Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/8

PNJ: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 của riêng công ty mẹ với kết quả tăng trưởng khả quan. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, EPS trong kỳ đạt 1.642 đồng/cp, tăng 43% so cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch được đặt ra tại ĐHCĐ 2014, với mục tiêu tăng trưởng 20% -21% so cùng kỳ năm ngoái, cụ thể tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 9.124 tỷ đồng, và 221 tỷ đồng, PNJ đang thực hiện khá tốt với tỷ lệ thực hiện kế hoạch đã đạt trên 56%. Bên cạnh đó, các yếu tố khả quan từng được để cập như:

(i) nhu cầu thị trường nữ trang năm dự kiến tăng trưởng 14% trong năm 2014 đặc biệt đối với 6 tháng cuối năm là thời điểm mùa cưới cũng như hoạt động mua sắm thường được đẩy mạnh nên sức mua dự báo sẽ cải thiện tốt hơn;

(ii) Nghị đinh 22 tạo nhiều lợi thế cho công ty trong việc bán sỉ;

(iii) hoạt động tái cấu trúc giúp gia tăng hiệu quả sử dụng vốn là những cơ sở quan trọng giúp chúng tôi cho rằng công ty có khả năng hoàn thành kế hoạch tăng trưởng trong năm nay.

Theo đó, EPS forward của PNJ có thể đạt 2.671/cp, P/E forward tương ứng đạt 11,5 lần là mức định giá hợp lý đối với cổ phiếu này. Bên cạnh đó thanh khoản của cổ phiếu PNJ khá thấp (khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ khoảng 6.303 cổ phiếu). Do đó chúng tôi chỉ khuyến nghị THEO DÕI đối với PNJ.

HBC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

HBC công bố báo cáo tài chính quý II/2014 công ty mẹ với kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm 2013: doanh thu đạt 870 tỷ đồng (-12% so cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 4 tỷ đồng (-88% so cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty mẹ đạt 1.500 tỷ đồng (-25% so cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng (-89% so cùng kỳ năm ngoái).

Chúng tôi dự báo kết quả hợp nhất cũng sẽ không có nhiều đột biến do tình hình hoạt động của các công ty con vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Theo chia sẻ với đại điện doanh nghiệp, vào ngày 18/8, Ban quản trị Công ty sẽ tiến hành cuộc họp để điều chỉnh lại kế hoạch năm theo hướng khả thi hơn.

HBC có kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với giá phát hành không dưới 23.000 đồng/cp nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Đồng thời, số lượng 3,9 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị sổ sách 110 tỷ đồng của HBC cũng chưa bán được do giá vẫn chưa đạt mức kỳ vọng là trên 23.000 đồng/cp. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2014, HBC sẽ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ trong năm 2014.

Chúng tôi cho rằng triển vọng lợi nhuận của HBC trong năm 2014 chưa rõ ràng khi phân khúc thị trường mà Công ty tập trung chưa thực sự khởi sắc và chi phí quản lý doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Trên cơ sở thận trọng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư THEO DÕI cổ phiếu HBC.

SDT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Sông Đà 10 (SDT – sàn HNX) là công ty hàng đầu trong Tổng công ty Sông Đà cũng như trong lĩnh vực thi công công trình ngầm xuyên đá tại Việt Nam với các dự án thi công hầm đường bộ và thủy điện lớn.

Sau nửa đầu năm 2014, SDT đã hoàn thành 60% kế hoạch 2014 lợi nhuận trước thuế nhờ dòng tiền đến từ các dự án thi công hầm đường bộ và thủy điện lớn.

Bên cạnh đó, việc quản lý chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp hiệu quả cũng góp phần giúp SDT gia tăng 30% lợi nhuận so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, công ty vẫn còn một số khó khăn nhất định như công nợ tồn đọng của Tổng công ty Sông Đà còn lớn, nhà máy thủy điện Nậm He lỗ do chi phí lãi vay quá lớn, hay EPS và các chỉ số tài chính như ROA, ROE bị pha loãng sau đợt tăng vốn lên 400 tỷ đồng đầu năm 2014.

EPS pha loãng theo kế hoạch 2014 là 2.109 đồng/CP, P/E forward đạt 7 lần, thấp hơn trung bình ngành xây dựng. Cổ tức 2014 dự kiến trong khoảng 15%, tương đương mức lợi suất hơn 10%. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu SDT.

DHG: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG – sàn HOSE) cho biết, doanh thu thuần 6 tháng đạt 1.704 tỷ đồng (+10% so cùng kỳ năm 2013), hoàn thành 44% kế hoạch năm (3.880 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 339 tỷ đồng (+9% so cùng kỳ 2013), hoàn thành 49,4% kế hoạch năm (686 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 272 tỷ đồng (+12,4% so với năm 2013).

Về kế hoạch doanh thu năm 2014, chúng tôi ước tính DHG sẽ đạt 4.134 tỷ đồng (vượt 6,5% so với kế hoạch đề ra) nhờ 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm của ngành dược do nhu cầu thuốc tăng mạnh vì đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tại Việt Nam.

Về lợi nhuận trước thuế năm 2014: Chúng tôi ước tính DHG sẽ đạt 534 tỷ đồng (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2013, hoàn thành 100% kế hoạch năm) do không còn khoản lợi nhuận bất thường như năm 2013 (đến từ thương vụ chuyển nhượng Eugica trị giá 122 tỷ đồng). EPS 2014 ước đạt 6.127 đồng/cp.

Trao đổi với FPTS, đại diện DHG cho biết từ năm 2015, DHG sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% cho các sản phẩm sản xuất tại nhà máy mới (tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh tỉnh Hậu Giang, cách nhà máy cũ tại Cần Thơ 15km). Do đó, chúng tôi dự đoán lợi nhuận sau thuế của DHG sẽ có sự tăng trưởng đột biến trong năm 2015 (+38%). Tỷ trọng sản lượng từ các sản phẩm sản xuất tại nhà máy mới sẽ tăng dần từ mức 75% năm 2015 lên mức ổn định 80% từ năm 2016.

Chúng tôi tiến hành cập nhật định giá lần đầu (ngày 09/01/2014) cổ phiếu DHG theo phương pháp FCFF. Sau khi cập nhật lại mô hình định giá, chúng tôi nâng mức khuyến nghị từ THEO DÕI lên THÊM cổ phiếu này với giá mục tiêu 12 tháng tới (vào tháng 8/2015) là 111.000 đ/cp (+17,5%). Giá mục tiêu cho thời điểm cuối năm (31/12/2014) là 104.000 đ/cp (+10%).

>> Tải báo cáo

ANV: P/BV chỉ khoảng 0,4 lần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả doanh thu thực hiện 2014 dự kiến tăng nhẹ, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ, mặc dù khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Công ty đã đề ra kế hoạch hoạt động 2014 với mục tiêu 2.700 tỷ đồng doanh thu và 108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 5,5% về doanh thu và gấp gần 16 lần về mặt lợi nhuận so với kết quả thực hiện được trong năm 2013.

Kết thúc hai quý đầu năm, doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kì và hoàn thành 44,4% kế hoạch đề ra. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng chủ lực cá tra đóng góp khoảng 80% doanh thu với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 48 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kì năm trước.

Lợi nhuận trước thuế sau khoản dự phòng nợ khó đòi ước tính đạt 22 tỷ đồng, tăng 120% so với 6 tháng đầu năm 2013 và hoàn thành 20,4% kế hoạch năm nay.

Dự kiến khi hoạt động xuất khẩu thuỷ sản bước vào mùa cao điểm trong hai quý cuối năm, công ty có thể hoàn thành, thậm chí vượt mức kế hoạch doanh thu đề ra.

Tuy nhiên, khả năng hoàn thành mục tiêu 108 tỷ đồng lợi nhuận không được đánh giá cao mặc dù doanh thu và lợi nhuận được dự báo tăng trưởng tốt, do giá vốn sản xuất còn cao và Công ty phải tiếp tục trích dự phòng cho các khoản thu khó đòi.

Hoạt động sản xuất đã được cải thiện. Tính đến thời điểm hiện tại, quy trình hoạt động của công ty cơ bản đã khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản đến nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, phụ phẩm và xuất khẩu thuỷ sản. Trong đó, đáng chú ý:

- Vùng nuôi đảm bảo 70% nhu cầu nguyên liệu với giá nuôi tốt. Năng lực vùng nuôi cá tra hiện tại của công ty đạt 22 vùng với tổng diện tích 200 ha.

Sản lượng thu hoạch từ vùng nuôi có khả năng đáp ứng 70% tổng nhu cầu từ 300-350 tấn nguyên liệu/ngày của ba nhà máy hiện tại. Trong năm nay, công ty vẫn chưa có kế hoạch phát triển diện tích vùng nuôi nhưng với năng lực sản xuất dự kiến tăng lên mức 350-400 tấn/ngày trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy có thể được đáp ứng hoàn toàn bởi sản lượng thu hoạch từ vùng nuôi mà không cần thu mua bên ngoài.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã tiến hành đầu tư vùng nuôi cá rô phi với 2.000 vèo dọc hai bờ sông Hậu. Sản lượng khai thác hiện nay ước tính đạt 10 tấn/ha/vụ. Đây được xem là sản phẩm tiềm năng trong chiến lược đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu của công ty với giá bán và biên lợi nhuận ước tính cao hơn so với mặt hàng cá tra hiện nay.

Cùng với khả năng cung ứng nguyên liệu cao, giá nuôi thành phẩm tốt là một nhân tố tích cực giúp công ty gia tăng lợi nhuận.

Hiện chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành sản phẩm và biến động theo xu hướng giá các nguyên liệu đầu vào như bột cá, khô đậu nành,…nhưng nhờ thức ăn thuỷ sản được cung cấp hoàn toàn từ nguồn cung nội bộ nên chi phí nuôi trồng tính chung ước tính vẫn thấp hơn khoảng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với chi phí nguyên liệu mua ngoài.

Với lợi thế giá thành nuôi tốt cộng với khả năng cung ứng nguyên liệu tăng cao, dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ có sự tăng trưởng tốt trong hai quý tiếp theo.

- Nhà máy phụ phẩm của công ty hiện đang hoạt động 60% công suất thiết kế, với nhu cầu phế phẩm đầu vào khoảng 150 tấn/ngày. Thành phần phụ phẩm hiện nay bao gồm bột cá, dầu cá, bong bóng và bao tử cá. Trong đó, đa số sản lượng phụ phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa và một lượng nhỏ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan.

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu đạt được từ mảng sảng phẩm này đóng góp hơn 100 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% tổng doanh thu. Ước tính sản lượng phụ phẩm trong hai quý tiếp theo tăng 5% so với giai đoạn đầu năm nhờ sản lượng thuỷ sản chế biến gia tăng.

- Cơ cấu thị trường xuất khẩu ổn định. Do có khó khăn về thuế chống bán phá giá, lệnh tạm ngưng nhập khẩu và khả năng thanh toán kém, xuất khẩu thuỷ sản của công ty sang các thị trường lớn và nhiều rủi ro như Mỹ, Nga, Ucraina hiện đang ở mức hạn chế.

Thay vào đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu của công ty đang dần ổn định và đa dạng hơn tại khu vực Nam Mỹ, châu Á, châu Âu với tỷ trọng đóng góp doanh thu lần lượt ở mức 35%, 16% và 7%. Dự kiến, bên cạnh mục tiêu tìm kiếm thị trường mới, cơ cấu xuất khẩu sang các thị trường chủ lực tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Dự án nhà máy phân bón DAP dự kiến hoàn thành và đưa vào sản xuất thử trong quý 4/2014. Đây là dự án thuộc CTCP DAP số 2 – Vinachem trong đó CTCP Nam Việt đóng góp 40,5% vốn điều lệ.

Theo công suất thiết kế, nhà máy có thể sản xuất 330.000 tấn phân bón DAP mỗi năm, đóng góp 50% tổng nguồn cung DAP của cả nước.

Nguyên liệu sản xuất đầu vào được sử dụng từ quặng apatit mua từ Nhà máy tuyển Tằng Loỏng và nguồn lưu huỳnh, amoniac nhập khẩu từ nước ngoài. Khả năng tiêu thụ sản phẩm DAP được đánh giá cao khi tổng sản lượng sản xuất cả nước dự kiến sau khi nhà máy hoạt động cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức thuế suất nhập khẩu từ 3% lên 6% đối với sản phẩm phân Ure và DAP, giúp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện phát triển

cho các doanh nghiệp phân bón nội địa trong thời gian sắp tới. Giá bán phân bón DAP dự báo gia tăng do giá nguyên liệu lưu huỳnh điều chỉnh tăng tại một số khu vực cộng với nhu cầu DAP tăng cao, đặc biệt tại Ấn Độ, Brazil và Mỹ trong khi nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc hiện đang cắt giảm sản xuất nhằm tiêu thụ lượng hàng tồn kho và ngăn giá bán DAP giảm sâu.

Nhìn chung, mặc dù kết quả kinh doanh của ANV khó đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra của năm 2014 nhưng chúng tôi kỳ vọng vào những cải thiện tốt hơn từ năm 2015 trở đi dựa trên cơ sở:

(1) vùng nuôi đã tự đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu và giá thành nuôi tốt giúp công ty vừa ổn định được đầu vào vừa có thể có được giá bán cạnh tranh hơn

(2) mở rộng thêm sản phẩm cá rô phi có tiềm năng tăng trưởng tốt

(3) nhà máy phân bón DAP bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay dự báo góp phần đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận công ty trong những năm tiếp theo. Với cổ tức kế hoạch khoảng 9% tương ứng

suất cổ tức 9,4% cũng như chỉ tiêu P/BV của ANV chỉ khoảng 0,4 lần, chúng tôi đánh giá ANV là một cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh hoạt động của Công ty đang có những chuyển biến tích cực sau một thời gian khó khăn.

VNM: PE kỳ vọng 2014 là 18,2 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

VNM vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất bán niên soát xét 2014. Theo đó doanh thu hợp 6 tháng đầu năm 2014 nhất tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 16.910,5 tỷ đồng, trong đó giá bán bình quân tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận ròng giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái còn 2.962,8 tỷ đồng chủ yếu do tỷ lệ chi phí bán hang và quản lý/doanh thu tăng từ 11,8% trong 6 tháng đầu năm 2013 lên 13,9% trong 6 tháng đầu năm 2014 và tỷ suất lợi nhuận biên gộp giảm mạnh 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận biên gộp quý II/2014 (34,3%) vẫn cao hơn so với quý I/2014 (33,4%) và quý IV/2013 (32,7%). Vinamilk sẽ chốt quyền chi tạm ứng cổ tức 2014 là 2000đ và chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 5:1 vào ngày 15/8/2014.

Lợi nhuận ròng sụt giảm do giá sữa nguyên liệu đầu vào cao (VNM có độ trễ từ 30-45 ngày về giá sữa nguyên liệu) và VNM chi khá nhiều chi phí cho hoạt động bán hàng và marketing để giữ thị phần. Mặc dù chúng tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận 2014 giảm là hợp lý.

Tuy vậy, VNM vẫn có tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn khi sức mua tăng trở lại nhờ tăng công suất và giá sữa nguyên liệu trên thế giới đang giảm mạnh (-37% so với đầu năm). Cổ phiếu VNM đang được giao dịch ở mức PE kỳ vọng 2014 là 18,2 lần, khá hấp dẫn so với 25,6 lần của bình quân các công ty cùng ngành trong khu vực.

VSC: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Container Việt Nam (VSC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT 6 tháng đầu năm 2014, gồm những nội dung chính sau:

Thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 437,1 và 137,5 tỷ đồng, tăng 20,2% và 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 55,7% và 57,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Theo chúng tôi, kết quả kinh doanh của VSC tốt trong 6 tháng đầu năm 2014 chủ yếu nhờ 2 trung tâm Logistics mới đi vào hoạt động lần lượt trong tháng 8/2013 và tháng 1/2014. Đây là một trong những hệ thống kho bãi hiện đại nhất Miền Bắc. VSC ước tính trung tâm sẽ hoạt động khoảng 80% công suất và đóng góp khoảng 15% tổng lợi nhuận cho 2014. Ngoài ra, cảng Green port cũng đã được nâng cấp thêm, mở rộng bãi chứa container,... nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho VSC.

HĐQT đặt mục tiêu vượt 9% và 6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014 đã được ĐHCĐ thường niên thông qua. Như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi đánh giá kế hoạch 785 tỷ doanh thu (-1% so với năm ngoái) và 240 tỷ lợi nhuận trước thuế (-21% so với năm ngoái) mà VSC đặt ra cho năm 2014 là khá thận trọng.

Như vậy, mục tiêu mới cho doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay của VSC sẽ là 856 và 254 tỷ đồng, sát hơn với dự báo của chúng tôi (861 và 313 tỷ đồng). Lưu ý thêm là VSC vẫn thường thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh. Thống kê 3 năm gần nhất (từ 2011-2013) cho thấy kết quả doanh thu thực hiện hàng năm đều cao hơn so với kế hoạch khoảng 17-21%, lợi nhuận cũng cao hơn chỉ tiêu đặt ra bình quân khoảng 35%.

Kế hoạch đầu tư: tiếp tục đàm phán đầu tư dự án cảng ở khu vực Đình Vũ - Hải Phòng và đầu tư mua cổ phần của Cảng Đà Nẵng. Cảng Green port (cảng duy nhất do VSC sở hữu 100%) gần như đã hoạt động ở mức toàn dụng. Do vậy, VSC đang tập trung vào chiến lược mở rộng.

Ngoài việc đầu tư cổ phần vào các cảng khác như PTSC Đình Vũ, cảng Đà Nẵng,... công ty còn dự kiến đầu tư xây dựng 1 cảng container mới tại khu vực Đình Vũ. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn trong quá trình chuẩn bị, VSC còn đang cân nhắc các phương án.

Theo chúng tôi, cảng Container Đình Vũ VIPCO có thể là một trong những phương án khả thi trong kế hoạch của VSC. Được biết, cuối năm 2013, CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi dự án cảng Hoá dầu thành cảng Container Đình Vũ VIPCO và hiện đang xem xét phương án đầu tư tiếp theo cho cảng này.

Theo đó, hoặc VIP sẽ bán toàn bộ dự án hoặc thành lập CTCP. Nhắc lại là trong 2013, VIP cũng đã chuyển nhượng lại 30% vốn tại cảng Nam Hải-Đình Vũ cho GMD, giúp GMD nâng tỷ lệ sở hữu từ 55% lên 85% như hiện nay.

VSC đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 8x, thấp hơn bình quân ngành khoảng 9x. Ngoài ra, một nền tảng tài chính tốt, ROE luôn duy trì quanh mức 30% và không có nợ vay cũng là điểm cộng của VSC. Duy trì khuyến nghị Mua với giá mục tiêu 64.300 đồng.

PVC: P/B đang được giao dịch hợp lý 1,3x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2014  tăng đột biến. Chúng tôi ước tính Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014  hợp nhất tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2112 tỷ đồng (60,3% kế hoạch năm).

Lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng (104% kế hoạch năm), tăng 148% so với cùng kỳ 2013. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu là do đóng góp của 2 công ty con có kết quả kinh doanh rất ấn tượng của PVC là M-I Việt Nam (PVC sở hữu 51%) và DMC – WS (PVC sở hữu 100%).

Trong đó, DMC –WS có kết quả hoạt động ấn tượng. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 527 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 40,7 tỉ đồng. PVC cho biết đột biến là do cung cấp dịch vụ xử lý sự cố tại các giếng của PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam) và PVEP POC (Công ty con của PVEP) (phát sinh hơn 110 tỷ đồng). Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm DMC- S cũng đã triển khai 01 hợp đồng cung cấp hóa chất khai thác cho PCV với DT đạt 18 tỷ đồng.

Công ty M-I Việt Nam duy trì tốt hoạt động. M-I Việt Nam cung cấp DV cho các nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước 6 tháng đầu năm với doanh thu ước đạt 920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 181,4 tỷ đồng (102% kế hoạch năm).

Khả năng vượt kế hoạch 2014 khá tốt. Hội đồng quản trị PVC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2014 khá thận trọng lần lượt là 3.500 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, giảm 3,2% và giảm 14,7% so với thực hiện năm 2013.

Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2014  ước tính đã đạt 104% kế hoạch cả năm, chúng tôi cho rằng PVC hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch kinh doanh 2014, trong bối cảnh ngành khoan dầu khí trong nước khá triển vọng trong năm 2014.

Tiềm năng tăng trưởng từ các dự án. Nhà máy hóa phẩm dầu khí Cái Mép đi vào hoạt động kể từ 2013 với công suất thiết kế là 15.000 tấn XMG, 20.000 tấn Bentonite, 8.000 tấn Silica và 3.600m2 kho thương mại.

PVC cho biết hiện nhà máy này đã vận hành ổn định ở 20% công suất và bắt đầu tiêu thụ sản phẩm trong 2014. Ngoài ra, dự án Căn cứ cung ứng dịch vụ của DMC tại cảng Vietsovpetro (VSP) có Tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành công tác nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 23/4/2014. PVC cho biết đây là dự án trọng điểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trọn gói.

Định giá hợp lý. Cổ phiếu PVC đã tăng gần 72% so với mức đáy tháng 5, chúng tôi cho răng giá cổ phiếu tăng đã phản ảnh kết quả kinh doanh tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014. PVC đang được giao dịch hợp lý tại P/B là 1,3x so với TB ngành 1,6x.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục