Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/4 của các công ty chứng khoán.
 
 
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/4

TS4: Đặt kế hoạch thận trọng

CTCK MB (MBS)

Năm 2014, TS4 đạt 757 tỷ đồng doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 18,4 tỷ đồng, tăng. Năm qua, Công ty chưa đạt được các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng theo kế hoạch đề ra, nhưng Công ty có một bước tiến đáng kể về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và giá trị xuất khẩu so với năm 2013.

Năm 2014 giá trị hàng xuất khẩu của TS4 đạt 31,2 triệu USD, trong đó doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU chiếm tỷ trọng 33,63%; Thái Lan 19,84%; Hoa Kỳ 8,56%; Nhật 6,22%; Trung Đông 5,39%; thị trường châu Á khác 23,8%. Công ty dự kiến trả cổ tức năm 2014 là 8%/mệnh giá bằng tiền mặt.

TS4 đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng 4,8% so với năm 2014; giá trị xuất khẩu đạt 32,7 triệu USD, tăng 4,7%; lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thực hiện năm 2014.

TS4 có kế hoạch đầu tư làm bè nuôi cá Rô phi và nhận chuyển nhượng ao nuôi cá tra. Tổng mức đầu tư năm 2015 là 5 tỷ đồng. Cá Rô phi có thị trường tiêu thụ tốt hơn (cầu cá Rô phi cao gấp 2 lần so với cầu cá tra), giá bán cá Rô phi trên thế giới cũng tốt hơn cá tra (cao hơn 1,5 lần).

LIX khá phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Cuối tuần qua (4/4), chuyên viên ngành hàng tiêu dùng của Rongviet Research đã tham dự ĐHCĐ của CTCP Bột giặt LIX. Được biết đây là một trong những thương hiệu Việt Nam có vị thế nhất định trên thị trường bột giặt với thị phần khoảng 6%, tập trung tại khu vực phía Nam với phân khúc khá bình dân.

Doanh thu hoạt động của LIX được đóng góp từ 2 thị trường gồm nội địa và xuất khẩu. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm khoảng 80% (2014), được sản xuất dưới 2 hình thức (1) Bán hàng với nhãn hiệu LIX với doanh thu chiếm khoảng 55%, chủ yếu thông qua kênh phân phối truyền thống với khoảng 36.000 điểm bán lẻ và hơn 100 nhà phân phối trên toàn quốc và (2) Làm gia công và nhãn hàng riêng cho siêu thị với doanh thu chiếm khoảng 25%.

Về xuất khẩu, các thị trường của LIX gồm Campuchia, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan. Trong năm 2014, do sự cạnh tranh mạnh của sản phẩm Trung Quốc và đồng Yên mất giá, tỷ trọng đóng góp doanh thu của mảng xuất khẩu chỉ đạt 20%, thấp hơn mức 23% của năm 2013.

Đánh giá về ảnh hưởng từ việc gia nhập cộng đồng Asean (AEC) trong năm 2015, Công ty cho biết, khi ưu đãi thuế được áp dụng, LIX sẽ có nhiều lợi thế bởi sản phẩm đã thâm nhập và có chỗ đứng khá tốt tại các thị trường Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Lào và đặc biệt là Campuchia. Mặc dù vậy, sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc sẽ gây trở ngại lớn hơn.

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu và 104 tỷ đồng LNTT và cổ tức bằng tiền là 25%, tương đương kết quả đạt được năm 2014. Chuyên viên ngành của Rongviet Research cho rằng đây là kế hoạch thận trọng và chủ yếu do khả năng sản xuất bị gián đoạn khi nhà máy tại Hà Nội bị di dời. Theo đó, trong năm 2015, nhà máy ở Thanh Xuân – Hà Nội của LIX sẽ được di dời về KCN Bắc Ninh.

Do thị phần miền Bắc chỉ đóng góp khoảng 10% trong doanh thu nội địa và Công ty sẽ dự trữ hàng tồn kho từ 1 – 2 tháng để phục vụ một phần cho những tháng không sản xuất, do đó ảnh hưởng do việc gián đoạn sẽ không quá lớn. Đối với nhà máy mới tại Bắc Ninh, LIX có thể sẽ tăng công suất để đẩy mạnh hơn việc thâm nhập thị trường miền Bắc.

Hiện nay, theo tính toán của chúng tôi, với tổng công suất thiết kế của ba nhà máy khoảng 265.000 tấn/năm, công suất hiện tại của LIX vào khoảng 77%, tương ứng với sản lượng sản xuất 2014 khoảng 205.000 tấn.

Ngoài ra, nguyên liệu chính của sản xuất bột giặt có nguồn gốc từ dầu mỏ như LAS và bao bì nhựa, chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Các nguyên liệu này đã giảm giá khá mạnh trong thời gian qua nhưng chưa được phản ánh nhiều trong KQKD 2014 của doanh nghiệp. Tuy vậy, với xu hướng giảm mạnh của giá dầu như hiện nay thì năm 2015, biên lợi nhuận gộp của Công ty sẽ có sự cải thiện đáng kể. Theo dõi diễn biến giá của hạt nhựa, chúng tôi nhận thấy, giá hạt nhựa hiện giảm 6% so với cùng kỳ; trong khi đó, giá nguyên liệu LAS cũng giảm khoảng 24% so với cùng kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm trung bình 13% và các chỉ số tài chính khá tốt (ROE, tỷ số thanh toán…), LIX đang cho thấy ưu thế so với các doanh nghiệp nội địa khác trong ngành. Trước những chuyển biến tích cực trong xu hướng giảm giá nguyên vật liệu đi kèm với tiềm năng tăng trưởng ngành bột giặt, chúng tôi cho rằng, LIX khá phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn. Đặc biệt, trong năm 2015, Công ty còn có thể kỳ vọng từ thu nhập đột biến khi di dời nhà máy tại Thanh Xuân Hà Nội.

TCM: Tích lũy ở mức giá hiện tại

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Thành Công (HSX: TCM) được tổ chức vào cuối tuần trước, KQKD năm 2014 và kế hoạch 2015 đã được doanh nghiệp công bố. Theo đó, năm 2014, Công ty đạt doanh thu 2.571,41 tỷ đồng (+0,7% yoy) và LNST đạt 168,36 tỷ đồng (+36% yoy), lần lượt đạt 91,1% và 102% so với kế hoạch. Mặc dù sản lượng và doanh thu đều không đạt được kế hoạch nhưng LNST lại vượt kế hoạch đặt ra do mảng vải dệt xuất sang thị trường Nhật mang về biên LN cao.

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 2.780,8 tỷ đồng (+8% yoy) và LNST là 170,4 tỷ đồng (+1,2% yoy) do lo ngại về triển vọng của mảng kinh doanh sợi và tỷ giá USD/VND được giữ ở mức cao .

Với tỷ trọng cao (35-40%) trong cơ cấu doanh thu, biến động của mảng kinh doanh sợi có ảnh hưởng lớn tới KQKD của TCM. Trong khi đó, giá sợi có sự tương quan cùng chiều khá chặt chẽ với biến động của giá bông và TCM thường dự trữ lượng bông tồn kho đủ cho 2-2,5 tháng sản xuất. Do vậy, khi giá bông trên thị trường giảm, sẽ khiến giá sợi bán ra giảm, doanh thu và biên lợi nhuận của mảng kinh doanh sợi theo đó sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, chỉ cần giá bông giữ ổn định hoặc tăng nhẹ trở lại, mảng kinh doanh sợi sẽ có những cải thiện.  Thực tế, giá ông đã bắt đầu ổn định trở lại từ đầu tháng Hai đến nay.

Về tỷ giá, do phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu và các hợp đồng đều được kí bằngUSD nên một số nhà đầu tư quan ngại khả năng TCM sẽ chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền khác đều giảm giá mạnh so với USD, tỷ giá USD/VND vẫn được duy trì cố định có thể sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, do 30-40% doanh thu xuất khẩu đã được Eland đảm bảo cùng với sản phẩm của TCM là sản phẩm chất lượng cao nên doanh nghiệp cho biết tạm thời tỷ giá chưa có những ảnh hưởng đáng kể lên KQKD.

Chuyên viên ngành của Rongviet Research cho rằng, TCM có thể đạt được KQKD tốt hơn so với kế hoạch do kế hoạch 2015 chưa bao gồm phần đóng góp doanh thu từ nhà máy Vĩnh Long – Giai đoạn 1 (dự kiến hoạt động từ đầu quý 3/2015). Hơn nữa, biên LN năm nay có thể sẽ cải thiện đáng kể hơn do TCM đã nhập 15 máy dệt (biên lợi nhuận cao) vào cuối năm 2014 và có thể hoạt động tối đa công suất trong năm 2015. Với mức giá đóng cửa ngày 06/04 là 30.700 đồng/cp, TCM đang được giao dịch ở mức P/E forward khoảng 8,1 lần. Chuyên viên ngành của chúng tôi cho rằng, đây là mức định giá khá hợp lý cho NĐT dài hạn tích lũy cổ phiếu TCM.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục