Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/8

HAP: Xem xét đầu tư vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Tập đoàn Hapaco (HAP – sàn HOSE) đặt kế hoạch năm 2015 với chỉ tiêu tổng doanh thu 517 tỷ (+23% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế 60 tỷ (+69% so với năm ngoái). Kế hoạch cổ tức 2015 bằng với 2014 là 10% (5% tiền, 5% cổ phiếu) tương ứng tỷ suất cổ tức 14%.

BVSC cho rằng, kế hoạch trả cổ tức 2015 của HAP là khả thi dựa trên lợi nhuận đã đạt được và số dư tiền gửi lớn của công ty. Ngoài ra, sau khi đã thanh toán 5% cổ tức 2014 bằng tiền mặt, HAP vẫn còn 5% cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014 chưa chốt quyền.

Quý I/2015, Hapaco đạt doanh thu 83 tỷ (+4% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ (+ 614% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi hoạt động sản xuất giấy duy trì ổn định, tăng trưởng lợi nhuận đạt được chủ yếu nhờ khoản lãi tài chính 17 tỷ (+160% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 15 tỷ từ hợp đồng mua cổ phần và hợp tác đầu tư tại KCN Hải Phòng.

Đại diện công ty cho biết trong quý 2/2015 công ty tiếp tục hạch toán lãi tài chính từ hợp đồng này và lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2015 sẽ đạt xấp xỉ cả năm 2014 (28 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái).

Với KQKD 2 quý đầu năm tăng trưởng ấn tượng, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch 2015 của HAP. Với lợi nhuận trước thuế 2015 dự báo đạt 60 tỷ (trong đó dự báo đóng góp từ hoạt động tài chính đạt 40 tỷ, từ sản xuất giấy đạt 20 tỷ), P/E forward 2015 của HAP dự kiến ở mức 4,9 lần, tương đối hấp dẫn để đầu tư.

Chúng tôi đánh giá việc lấn sân sang hoạt động y tế là bước chuyển hợp lý của HAP nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh ngành giấy dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu HAP ở xung quanh mức giá hiện tại.

PVD: Cổ phiếu cơ bản tốt trong dài hạn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) đã công bố Báo cáo tài chính Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 của PVD đạt 8.253 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá cho thuê giàn khoan bình quân trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi số ngày hoạt động của giàn khoan ít hơn do giàn khoan PV DRILLING I & III thực hiện bảo trì nhỏ theo kế hoạch (UWILD) trong tháng 3 và tháng 5/15.

Ngoài ra, mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan giảm đơn giá từ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái và khối lư ợng công việc giảm từ 10% so với cùng kỳ năm ngoái đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp mở rộng từ 21,3% từ 6 tháng đầu năm 2014 lên 23,3% trong 6 tháng đầu năm 2015. Chúng tôi cho rằng, biên lợi nhuận cải thiện là do số giàn khoan thuê ngoài (có biên lợi nhuận thấp từ 1-2%) bình quân giảm trong 6 tháng đầu năm nay làm cải thiện biên lợi nhuận gộp của công ty.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái khi loại trừ lợi nhuận từ liên doanh. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ giảm 23,8% so với cùng kỳ còn 1011 tỷ đồng, nhanh hơn mức giảm của doanh thu là do:

1) Chi phí hoạt động giảm chậm hơn doanh thu làm cho tỷ lệ Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng từ 5,3% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2015;

2) PVD ghi nhận lợi nhuận 123 tỷ từ liên doanh PVD Baker Hughes trong 6 tháng đầu năm 2014. Nếu loại trừ khoản này thì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cần lưu ý rằng, lợi nhuận của PVD đã tăng trưởng rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2014 lúc thị trường khoan khá sôi động.

PVD đang giao dịch tại P/E là 7,8 lần. PVD là cổ phiếu có cơ bản tốt trong dài hạn khi tính đến tiềm năng tăng trưởng từ dự án lô B Ô Môn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá cổ phiếu PVD có thể gặp áp lực do triển vọng giá dầu kém khả quan làm ảnh hưởng đến tiến độ các chiến dịch khoan và triển vọng giá cho thuê giàn khoan trong khu vực.

VGS: PE thấp hơn trung bình ngành, kỳ vọng khoảng 9,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) tăng trần trong phiên giao dịch hôm nay (04/08/2015), đóng cửa ở mức 5.700 đồng/cp (+9,6%) nhờ thông tin kết quả lợi nhuận sau thuế quý II/2015 tích cực với mức tăng 102% cùng kỳ năm trước, so với mức giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái của lợi nhuận sau thuế Q1/15.

Doanh thu thuần quý II/2015 tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 892,6 tỷ đồng. Nhờ đó, thị phần ống thép của công ty cũng được cải thiện đáng kể trong năm nay.

Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 5/2016, VGS chiếm hơn 7,8%, so với mức 5,9% của cùng kỳ năm trước. VGS đang xếp thứ 5 về doanh thu trong mảng ống thép, sau HPG (21,4%), HSG (19,4%), SeAH VN (11,4%) và Minh Ngọc (9,4%).

Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái , đạt 15,5 tỷ đồng. VGS phải nhập khẩu toàn bộ nhu cầu nguyên liệu để sản xuất và thời gian hàng nhập thường mất từ 2-3 tháng mới về tới kho.

Trong khi đó, giá thép thế giới đã giảm mạnh trong quý IV/2014 và quý I/2015 kéo theo giá thép trong nước giảm. Do vậy, biên lợi nhuận gộp quý I/2015 giảm mạnh xuống mức 3%, so với mức 5,2% của quý I/2014. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I/2015 giảm mạnh 85% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ diễn biến giá thép ổn định hơn trong quý II/2015, thậm chí bắt đầu tăng nhẹ trở lại từ tháng 5/2015, biên lợi nhuận gộp của VGS đã cải thiện trở lại mức 5,2% trong quý II/2015, so với mức 4,3% của cùng kỳ.

Theo đó, VGS đạt được kết quả lợi nhuận tích cực hơn trong quý II/2015. Ngoài ra, lợi nhuận quý II/2015 tăng trưởng tốt hơn doanh thu còn nhờ thuế suất thuế TNDN giảm so với cùng kỳ.

Năm 2015, VGS đặt kế hoạch 2.200 tỷ doanh thu (-19% so với năm ngoái) và 20 tỷ lợi nhuận sau thuế (-6% so với năm ngoái). Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 là 1.667 tỷ doanh thu (+44,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 16,5 tỷ lợi nhuận sau thuế (+13,5% so với cùng kỳ năm ngoái), VGS đã hoàn thành được gần 76% và 83% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Chúng tôi kỳ vọng ít nhất VGS sẽ đạt được mức lợi nhuận sau thuế 2015 tương đương năm trước, khoảng 21,4 tỷ đồng. Theo đó, EPS ước đạt gần 600 đồng/cp, tương đương với mức PE đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 9,6 lần, thấp hơn bình quân ngành 10-11 lần.

Tuy nhiên, các công ty đầu ngành như HPG, HSG hiện chỉ đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng hơn 8 lần. Cũng cần lưu ý thêm rủi ro giảm giá thép thế giới khi thị trường hàng hoá này nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.

ANV: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu thuần quý II/2015 của CTCP Nam Việt (NAV – sàn HOSE) tăng 2,06% so với quý I/2014, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2014 do tình hình khó khăn chung của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và của CTCP Nam Việt nói riêng. Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2015 ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Với kết quả này ANV chỉ hoàn thành được 37,2% kế hoạch về doanh thu và 45,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế mà công ty đã đặt ra trong năm 2015 do sự mất giá của đồng EUR. Trong khi đó ANV nhận thanh toán bằng USD dẫn đến việc gia tăng chi phí nhập khẩu tại các nước châu Âu và làm giảm nhu cầu nhập khẩu của họ.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015: đạt 47,6 triệu USD, tương ứng với sản lượng xuất khẩu là 20.997 tấn. Về mặt cơ cấu các thị trường xuất khẩu có sự thay đổi lớn khi châu Á chiếm 26% giá trị xuất khẩu (con số này là 20% trong năm 2014).

Châu Mỹ và châu Âu tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của ANV với kim ngạch xuất khẩu chiếm lần lượt là 36% và 20%. Các nước xuất khẩu lớn của ANV có thể kể đến là Thái Lan, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Colombia,…

Kế hoạch thoái vốn khỏi CTCP DAP số 2 – Vinachem (DAP số 2): ANV tiến hành đầu tư vào DAP số 2 từ năm 2009 với tổng số vốn đầu tư lên đến 607,5 tỷ đồng, tương đương 40.5% vốn điều lệ của DAP số 2. Công ty hiện đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại DAP số 2 và dự tính sử dụng số tiền thu được để mở rộng vùng nuôi hoặc tái cơ cấu lại các khoản vay của mình. Mặc khác, trong năm 2015 công ty ước tính sẽ ghi nhận khoảng lỗ 40 tỷ từ DAP số 2 vào khoản mục lỗ trong công ty liên doanh, liên kết.

Nhận định:

Hoạt động kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm 2015 có thể sẽ có sự cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2015 ước đạt 12 triệu USD. Đồng thời, giá cá tra có thể tăng nhẹ trở lại và công ty cũng đã mở rộng vùng nuôi cá tra của mình lên 250 ha, vì vậy chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của ANV trong năm 2015 vào khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên triển vọng đầu tư vào ANV vẫn chưa khả quan nên chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cho ANV trong ngắn hạn.

SAV: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Kết quả kinh doanh quý II/2015 công ty mẹ CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu 123 tỷ, tăng 8% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế đạt -7 tỷ đồng, so với -13,4 tỷ.

Kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 doanh thu đạt được 234 tỷ, tăng 4% so với cùng kì, và lợi nhuận sau thuế vẫn tiếp tục âm, ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp SAV kinh doanh không có lãi.

Nhìn chung với tình hình hoạt động nửa đầu năm như hiện tại, SAV khó có thể hoàn thành kế hoạch đặt ra vào năm 2015, khi các đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu vẫn chưa hồi phục.

Kết quả kinh doanh của SAV đã có sự chuyển biến ở nửa đầu năm 2015, tuy nhiên gánh nặng chi phí nguyên liệu và tình hình kinh doanh khó khăn do mức cầu suy giảm từ Nhật Bản vẫn đang tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Tình hình các mảng kinh doanh chính:

Mảng kinh doanh đồ gỗ, vẫn gặp khó khăn từ thị trường nhập khẩu của Nhật: Thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của SAV(ngoài ra còn có Mỹ và EU), trong những năm gần đây, thị trường này gặp khó khăn về việc tiêu thụ do chính sách tăng thuế tiêu dùng, công ty không có đủ các đơn hàng, giá vốn sản xuất của các đơn hàng lại tăng cao. SAV đang nỗ lực mở rộng hoạt động ra các thị trường khác tiềm năng như Mỹ và Hàn Quốc để đa dạng hóa cơ cấu doanh thu.

Mảng kinh doanh bất động sản: SAV có quỹ đất lớn 6 ha tại quận 12 và thủ Đức. SAV có thể có điều kiện thuận lợi khi phát triển các dự án xây tuyến Metro tại đây, tuy nhiên trong ngắn hạn thì việc xây dựng này vẫn chưa khả quan. Hiện tại 40% dự án Phú Mỹ (Quận 7) sẽ được ghi nhận doanh thu 72 tỷ trong năm 2015, lợi nhuận chưa được công ty ước tính cụ thể, tuy nhiên không lớn do chi phí lãi vay và các chi phí liên quan đến dự án tương đối cao.

Ngoài dự án Phú Mỹ, đối với quỹ đất ở quận 12 và Thủ Đức, SAV chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể cho các quỹ đất này. Trụ sở chính của công ty ở đường Nguyễn Công Trứ (thuộc sở hữu công ty) hiện đang được cho thuê theo hợp đồng hằng năm, công ty cho biết hợp đồng cho thuê sẽ được làm mới mỗi năm và chưa có kế hoạch chuyển nhượng.

Mảng kinh doanh bao bì, thùng carton: Chủ yếu phục vụ cho nhu cầu hoạt động nội bộ nên tăng trưởng không mạnh.

Cổ tức: SAV cho biết sẽ không phân phối lợi nhuận vào năm 2015 do vẫn còn khoản lỗ lũy kế, thay vào đó sẽ phát hành cổ phiếu thưởng 6% dựa trên nguồn thặng dư cổ phần cuối 2014.

Nhận định: Tình hình hoạt động của SAV đã có dấu hiệu đi xuống kể từ năm 2009, khi tình hình hoạt động kinh doanh của công ty gặp khó khăn do:

1)Các khoản chi phí tăng mạnh, trong đó chủ yếu là chi phí nguyên liệu, ngoài ra còn có chi phí nhân công;

2)Hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi sự giảm phát của thị trường tiêu thụ Nhật Bản;

3) bất động sản bị đóng băng trong thời gian gần đây. Đến thời điểm hiện tại, quá trình tái cơ cấu của SAV vẫn chưa thực sự tích cực khi kết quả kinh doanh vẫn chưa có lãi. Điểm nhấn của SAV là việc E-Land tham gia vào việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty, tuy nhiên tác động của E-Land vẫn chưa thực sự rõ nét. Em khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu SAV.

NLG: Khuyến nghị tích cực

CTCK FPT (FPTS)

Trong 3 năm gần đây, NLG thường lỗ liên tục 3 quý đầu năm và bù lại hoàn toàn nhờ quý OV. Sang năm 2015 này, vượt khỏi quy tắc đó, NLG ghi nhận KQKD 6 tháng đầu năm rất ấn tượng như bảng trên. Mặc dù chỉ mới hoàn thành lần lượt 28% & 34% kế hoạch về doanh thu thuần & lợi nhuận sau thuế nhưng đây chỉ là bước khởi đầu bởi công ty sẽ ghi nhận nhiều hơn doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm.

Biên lợi nhuận gộp cải thiện khi tăng từ mức 27% (6 tháng đầu năm 2014) lên 34% (6 tháng đầu năm 2015) nhờ giá bán ở  Ehome 5 tốt hơn so với Ehome 3 & 4.

Đóng góp tới 82% doanh thu, các sản phẩm căn hộ  mang lại cho NLG đến 337 tỷ  trong 6 tháng đầu năm. Được biết, công ty đã hạch toán gần như hết toàn bộ căn hộ Block B (Ehome 5) trong 6 tháng đầu và sẽ ghi nhận Block A (có giá bán cao hơn Block B từ 5 – 10%) cho 6 tháng cuối 2015.

Ngày 27/07/2015, NLG phát hành riêng lẻ thành công 7.100.000 cp cho Ibeworth PTE Ltd (do Keppel Land Ltd sở hữu 100%) với giá 19.800 đ/cp. Như vậy, Keppel Land đã trở thành cổ đông lớn của NLG với tỷ lệ sở hữu 5,02%.

Đợt phát hành này nằm trong kế hoạch phát hành tổng cộng 15 triệu cp đã được thông qua của NLG. Được biết, phần còn lại (7,9 triệu cp) sẽ được hủy bỏ không phát hành nữa. Thêm vào đó, sau đợt phát hành này tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại NLG chính thức tiến sát mức trần 49%. Qua trao đổi với đại diện phía NLG, hiện tại BLĐ công ty chưa có ý định nâng room cho khối ngoại. Tỷ lệ nợ vay của NLG cũng khá thấp so với các doanh nghiệp BĐS khác nên công ty ưu tiên sẽ sử dụng nợ vay trong thời gian tới thay vì huy động vốn cổ phần.

Kết quả hợp tác này một lần nữa khẳng định uy tín và sự tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế đối với NLG. Chúng tôi kỳ  vọng rằng sự  hợp tác chiến lược này sẽ  tạo  nên lợi ích cộng hưởng cho cả  NLG và Keppel Land, vốn là 2 “thế lực lớn” trong ngành BĐS Việt Nam.

Cơ sở của sự cộng hưởng này chính là hiệu quả từ  việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, chuyển giao kinh nghiệm phát triển, am hiểu thị  trường và công nghệ xây dựng mà 2 công ty có thể chia sẻ cho nhau.

NLG với 20 năm kinh nghiệm, tổng tài sản hơn 3.900 tỷ và sở hữu quỹ đất 567 héc-ta chuyên môn hóa vào phân khúc nhà  ở bình dân. Keppel Land là một trong những công ty BĐS hàng đầu Châu Á, có danh mục đầu tư đa dạng tại  Hà Nội & TPHCM chuyên môn hóa vào phân khúc trung – cao cấp (hiện có 19 dự án được cấp phép với định hướng phát triển 22.000 ngôi nhà tại Việt Nam).

Với KQKD tích cực như trên, chúng tôi cho rằng NLG hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành kế  hoạch kinh doanh 2015. Triển vọng kinh doanh 2015: TÍCH CỰC

LIG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS)

Trong năm 2015, công ty đã trúng thầu thi công kết cấu phần thân Tòa nhà CT02 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên bệnh viện 103. Tòa CT02 Học Viên Quân Y được thiết kế gồm 3 tầng hầm, 25 tầng nổi với diện tích sàn 2.300 m2. Tổng giá trị thực hiện  dự án là 123 tỷ đồng, thời gian thi công 1 năm. Việc trúng gói thầu này góp phần đảo bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2015.

LIG hiện đang sở hữu một lô đất rộng 1.8 ha tại khu công nghiệp Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời hạn sử dụng đất đến 11/06/2053. Hạ tầng trên đất bao gồm: Nhà điều hành(1302 m2), nhà xưởng, hệ thống sân vườn, hệ thống đường giao thông nội bộ cùng với các công trình phụ trợ. Công ty dự kiến sẽ bán lô đất này trong năm 2015. Doanh thu dự kiến khoảng 27 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 12 tỷ đồng.

Quý I/2015, Kết quả sản xuất kinh doanh khởi sắc với doanh thu hợp nhất đạt 381,2 tỷ đồng tương đương với 28% kế hoạch năm và tăng 42% so với cùng kì, lợi nhuận trước thuế đạt 9,25 tỷ đồng tương đương 26% kế hoạch năm và tăng 6 lần so với cùng kì.

Năm 2015, LIG đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1367 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 48 tỷ đồng. Vừa qua chúng tôi có chuyến đi thăm doanh nghiệp, được biết lũy kế 6 tháng đầu năm LIG hoàn thành được 47% kế hoạch doanh thu tương đương với 650 tỷ đồng và 18 tỷ lợi nhuận trước thuế. Chúng tôi đánh giá LIG nhiều khả năng sẽ đạt kế hoạch đề ra nhờ hoạt động xây lắp ổn định và lợi nhuận từ việc bán lô đất tại KCN Quang Minh.

Chúng tôi lạc quan vào kết quả kinh doanh của Licogi13 trong năm 2015 với dự báo doanh thu đạt 1.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng tương đương với EPS là 2080 đồng/cp.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Licogi 13 với mức định giá trên cơ sở thận trọng 17.000 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá ~ 48 % so với giá 11.500 đồng/cp ngày 05/08/2015.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục