Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/11

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/11 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/11

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu HDC nằm tại mức 29.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HDC của Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá trung hạn từ đầu tháng 4 đến nay dù cho đã có giai đoạn điều chỉnh vào nửa cuối tháng 10.

Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng giảm dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 5/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HDC nằm tại xung quanh giá 22.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 29.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 21 bị xuyên thủng.

Có khả năng điều chỉnh tăng dự báo đối với DCM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Lợi nhuận ròng sơ bộ 10 tháng năm 2020 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cho thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo năm 2020 của chúng tôi. Như đã đề cập trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ngày 28/10/2020, lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2020 đạt 457 tỷ đồng (tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 97,2% dự báo cả năm của chúng tôi. Ngoài ra, DCM công bố lợi nhuận ròng 10 tháng năm 2020 đạt 485 tỷ đồng, tương ứng 103% dự báo cả năm của chúng tôi.

DCM đang có kế hoạch điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 lên mức 508 tỷ đồng (tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái) từ con số hiện tại là 52 tỷ đồng (giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc của DCM chia sẻ rằng Công ty có thể vượt con số này và ghi nhận lợi nhuận ròng năm 2020 ở mức 600 tỷ đồng (tăng trưởng 40,5%). Diễn biến này cho thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo năm 2020 hiện tại của chúng tôi.

Sau khi thành công gia tăng hiệu suất hoạt động từ 109,6% vào cuối năm 2019 lên 111,5% hiện tại, ban lãnh đạo đặt mục tiêu gia tăng hiệu suất hoạt động lên 115,6% sau khi bảo trì trong năm 2021.

Mục tiêu này của ban lãnh đạo nhằm tận dụng tiềm năng nhu cầu xuất khẩu từ Cambodia, Ấn Độ và các quốc gia khác. Theo công ty, DCM đã tăng thị phần tại Cambodia từ 40% vào cuối năm 2019 lên 60% hiện tại.

Ban lãnh đạo cung cấp thêm thông tin liên quan đến cơ chế chi phí đầu vào. Cụ thể, DCM đã ký kết phụ lục với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó giá khí đầu vào sẽ theo cơ chế giá thị trường.

Tính sơ bộ, DCM đã hoàn tất thỏa thuận với PVN, trong đó 90% sản lượng khí của DCM áp dụng mức giá tương ứng 46% giá dầu nhiên liệu trung bình (các mỏ khí hiện hữu, khoảng 2,7 USD/triệu BTU ở mức giá dầu nhiên liệu là 270 USD/tấn) và 10% sản lượng còn lại áp dụng mức giá tương ứng 12,7% giá dầu Brent ( sản lượng khí mà PVN mua từ Petronas, 5,5 USD/triệu BTU khi giá dầu Brent ở mức 43 USD/thùng).

Tuy nhiên, DCM vẫn đang chờ ký kết hợp đồng chính thức với PVN, sau khi PVN chốt sản lượng khí với Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin chi tiết và điều chỉnh dự báo nếu có các diễn biến mới liên quan đến vấn đề này.

Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2021 đạt 300 tỷ đồng, thấp hơn 50% so với lợi nhuận ròng ước tính năm 2020 đề cập bên trên là 600 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng ban lãnh đạo của DCM thường đặt mục tiêu thận trọng trong các năm gần đây. Do đó, DCM đặt kế hoạch chia cổ tức tiền mặt ở mức 650-700 đồng/CP (lợi suất 5,2%-5,6%) trong năm 2020 và tương lai, so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 800 đồng/CP (lợi suất 6,3%).

Khi DCM đã đối mặt với các khó khăn trong việc thực hiện chạy thử nhà máy NPK mới do các kỹ sư nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam do dịch COVID-19, DCM đặt mục tiêu nhà máy NPK mới này sẽ bắt đầu hoạt động từ quý 1/2020 và kỳ vọng sản lượng bán đạt 150.000 - 160.000 tấn (tương ứng hiệu suất hoạt động 50 - 53%) và đóng góp doanh thu khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (15% tổng doanh thu của DCM). Diễn biến này khác với dự báo của chúng tôi cho rằng nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý 4/2020 với hiệu suất hoạt động 15% và ghi nhận khoản lỗ ròng 44 tỷ đồng.

Ngoài ra, ban lãnh đạo có quan điểm tương đối tích cực về các sản phẩm NPK của công ty cũng như tin rằng chất lượng của các sản phẩm này là tương tự công ty cùng tập đoàn là DPM, dù khác biệt về công nghệ và chi phí vốn thấp hơn.

Bên cạnh đó, trong chiến lược dài dạn của công ty, DCM đặt kế hoạch thực hiện M&A với 1 nhà sản xuất NPK khác để tăng công suất sản xuất NPK thêm 2,5 lần, từ 300.000 tấn lên 750.000 tấn, sẽ là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính để doanh thu của DCM tăng gấp đôi trong năm 2025 so với năm 2020.

DCM ước tính sẽ tiết kiệm được 70-230 tỷ đồng chi phí mỗi năm nếu đề xuất thay đổi thuế GTGT được thông qua, so với ước tính của chúng tôi là 230 tỷ đồng. Chênh lệch này chủ yếu do khác biệt trong giả định chi phí khí/giá urê, đến từ mức chênh lệch trong giả định giá dầu Brent của chúng tôi (50-55 USD/thùng) và của ban lãnh đạo (40-45 USD/thùng).

Khuyến nghị mua cổ phiếu ACB

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu và nâng giá mục tiêu tăng 13% lên 29.100 đồng/CP. Với sự quan ngại đại dịch sẽ quay trở lại vào mùa đông 2020 và EU tái phong toả gần đây, chúng tôi nghiêng về các ngân hàng có năng lực tài chính và chất lượng tài sản tốt như ACB.

>> Tải báo cáo

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục