễ từ giá dầu đối với hàng tồn kho là khoảng 6 tháng.

Cho năm 2015 chúng tôi dự báo PLC sẽ đạt khoảng 7.364 tỷ đồng doanh thu thuần và 307 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng lần lượt 8% về doanh thu và 15% về lợi nhuận (đã tính trên số lượng cổ phiếu pha loãng sau khi chia thưởng 15% trong năm 2015 trên mức vốn điều lệ mới là 808 tỷ đồng), tương đương EPS 2015 đạt 3.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu PLC hiện đang được giao dịch với P/E 2015F khoảng 8,84x (giá hiện nay là 33.600 đồng/cp), mức P/E này là khá hấp dẫn đối với một cổ phiếu có triển vọng kinh doanh năm 2015 tốt nhờ sản lượng nhựa đường tiêu thụ tốt và chi phí nguyên liệu giảm nhờ hưởng lợi từ giá dầu giảm. Giá mục tiêu năm 2015 là 36.100 đ/cp (~ P/E 9,5x), tăng 8% so với hiện tại. Khuyến nghị: THÊM cho mục tiêu trung và dài hạn.

TNG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Kết quả kinh doanh quý 2 của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) ghi nhận doanh thu 500 tỷ, cao hơn 56% so với 320 tỷ cùng kì năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt được 19 tỷ, cao hơn 46%.  Trong khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 doanh thu đạt 797, cao hơn 51,8%, lợi nhuận đạt được 34,3 tỷ, cao hơn 71,5% so với cùng kì năm trước.  Kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng đột biến chủ yếu là do gia tăng sản lượng bán hàng từ nhà máy Đại Từ mới đi vào hoạt động.

Nhận định: TNG là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh theo hình thức may gia công, do vậy 2 chi phí chính tác động đến hoạt động của TNG là nguyên liệu(bông, vải, sợi, cúc áo,.) và chi phí nhân công. Nguồn nhân công giá rẻ ở thời điểm hiện tại đang hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên xu hướng tăng trưởng lương tối thiểu trong tương lai sẽ làm nhòa đi lợi thế nhân công. Mặc khác nhân công ở khu vực Thái Nguyên cũng sắp cạnh tranh khá mạnh khi Sam Sung đầu tư nhà máy lớn vào đây, cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu vực Thái Nguyên-Hà Nội khi đường cao tốc ở đây xây xong sẽ gây áp lực cạnh tranh về nhân công rất mạnh.

Khả năng tăng mạnh lợi nhuận của TNG trong tương lai là khó khăn do thị trường cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp Bangladesh. Do vậy, khi tăng mức giá lao động sẽ tạo áp lực tăng giá sản phẩm đầu ra. Trong khi đó, các nhà đặt hàng là những người quyết định giá cho các nhà may gia công, Do vậy việc tiết giảm chi phí và tăng công suất vận hành là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của TNG.

Vì hoạt động chủ yếu của TNG là may gia công nên khi TPP hay FTA kí kết, giá bán sản phẩm không bị ảnh hưởng gì nhiều, tuy nhiên công ty có thể có thêm cơ hội mở rộng các đơn đặt hàng.

TNG bị công ty kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục bởi sử dụng nợ ngắn hạn rất lớn, tính đến 6 tháng đầu năm 2015 nợ ngắn hạn của công ty là 900 tỷ, nợ dài hạn là 220 tỷ, tổng mức vay nợ gấp 4 lần chủ sỡ hữu, trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ có 859 tỷ, như vậy công ty đang sử dụng một phần nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Công ty có thể vay nợ được lớn là do các đơn đặt hàng hiện tại là ổn định, tuy nhiên nếu các khách hàng lớn chuyển đổi bên gia công, TNG sẽ thực sự gặp khó khăn. Do vậy công ty cũng đang có vẫn đề về khả năng hoạt động liên tục.

Với tình hình công ty đi vào hoạt động nhà máy Đại Từ nhằm gia tăng sản lượng hàng bán của mình, kế hoạch đạt được cho năm 2015 là khả thi.

Khuyến nghị: Ước tính kết quả kinh doanh năm 2015 công ty sẽ đạt lợi nhuận khoảng 75 tỷ, yương ứng với mức EPS là 3.740 đồng/cp, với mức P/E bình quân ngành hiện tại là 7,7, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI khi mức giá mục tiêu 28.600 đồng/cp.

VCS: Định giá khá hấp dẫn, PE dự phóng 6x

CTCK MayBanh KimEng (MBKE)

Trong báo cáo tài chính quý II/2015 mới công bố, CTCP Vicostone (VCS) đã ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hợp nhất 637,8 tỷ, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 92,2 tỷ, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

VCS đạt mức tăng trưởng doanh thu 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II/2015 là do (1) doanh thu bán nguyên vật liệu, phụ tùng tăng gấp 45 lần đạt 97,8 tỷ (so với 2,2 tỷ trong cùng kỳ năm trước); (2) doanh thu bán thành phẩm trong nước tăng gấp 6 lần đạt 24 tỷ, so với 4 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Doanh thu xuất khẩu, là mảng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu, giảm nhẹ 1,3% đạt 516 tỷ. Sự tăng/giảm doanh thu hai mảng xuất khẩu và bán nguyên vật liệu phụ tùng đều có liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần sở hữu ở CTCP Style Stone mà trước đây VCS sở hữu 99,93% vào tháng 8/2014.

Theo đó, CTCP Style Stone không còn là công ty con và không còn hợp nhất báo cáo kể từ quý III/2014; do đó (1) doanh thu xuất khẩu quý II/2015 của VCS giảm nhẹ do không còn hợp nhất doanh thu xuất khẩu của Style Stone; (2) doanh thu bán nguyên vật liệu, phụ tùng trong quý II/2015 tăng do ghi nhận doanh thu bán cho Style Stone mà trước đây phải loại trừ trong báo cáo hợp nhất khi Style Stone còn là công ty con.

Tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động SXKD đạt 24,9%, tăng so với 22,6% trong cùng kỳ. Sự cải thiện này chủ yếu là nhờ chi phí QLDN giảm tới 65,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó chi phí nhân viên và chi phí mua ngoài gi ảm mạnh nhất. Lợi nhuận ròng đạt 92,2 tỷ, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng chậm hơn đôi chút so với doanh thu do thuế suất thuế TNDN hiện hành cao hơn cùng kỳ do điều chỉnh bổ sung 11,6 tỷ chi phí thuế TNDB của các năm trước.

Luỹ kế 6 tháng 2015, VCS ghi nhận doanh thu 1.166 tỷ và lợi nhuận sau thuế 157,5 tỷ, tăng lần lượt 42,8% và 73,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, VCS đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận của năm 2015. Cổ phiếu VCS giao dịch với P/E trailing (4 quý gần nhất) 6x, mức định giá khá hấp dẫn.

PVT: PE giao dịch ở mức 11,5 lần

CTCK MayBanh KimEng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) đạt 2.532 tỷ đồng (-2,3% so với cùng kỳ năm ngoái), khá sát với ước tính trước đó (2.670 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 215,2 tỷ đồng (+13,2% so với cùng kỳ năm ngoái), cao hơn kết quả 190 tỷ như ước tính. Điều này là nhờ kết quả quý II/2015 cải thiện hơn cùng kỳ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoạt động thông suốt trong kỳ.

NMLD Dung Quất hoạt động ổn định, doanh thu quý II/2015 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1.415 tỷ đồng. Trong năm 2014, nhà máy lọc dầu Dung Quất phải tạm ngưng hoạt động 2 tháng trong quý II/2014 (từ 4-6/2014) để bảo trì định kỳ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PVT. Nhờ nhà máy này hoạt động thông suốt trong năm nay, doanh thu mảng vận tải tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 720 tỷ đồng, đóng góp 51% tổng doanh thu cho PVT trong quý II/2015.

Mảng dịch vụ FSO/FPSO (chiếm 9% tổng doanh thu) giảm 14,4% n/n do mỏ Đại Hùng mới trở lại hoạt động từ cuối tháng 5/2015. Doanh thu từ hoạt động thương mại (chiếm 36% tổng doanh thu) trong quý II/2014 cũng giảm nhẹ 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế quý II/2015 tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 131,2 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 10,9% của quý II/2014 lên mức 13,3% trong quý II/2015. Ngoài ra, trong quý II/2015 PVT có 21,3 tỷ thu nhập ròng từ hoạt động khác từ các khoản tiền phạt thu được và thanh lý tài sản cố định. Cùng kỳ năm trước, khoản lợi nhuận này chỉ khoảng 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thu nhập tài chính giảm và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng nhẹ 1 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, thuế suất thuế TNDN bình quân quý II/2015 (19%) cũng cao hơn cùng kỳ (11,5%) nên lợi nhuận sau thuế quý II/2015 chỉ còn tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 83.2 tỷ đồng.

Với 134,4 tỷ lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, PVT đã hoàn thành được 70,4% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho 2015. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu của 6 tháng đầu năm 2015 cũng tương đối cao, gần 50%, tương đương 2.532 tỷ đồng (-2,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi đánh giá kế hoạch kinh doanh 2015 mà ĐHCĐ thường niên 2015 thông qua với 5.085 tỷ đồng doanh thu (-3,5% so với năm ngoái) và 241 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-50,4% n/n) là khá thận trọng, đặc biệt là kế hoạch lợi nhuận.

Giá cước vận tải trong năm 2015 phải chịu áp lực giảm do chi phí nhiên liệu giảm. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì dự báo doanh thu 2015 của PVT sẽ tăng nhẹ 0,3% n/n, đạt 5.283 tỷ đồng, nhờ các lý do sau: (1)Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến không có lịch bảo trì trong năm 2015, sau khi đã tạm ngưng hoạt động 2 tháng (từ 4-6/2014) để bảo trì định kỳ; (2)Mỏ Đại Hùng đã trở lại hoạt động từ cuối tháng 5/2015; và (3)Gia tăng sản lượng vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Do không có khoản thu nhập bất thường hơn 60 tỷ đồng sau thuế từ việc bán tàu FSO Kamari (tàu cũ hoạt động ở mỏ Đại Hùng trước đây) như trong năm 2014, chúng tôi ước lợi nhuận sau thuế 2015 của PVT sẽ đạt khoảng 316 tỷ đồng, giảm 7,3% so với năm ngoái. Theo đó, cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức 11,5 lần PE 2015 và 1 lần PB, so với mức 7 lần và 0,7 lần bình quân ngành hiện tại.

PVT: Khuyến nghị mua trong dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT-HSX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015. Doanh thu thuần đạt 2.532 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch năm 2015. Mặc dù doanh thu công ty chịu ảnh hưởng từ giá dầu sụt giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp các mảng hoạt động kinh doanh chính của công ty đều được cải thiện tích cực.

Đối với mảng vận tải, nhờ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động hết công suất, biên lợi nhuận đã tăng 2 điểm phần trăm, từ 10% lên 12%, giúp lợi nhuận gộp của mảng này tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tàu FSO Đại Hùng Queen chỉ vừa đi vào hoạt động trong tháng 5 năm 2015, lợi nhuận gộp mảng FSO/FPSO vẫn tăng 14% so với cùng kỳ nhờ vào giá cước thuê tàu mỗi ngày cao hơn. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 174 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tương đương với 91% kế hoạch cả năm. Kết quả lợi nhuận này cao hơn 12% so với số ước tính của công ty thông báo vào tháng 6 năm nay.

Kết quả này khá tương đương với dự phóng của chúng tôi trong báo cáo cập nhật phát hành ngày 8 tháng 5 năm 2015. Cụ thể, doanh thu thuần 6T2015 đạt 48% và lợi nhuận ròng đạt 67% dự phóng cả năm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA trong dài hạn với giá mục tiêu là 15.000 đồng/cổ phiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục