Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/12

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/12

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NTC

CTCK Phú Hưng (PHS)

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 quy mô cho thuê 255 ha đã chính thức được phê duyệt vào tháng 9/2018 sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu trong 5 năm tới.

Chúng tôi tin rằng triển vọng lắp đầy tích cực nhờ nhu cầu bất động sản Khu công nghiệp dự báo gia tăng mạnh hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Chuyển nhượng dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên diện tích 51 ha với giá trị ước tính 400 tỷ đồng có thể giúp Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) cán đích kế hoạch kinh doanh năm 2018 trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành lần lượt 20% và 46% kế hoạch.

Với lợi thế từ cổ đông lớn là Tập đoàn cao su quốc gia Việt Nam (VRG) và cao su Phước Hòa (PHR), NTC phát triển dự án trên quỹ đất được VRG và PHR bàn giao từ đất đồn điền cao su hết niên hạn khai thác, do đó, giá vốn rẻ (ước tính bằng ½ trung bình ngành), tiền đề cho NTC mở rộng Khu công nghiệp trong dài hạn.

Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/E trung bình ngành để định giá cổ phiếu NTC. Khuyến nghị nắm giữ NTC với mục tiêu giá là 91.800 đồng/cp tương ứng với EPS forward 2019 là 12.071 đ/cổ phiếu và P/E là 7,6 lần.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu GIL

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, CTCP Sản xuất – Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL) ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế.

Theo đó, doanh thu 9 tháng đạt 1.607 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước) với biên lợi nhuận cải thiện từ 14% lên 16%, hỗ trợ lợi nhuận sau thuế gia tăng lên mức 89 tỷ đồng (tăng trưởng 50,8%).

Dự báo cho cả năm 2018, Công ty sẽ duy tri được tốc độ tăng trưởng bình quân ở nhóm khách hàng Ikea và các khách hàng khác ở mức 11% và giả định tốc độ tăng của khách hàng mới Amazon sẽ khoảng 14% (tương ứng với tăng trưởng bình quân của mảng may mặc thông qua các kênh thương mại điện tử, theo E-marketer Retail), từ đó ước tính doanh thu cả năm 2018 của GIL sẽ đạt 2.430 tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 163 tỷ đồng (tăng trưởng 23%).

Kỳ vọng trong năm 2019, Gilimex tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng số lượng đơn hàng của Amazon và Ikea ở mức 2 con số, lần lượt đạt 14% và 11%, từ đó ước tính doanh thu năm 2019 của Gilimex sẽ đạt 2.727 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) và lợi nhuận sau thuếđạt 204 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với năm trước).

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E (tỷ lệ 50%-50%), ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu GIL sẽ vào khoảng 47,122 đồng/ cổ phiếu, tương ứng với mức P/E forward 5.x. Trong trường hợp GIL phát hành thêm cổ phiếu và nâng số lượng đang lưu hành lên 30 triệu cổ phiếu, giá trị sau pha loãng của GIL sẽ vào khoảng 29.904 đồng/ cổ phiếu. Từ đó, đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

KBC có thể tiến tới kiểm tra ngưỡng 15

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã KBC) là cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đang trong xu hướng hồi phục sau khi hình thành mô hình 2 đáy với đáy sau cao hơn đáy trước.

Thanh khoản trong 2 phiên tăng giá mạnh gần đây đều vượt trên mức trung bình báo hiệu đọng lực tăng vẫn có thể tiếp tục. Vận động 3 đường MA báo hiệu cổ phiếu đang nằm trong xu hướng hồi phục trung và ngắn hạn. Đường MACD báo hiệu xu hướng cổ phiêu vẫn sẽ tiếp tục tăng khi khoảng cáchvới đường tín hiệu chưa lớn.

Chỉ báo RSI cũng cho thấy cổ phiếu vẫn chưa chạm vùng quá bán. 2 chỉ số này tuy đều có lúc giảm tạo thành đáy nhưng hồi phục lại rất nhanh tạo nên vị thế khá vững cho cổ phiếu.

Như vậy, cổ phiếu KBC sẽ tiến tới kiểm tra ngưỡng 14.5 trong các phiên tiếp theo. Nếu thanh khoản và giá đều tăng trong các phiên sắp tới, cổ phiếu có thể sẽ tiến tới kiểm tra ngưỡng kháng cự 15.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VNM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo Nghị quyết HĐQT của CTCP Sữa Việt Nam (VNM), công ty đã thành lập “Khối Kinh doanh Quốc tế” và đổi tên khối kinh doanh hiện tại thành “Khối Kinh doanh nội địa.” Các quyết định nói trên có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.

Công ty cho biết việc thành lập phòng Khối Kinh doanh Quốc tế có mục đích đẩy mạnh việc mở rộng trên thị trường nước ngoài của công ty trong thời gian tới. Khối này sẽ đảm nhiệm cả khâu xuất khẩu lẫn điều hành hoạt động ở nước ngoài (VD: Campuchia) mà trước đây do các đơn vị khác nhau điều hành riêng lẻ.

Ông Mai Hoài Anh, nguyên Giám đốc Điều hành Kinh doanh phụ trách cả hoạt động trong nước và xuất khẩu được bổ nhiệm Giám đốc Điều hành Khối Kinh doanh Quốc tế từ ngày 01/12/2018. Như vậy, ông Mai Hoài Anh sẽ không còn đảm nhiệm hoạt động kinh doanh trong nước của VNM. Ban lãnh đạo cho biết công ty dự kiến sẽ bổ nhiệm lãnh đạo mảng kinh doanh trong nước trong thời gian tới.

Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng của VNM trên thị trường nước ngoài và chờ đợi đến khi VNM đạt được bước tiến cụ thể vì công ty vẫn chưa có thành tích trong quá khứ về mặt này.

Công ty nhấn mạnh Myanmar, Indonesia và Trung Quốc là các thị trường tiềm năng tại châu Á. Trong số 3 thị trường này, chúng tôi đặt kỳ vọng lớn nhất vào Myanmar vì thị trường này vẫn còn trong giai đoạn mới phát triển, tương tự Campuchia, là nơi VNM đã có được chỗ đứng vững chắc.

Công ty đã tìm được đối tác phân phối tại Myanmar và cho biết sẽ bắt đầu xuất khẩu sang nước này trong thời gian tới. Trong khi đó, chúng tôi giữ thái độ thận trọng về Trung Quốc và Indonesia vì các thị trường này đã phát triển và cạnh tranh gay gắt.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VNM với giá mục tiêu 121.100VND/cổ phiếu (tổng mức sinh lời -6,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%).

Khuyến nghị mua dành cho PC1

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dù điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) còn 28.700 đồng/CP, do giả định ghi nhận chậm hơn từ dự án Thanh Xuân dẫn đến chỉnh giảm 26% dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2019.

Với giả định biên lợi nhuận gộp cao hơn cho dự án bất động sản Mỹ Đình plaza 2, chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế 2018 thêm 6,1% lên 499 tỷ đồng, tăng 110,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng chủ yếu đến từ ghi nhận dự án Mỹ Đình plaza 2 và đóng góp của hai nhà máy thủy điện mới.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế 2019 còn 384 tỷ đồng, giảm 23,1% so với năm trước, do giả định ghi nhận ít hơn từ dự án Thanh Xuân, tương ứng với lợi nhuận gộp mảng bất động sản giảm 73,7% trong năm 2019. Không tính mảng bất động sản, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019 sẽ tăng 10,1% với kỳ vọng lợi nhuận gộp mảng xây lắp điện sẽ phục hồi 54%.

Yếu tố hỗ trợ: thâu tóm thành công quỹ đất mới, phê duyệt nhà máy thủy điện mới và công bố thông tin chi tiết cho mảng sản xuất thiết bị điên mới.

Khuyến nghị khả quan đối với PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) thêm 7,4% và nâng khuyến nghị lên khả quan khi cập nhật mô hình định giá Chiết khấu dòng tiền, cùng với hợp đồng kho chứa dầu thô nổi (FSO, FPSO) và Cơ khí Dầu khí (M&C) mới, mặc dù lợi nhuận 2019 dự phóng thấp hơn và lãi suất phi rủi ro cao hơn.

Chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận 2018 thêm 1,8% do tiến độ nhanh hơn của dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt, bù đắp cho diễn biến kém tích cực của các mảng khác (tàu biển, Khảo sát Địa chấn và quản lý FSO). Trong khi đó, chúng tôi điều chính giảm 7,6% lợi nhuận dự báo 2019 do lợi nhuận dự báo thấp hơn của các mảng này, dù mảng M&C phục hồi.

Chúng tôi dự báo EPS cốt lõi 2018 sẽ giảm 24,5% so với năm ngoái do lỗ từ giải thể mảng Khảo sát Địa chấn và giá thuê ngày thấp hơn cho FPSO Lam Sơn và FSO Biển Đông.

Tuy nhiên, EPS cốt lõi 2019, nhiều khả năng sẽ phục hồi 24,9% so với năm trước nhờ lợi nhuận cao hơn từ dự án SV-DN, lợi nhuận ban đầu từ dự án Gallaf mới và không còn lỗ từ mảng Khảo sát Địa chấn.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2018-2023 đạt 15,2%, được dẫn dắt bởi dự án SV-DN, Gallaf, Lô B và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 của mảng M&C và mảng FSO ổn định.

PVS hiện đang giao dịch với P/E 14,5 lần năm 2019 dựa theo dự báo của chúng tôi, là khá hấp dẫn so với P/E trung vị 15,3 lần của các công ty cùng ngành, trong khi vượt trội các công ty cùng ngành tính theo ROE và đòn bẩy thuần.

Yếu tố hỗ trợ: thông báo được nhận hợp đồng từ dự án Lô B và Sư Tử Trắng – giai đoạn 2; mức tăng giá thuê ngày của FPSO Lam Sơn.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho STB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) tăng 26% lên 15.000VND/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan với tổng mức sinh lời dự kiến đạt 17,2% vì hoạt động cốt lõi cải thiện trong khi tài sản cũ giảm, cho thấy câu chuyện tái cơ cấu ngày càng thuyết phục hơn.

Vì tài sản Nhóm 1 tiếp tục diễn biến khả quan nên chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo thu nhập lãi thuần năm 2018 thêm 10% và năm 2019 thêm 22% nhờ nợ Nhóm 1 tăng mạnh hơn so với cho vay và trái phiếu VAMC giảm.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 27% đối với dự báo lợi nhuận 2018 và 16% đối với dự báo lợi nhuận 2019 do dự báo chi phí dự phòng cho 2 năm nói trên được điều chỉnh tăng lần lượt 75% và 44%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng phản ánh tăng trưởng doanh thu cao hơn và khả năng dự phòng cải thiện, với tỷ lệ dự phòng dự trữ từ mức thấp.

Định giá của chúng tôi hoàn toàn dựa trên thu nhập thặng dư và chúng tôi điều chỉnh giá trị sổ sách bằng cách áp dụng tỷ lệ chiết khấu 24% đối với 67 nghìn tỷ đồng tài sản cũ để ghi nhận các khó khăn trong việc phục hồi hoàn toàn.

Rủi ro chính liên quan đến tình hình nền kinh tế và STB mất đà trong việc xử lý tài sản cũ.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục