Khuyến nghị tích cực cổ phiếu VHC
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) nhận chuyển nhượng 100% vốn tại thủy sản Thanh Bình là bước đi để hiện thực hóa kế hoạch tăng thêm 20% năng lực sản xuất cho năm 2017 và cũng là tiền đề cho các năm tiếp theo.
Công ty Thanh Bình Đồng Tháp đang sở hữu nhà máy diện tích lớn với 2 nhà xưởng có thể đầu tư nâng công suấtlên tới 400 tấn nguyên liệu/ngày và kho lạnh có thể chứa 5,000 tấn. Hiện tại công ty đang hoạt động 1 xưởng với công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 nhà máy sẽ đạt công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày và đến năm 2018 sau khi hoàn thiên đầu tư xưởng chế biến thứ 2 tại nhà máy Thanh Bình tổng công suất sẽ đạt 300 tấn nguyên liệu/ngày. Đến năm 2018, tổng năng lực sản xuất của VHC là 1.000 tấn nguyên liệu/ngày tăng thêm 11% so với cuối năm 2017.
Doanh thu dự phóng cho năm 2017 của VHC là 8.078 tỷ, tăng 10,6% so với 2016. Trong đó, tăng trưởng sản lượng chủ yếu đến từ các thị trường mới, thị trường Mỹ sẽ giữ nguyên sản lượng. Dù năng suất đã được tăng thêm tuy nhiên do cần thời gian cho ổn định sản xuất nhà máy mới nên doanh thu của năm nay dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 11%. Mức tăng này bao gồm cả việc tăng giá bán và tăng sản lượng đến các thị trường mới như Trung Quốc, Nhật.
Gần đây, tín hiệu xuất khẩu đi thị trường các nước Châu Á tăng trưởng khả quan, đặc biệt là thị trường Trung Quốc – Hồng Kong. Theo dự báo, kim ngạch xuất đi thị trường này trong 2017 sẽ thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đi Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tăng 137%. Sản lượng xuất khẩu trực tiếp không qua các công ty thương mại tại thị trường Trung Quốc gần đây đang tăng và dần chiếm ưu thế so với lượng xuất cho các công ty thương mại cho thấy khả năng tiếp cận thị trường của VHC khá tốt. Dự kiến thị trường này tiếp tục sẽ tăng trưởng tích cực cho năm 2017.
Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu từ cuối năm 2016 được dự đoán sẽ kéo dài hết năm 2017 do đó giá nguyên liệu cũng sẽ giữ ở mức cao trong suốt năm. Dù việc một phần việc tăng giá nguyên liệu sẽ được chuyển sang giá bán và Vĩnh Hoàn có lợi thế tự chủ được 65% sản lượng nguyên liệu đầu vào nhưng chi phí nguyên liệu vẫn tăng so với 2016. Theo đó, lợi nhuận sau thuế dự phóng chỉ tăng 5.2% đạt 583 tỷ đồng, EPS 2017 là 6,311 đồng/cp.
Năm 2017, giá bán và nhu cầu tại các thị trường châu Á tăng là hai thuận lợi đối với ngành cá tra xuất khẩu tuy nhiên những thách thức ngành vẫn còn rất nhiều. Dự luật thanh tra cá da trơn vẫn có khả năng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá sang Mỹ, hình ảnh cá tra lại bị bôi xấu tại thị trường châu Âu và tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước là các thách thức doanh nghiệp ngành cá đang phải đối mặt.
Là một doanh nghiệp đầu ngành, Vĩnh Hoàn với khả năng tự cung nguyên liệu có thể hạn chế được tình trang thiếu nguyên liệu và thị trường châu Á cũng đang là thị trường mà Công ty chú trọng. Nhưng Mỹ và Châu Âu vẫn là hai thị trường lớn của Công ty nên chắc chắn Vĩnh Hoàn sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2017. Điều này đã và đang được phản ánh bởi chuỗi giảm giá cổ phiếu của VHC từ đầu năm đến nay.
Ở mức giá hiện tại, PE forward là 7,4x, khá hấp dẫn cho 1 cổ phiếu đầu ngành. Tuy nhiên trong ngắn hạn, do thiếu những thông tin hỗ trợ tích cực, nhà đầu tư cần kiên nhẫn và xem xét tích lũy cổ phiếu tại vùng giá 45.000 ~ 47.000 đồng/cp. Với mục tiêu PE 9x, giá VHC theo phương pháp so sánh PE là 56.500 đồng/cp, cùng với giá cổ phiếu theo phương pháp DCF là 57.800 đồng/cp, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VHC.
Giá mục tiêu của cổ phiếu LCG là 7.500-8.000 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2016, doanh thu xây lắp của Công ty cổ phần LICOGI 16 (mã LCG) đạt 718 tỷ, giảm 27% so với năm trước nhưng được bù đắp bởi doanh thu bất động sản từ dự án Hiệp Thành quận 12. Việc sụt giảm trong hoạt động xây lắp được giải thích do tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch và danh mục dự án triển khai còn hạn chế. Biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp quá thấp, chỉ ở mức bình quân 5,5% cho năm 2016.
Theo lý giải, các công trình xây lắp điện hoặc xây dựng quy mô nhỏ (chiếm khoảng 30%) thường LCG nhận thầu và chuyển giao lại cho công ty liên kết triển khai nên biên lợi nhuận thấp (2-3%). Mặc dù vậy, LCG kịp ghi nhận doanh thu từ dự án Hiệp Thành, quận với giá trị 389 tỷ, tương đương 60% doanh thu phần thấp tầng. Biên lợi nhuận ghi nhận là 26,8%. Kết quả là, lợi nhuận gộp đạt 153 tỷ, tăng 121% so với năm 2015.
Năm 2016, Công ty đã chuyển nhượng khu đất dự án Nam An với giá trị 54,5 tỷ (giá sổ sách 57 tỷ). Đối với dự án Phú Hội, HĐQT cũng sẽ chuyển nhượng 30% cổ phần dự án. Hiện tại, LCG ra Nghị quyết HDQT về việc chuyển nhượng với mục tiêu không thấp hơn giá trị đầu tư là 303 tỷ đồng.
Bên cạnh bất động sản, LCG đã thanh lý một số tài sản như dây chuyền của Bản Chát… Động thái quyết liệt này phần nào mang lại nguồn tiền hỗ trợ cho kinh doanh, giảm nợ vay trong 2016. Năm 2017, kế hoạch chuyển nhượng Phú Hội là điểm nhấn đối với hoạt động của LCG.
Lợi nhuận sau thuế 2016 đạt 67,8 tỷ, mức cao nhất trong 5 năm qua, tương đương EPS 889 đồng/cp. Kết quả này như đề cập, đóng góp chủ yếu từ doanh thu của dự án Hiệp Thành trong quý IV/2016 với lợi nhuận gộp là 104 tỷ. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh công ty liên kết có lãi 1,7 tỷ (lỗ 11 tỷ năm 2015) và lợi nhuận từ hoạt động khác 16 tỷ (2015 lỗ 5,3 tỷ) cũng góp phần vào kết quả tích cực cả năm. Mặc dù vậy, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 40 tỷ lên 89 tỷ là điểm hạn chế.
Như vậy, với kết quả ghi nhận 2016, giá cổ phiếu LCG đã phản ánh tích cực với đợt tăng giá khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Hiện tại, LCG đang giao dịch với mức PE là 6,9x và PB ở mức 0,44x.
Mặt khác, chuyển nhượng 30% cổ phần Công ty Phú Hội mang lại dòng tiền để tái cơ cấu nợ vay, tập trung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư xây lắp. Đây là thông tin được kỳ vọng của LCG trong năm 2017. Các dự án bất động sản ở Nhơn Trạch chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn của LCG, tuy nhiên, thanh khoản thấp và chưa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Do đó, nếu chuyển nhượng thành công, LCG có thêm nguồn tiền để tập trung đầu tư dự án BOT cũng như cơ cấu giảm nợ vay, góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.
Công ty tập trung tìm kiếm đầu tư dự án BOT, BT có quy mô lớn đảm bảo nguồn việc ổn định và biên lợi nhuận tốt hơn. Các dự án LCG đang và sắp triển khai bao gồm dự án BT Bình Tiên với giá trị hợp đồng 700 tỷ,dự án nhà máy nước BOO Phú Ninh với giá trị 700 tỷ (LCG nắm 20%), BOO nhà máy nước Khu kinh tế Đông Nam Á (801 tỷ đồng, LCG nắm 30% vốn).
Ngoài ra, công ty đảm nhận thi công dự án căn hộ Kingsway Tower (300 tỷ) và chung cư Hiệp Thành (250 tỷ). Đối với dự án BOT 38 mà LCG nắm giữ 29%, dự án mang lại cho LCG giá trị hợp đồng thi công khoảng 478 tỷ (2015 – 2017) sẽ hoàn thành vào quý 1.2017. Công ty đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng 29% quyền thu phí tại dự án. Vốn góp ghi nhận tại cuối năm 2016 là 72,5 tỷ đồng.
Tình hình tài chính cải thiện đáng kể, dư nợ vay giảm và tiền mặt gia tăng. Đây là điểm nổi bật trong tài chính của LCG trong năm 2016 và kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong 2017 khi chuyển nhượng các dự án được thực hiện.
Tính đến 31/12/2016, dư nợ vay ngắn và dài hạn là 330 tỷ, giảm 110 tỷ so với 2015. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ và tổng tài sản cải thiện đáng kể khi lần lượt là 0,29 và 0,12 lần (2015 là 0,45 và 0,19). Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 226 tỷ đồng, tăng 200 tỷ so với cuối năm 2015.
Kế hoạch kinh doanh 2017 với lợi nhuận sau thuế 68 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện 2016. Nguyên nhân, doanh thu từ dự án Hiệp Thành chỉ còn 254 tỷ, so với 389 tỷ ghi nhận trong năm 2016. Do đó, LCG duy trì kết quả kinh doanh tương đương 2016 là điểm ghi nhận vì mảng kinh doanh xây lắp cần có thời gian để cải thiện biên lợi nhuận.
Theo đánh giá của chúng tôi, LCG vẫn có khả năng thực hiện kế hoạch này (1) Chuyển nhượng vốn trong dự án BOT 38 (2) Tiết giảm chi phí quản lý và bán hàng so với 2016. Trên cơ sở thận trọng, chúng tôi ước tính sơ bộ lợi nhuận sau thuế 2017 của LCG đạt 60 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch và EPS ghi nhận là 787 đồng/cp.
Chúng tôi đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2016 của Công ty bao gồm cơ cấu bán tài sản, kinh doanh hiệu quả dự án Hiệp Thành và tài chính cải thiện. Sang năm 2017, hoạt động của LCG có một số điểm nhấn như (1) chuyển nhượng vốn dự án Phú Hội và BOT 38 (2) công ty đang được UBCK xem xét đưa ra khỏi diện cảnh báo, theo đó, LCG có thể thực hiện chia cổ tức (3) kết quả kinh doanh 2017 duy trì ở mức tốt.
Với giá thị trường hiện tại, giá cổ phiếu LCG đang giao dịch PE và PB2017 là 7,7x và 0,44x. Trong đó, nếu việc chuyển nhượng dự án Phú Hội thực hiện thì mức PB forward 2017 cho LCG ở mức 0,44x là hấp dẫn. Căn cứ từ đánh giá trên, chúng tôi cho rằng LCG là cổ phiếu mà nhà đầu tư nên lưu ý trong năm 2017. Mức giá mục tiêu đối với LCG là 7.500 – 8.000 đồng, tương ứng PE 8x và PB là 0,6x.
Khuyến nghị mua TRC và DPR, nắm giữ PHR
CTCK BIDV (BSC)
Với giả định giá bán ra đạt mức trung bình 40 triệu/ha, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC) sẽ tăng mạnh 104% lên mức 64,6 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp có thể đạt 120.3 tỷ đồng (tăng trưởng 46,7% so với năm trước), tương đương với EPS 2017 đạt 2.823 VND/cp. P/E forward hiện đang là 11.2x
Với giả định cao su trung bình 40 triệu/tấn, BSC kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động cao su của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã DPR) ước đạt khoảng 120 tỷ đồng (tăng trưởng 150%), lợi nhuận sau thuế thuộc công ty mẹ 2017 ước đạt 201.5 tỷ đồng (tăng trưởng 26,7%), tương ứng với EPS 2017 ước đạt 3.523 VND/cp và P/E forward là 13x.
Với kỳ vọng giá cao su ở mức trung bình 40 triệu đồng/tấn, BSC cho rằng lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) có thể đạt 269 tỷ đồng (tăng trưởng 5%), tương đương EPS 2017 đạt 2.249 VND/cp và P/E forward đang là 13.8x.
Bên cạnh đó, PHR không có tăng trưởng mạnh về lợi nhuận do (1) Sản lượng khai thác sụt giảm 15% do việc thanh lý làm giảm diện tích khai thác; (2) Lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng đất Khu công nghiệp sụt giảm từ 106 tỷ (2016) còn khoảng 20 tỷ.