Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/11

JVC: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA vào cổ phiếu JVC với giá mục 27,600 đồng, tầm nhìn đầu tư 1 năm với lợi nhuận kì vọng 58%.

Điểm nổi bật:

- JVC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối thiết bị y tế và cung cấp dịch vụ y tế. Khoảng 80%-90% doanh thu và 65%-90% lợi nhuận của JVC được đóng góp bởi hoạt động nhập khẩu và phân phối thiết bị. Các lĩnh vực khác bao gồm đầu liên kết với các bệnh viện và cung cấp dịch vụ khám bệnh lưu động. Mặc dù y tế là ngành có tính phòng thủ cao, tuy nhiên với đặc trưng sản phẩm là hàng hóa có giá trị cao, JVC được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh theo sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là chi tiêu của Chính phủ và các tổ chức khác trong lĩnh vực y tế.

- JVC là doanh nghiệp có vị thế hàng đầu trong ngành thiết bị y tế vì: (1) Là đại diện độc quyền, đại lí phân phối chính thức của nhiều tập đoàn thiết bị y tế hàng đầu thế giới tại Việt Nam; (2) Có mối quan hệ, liên kết, liên doanh với nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp trong nước; (3) Quy mô lớn, chuỗi giá trị khép kín, từ nhập khẩu đến phân phối và cung cấp dịch vụ.

- Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2011, JVC đã thực hiện liên tiếp các đợt phát hành để tăng vốn lên gần 5 lần. Mục đích tăng vốn của JVC chủ yếu là nhằm đầu tư vào hoạt động liên doanh, liên kết với các bệnh viện và dịch vụ khám bệnh lưu động. Việc thực hiện thành công các đợt tăng vốn này, phần lớn cho các cổ đông tổ chức và cổ đông hiện hữu cho thấy kì vọng của các nhà đầu tư vào công ty.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh của JVC là tương đối ổn định. Năm 2013 là thời điểm mà doanh thu và lợi nhuận của JVC sụt giảm nghiêm trọng khi các hợp đồng cung cấp thiết bị y tế bị hủy do chính sách cắt giảm chi tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy sự phục hồi của JVC khi đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 30.9% và 109.5% so với cùng kì năm 2013.

Mặc dù phần lớn doanh thu và lợi nhuận của JVC chủ yếu tập trung vào 2 quý cuối năm, với con số 315.6 tỉ đồng doanh thu và 33.1 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng kế hoạch 905 tỉ đồng doanh thu và 180 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế là khó đạt được. Tuy nhiên, triển vọng trong thời gian tới là tương đối tích cực.

- Rủi ro đối với JVC đến từ việc thực hiện các hợp đồng của các đối tác. Năm 2013 là thời điểm mà JVC phải gánh chịu rủi ro này khi nhiều hợp đồng đã bị hủy, khiến cho hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng một cách đáng kể. Đây chính là vấn đề lớn nhất mà JVC cần phải giải quyết.

PNJ: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn chưa phản ánh đầy đủ giá trị hợp lý của cổ phiếu PNJ do sự thiếu hụt các thông tin chuyên sâu về lĩnh vực hoạt động và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quan ngại về tính thanh khoản khá thấp của cổ phiếu này.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với vị thế là doanh nghiệp nữ trang lớn nhất Việt Nam cùng tiềm năng phát triển còn rất lớn, PNJ là một t rong những cổ phiếu đáng đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Đặc biệt, thông tư 22/2013/TT-BKHCN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/06/2014 đã và đang tạo nên thời cơ vô cùng thuận lợi giúp PNJ có thể thâu tóm thị phần tại thị trường Việt Nam và vươn ra khu vực với tham vọng trở thành một trong những công ty kim hoàn lớn nhất Châu Á.

Sử dụng dự phóng FCFF, chúng tôi tin rằng giá hợp lý của cổ phiếu PNJ vào cuối năm 2014 là 48.700 đồng/cp và giá mục tiêu vào cuối năm 2015 là 55.000 đồng/cp, lần lượt cao hơn 25% và 41% so với thị giá hiện tại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA cổ phiếu PNJ cho mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.

MWG: PE ở mức khá cao, khoảng 17,6x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

MWG công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 10.976 tỷ đồng và 483,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 66% và 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng vượt bậc này nhờ (i) thị phần liên tục được mở rộng thông qua việc mở mới các cửa hàng từ 217 cửa hàng cuối 2013 lên 275 cửa hàng vào cuối quý III/2014, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, (ii) sự đóng góp từ mảng bán hàng qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 7% vào tổng doanh thu (cùng kỳ chỉ ở mức 5%), và (iii) mảng bán hàng điện tử với số lượng cửa hàng tăng 25% từ 12 cửa hàng cuối 2013 lên 15 cửa hàng cuối quý III/2014.

Nhờ lợi thế về quy mô, MWG có được chi phí mua sản phẩm từ các nhà cung cấp (chiếm bình quân 88% tổng chi phí) khá thuận lợi và ổn định hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong ngành. Theo đó, công ty duy trì được tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức trung bình 16% trong giai đoạn này (cao hơn so với mức 15% cùng kỳ năm trước).

Do đó, lợi nhuận gộp tăng 78% và đạt 1.705 trong 9 tháng đầu năm 2014. Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ khoản chiết khấu thanh toán tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 1 điểm phần trăm, xuống còn 10,3%, lợi nhuận sau thuế tăng 3,3 lần n/n.

Theo thống kê thị trường, nhu cầu tiêu dùng thường sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo doanh thu trong quý IV/2014 sẽ tăng tốt so với cùng kỳ và so với quý III/2014. Tuy nhiên, khả năng lợi nhuận sau thuế quý IV sẽ giảm nhẹ so với quý trước do các chương trình ưu đãi/khuyến mãi sẽ được đẩy mạnh.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của MWG lần lượt đạt 15.338 tỷ, tăng 37% n/n và 613 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2014 vào khoảng 5.754 đồng/cp, tương đương PE 2014 là 17,6x, cao hơn trung bình ngành trong khu vực khoảng 12x

DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu quý III/2014 tăng nhờ đóng góp của lốp radian toàn thép. DRC công bố KQKD quý III/2014 với doanh thu tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 791,6 tỷ đồng. Chúng tôi được biết DRC tiêu thụ được hơn 31.000 chiếc lốp radian toàn thép trong quý III/2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.337 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2014 giảm 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng. Chi phí khấu hao của nhà máy lốp radian toàn thép tăng làm cho biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 26,7% trong quý III/2013 xuống còn 20,1% quý III/2014. Chi phí tài chính ròng tăng hơn 54,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 24,6 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay từ dự án lốp radian toàn thép.

Ngoài ra, chi phí hoạt động tăng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu tăng từ 5,1% trong quý III/2013 lên 6,7% trong quý III/2014 do công ty tăng cường chiết khấu thương mại và quảng bá sản phẩm lốp radian toàn thép.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2014 giảm 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 64,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái còn 249,5 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch năm. Chúng tôi ước tính, DRC sẽ hoàn thành tốt kế hoạch năm 2014.

Tiêu thụ lốp radian đang tăng trưởng tốt. Tiêu thụ lốp radian của DRC tăng dần qua từng quý. Trong quý I/2014, quý II/2014, DRC lần lượt tiêu thụ được khoảng 4.700 chiếc lốp radian/tháng và 9.500 chiếc lốp tháng. Đến quý III/2014, DRC nâng mức tiêu thụ lên gần 10.400 chiếc lốp/tháng. Năm 2015, chúng tôi ước tính tiêu thụ lốp radian bình quân của DRC sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt (khoảng 18.000 chiếc lốp/tháng), góp phần làm giảm giá thành trên mỗi sản phẩm.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2014 tăng trưởng khoảng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.391 tỷ đồng (điều chỉnh giảm so với dự báo trước đây là 3.455 tỷ đồng) chủ yếu là do đóng góp từ lốp radian toàn thép. Năm nay, chúng tôi ước tính DRC có thể tiêu thụ được gần 120.000 lốp radian toàn thép với giá bán khoảng 4,9-5 triệu đồng/chiếc.

Chi phí tài chính ròng 2014 uớc tính tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm ngoái lên 151 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay cho dự án radian toàn thép và dự án di dời nhà máy săm lốp ôtô về KCN Liên Chiểu không còn được vốn hóa.

Lợi nhuận trước thuế 2014 ước đạt 467,8 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kế hoạch khoảng 10%. Trong năm 2014, TNDN cho năm 2014 là 22% (giảm từ mức cũ là 25%). Do đó, lợi nhuận sau thuế ước chỉ giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 364,9 tỷ đồng, tương ứng EPS 4.393 đồng/cp.

Định giá hợp lý. DRC đang được giao dịch tại PE 2014 khoảng 14 lần, so với trung bình ngành hiện khoảng 12,5 lần, tương đối phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của DRC trong trung và dài hạn. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của DRC trong 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 417 tỷ đồng. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị GIỮ đối với DRC.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines: Phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Năm 2014, Vietnam Airlines (công ty mẹ) đặt kế hoạch doanh thu là 55.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,4% và 127% so với 2013. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng/2014, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ đạt khoảng 108 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận 335 tỷ đồng sẽ khó đạt được cho dù 6 tháng cuối năm Vietnam Airlines có thuận lợi khi giá nhiên liệu giảm.

Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines trong các năm qua đều ở mức khá thấp do tác động của nguyên nhân lớn nhất là chi phí nguyên liệu. Trong ngắn hạn Công ty đang được hỗ trợ bởi giá dầu đã giảm mạnh và có thể duy trì ở mức thấp cho năm 2015.

Theo Ban lãnh đạo Công ty đánh giá, nếu giá nhiên liệu cho máy bay duy trì mức 105 usd/thùng thì chi phí nhiên liệu sẽ giảm còn 31% (so với mức 38% hiện nay), điều này sẽ tác động rất tích cực đến lợi nhuận cho năm 2015.

Ngoài ra, tính biến động của giá nhiên liện lên hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines trong thời gian tới cũng đang được hạn chế phần nào nhờ các giải pháp như phát triển, thay thế đội tàu bay để giảm hao phí nhiên liệu và bảo hiểm giá nguyên liệu. Chúng tôi khá lạc quan về khả năng cải thiện hiệu quả hoạt động của Vietnam AIirlines sau cổ phần hóa cùng với mức tăng doanh thu 16,7%/năm đoạn 2014 – 2018, lợi nhuận sẽ có mức tăng mạnh trong tương lai.

Tại mức giá khởi điểm 22.300 đồng/CP, Vietnam Airlines đang có P/B và P/E lần lượt là 1,97x và 78,52x. So với bình quân khu vực PE của Vietnam Airlines khá cao tuy nhiên P/B thấp so với bình quân PB của khu vực là 8,75x. Với những lợi thế hiện có của Vietnam Airlines như chúng tôi đánh giá ở trên, mức PE và PB hiện tại sẽ được cải thiện nhiều trong tương lai, do đó chúng tôi đánh giá cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ một khoản đầu tư phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn khoảng 3 – 5 năm.

Một điểm cần lưu ý đối với cổ phiếu của Công ty là tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa vẫn còn khá cao (đến năm 2018 nhà nước vẫn nắm giữ 65%) và số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng cũng ở mức thấp sẽ ảnh hưởng tới tính thanh khoản của cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

VNM: Lợi nhuận dự phóng 5.630 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

VNM công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý III/2014. Theo đó, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt mức 25641 tỷ VNĐ, tăng 12.5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm đạt mức 4,339 tỷ VNĐ, giảm 14.3% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính của việc lợi nhuận suy giảm là do chi phí bán hàng tăng đột biến lên mức 3259 tỷ VNĐ, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Công ty đã phải tăng cường triển khai nhiều hoạt động bán hàng, tiếp thị sản phẩm và tung ra các chương trình quảng cáo, khuyến mại nhằm giữ thị phần. Chúng tôi đánh giá, sức ép cạnh tranh trên thị trường sữa (đặc biệt là sản phẩm sữa nước) đã gia tăng đáng kể sau khi có sự gia nhập của THtrue milk.

Bên cạnh đó, quy định áp giá trần đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, một dòng sản phẩm chính và có biên lợi nhuận cao, cũng tác động đáng kể đến biên lợi nhuận của Công ty.

Chi phí khấu hao trong 9 tháng 2014 đạt mức 769 tỷ VNĐ, tăng 40% so với cùng kỳ do hai nhà máy mới của Công ty đã đi vào hoạt động.

Mức độ tăng trưởng doanh thu của VNM liên tục giảm trong 3 quý gần đây cho thấy môi trường kinh doanh của Công ty không còn thuận lợi như trước. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn đánh giá cao VNM bởi vị thế đầu ngành, sức khỏe tài chính tốt và thương hiệu mạnh,

Chúng tôi dự phóng VNM sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế là 5,630 tỷ VND, tương đương với mức EPS là 5,600 VNĐ. 

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục