Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/3

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/3

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

CTCK ACB (ACBS)

Dự phóng 2020 của chúng tôi về Công ty cổ phần Vinhomes (VHM – sàn HOSE) hầu như không thay đổi so với báo cáo trước đó với doanh thu thuần ước đạt 81.297 tỷ đồng (tăng 57% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 28.382 tỷ đồng (tăng trưởng 17%).

Sử dụng phương pháp RNAV, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu năm 2020 là 100.113 đồng/cp, thấp hơn 7% so với giá mục tiêu trước đây do điều chỉnh giảm doanh số bán hàng và việc triển khai các dự án Vinhomes Gallery, Vinhomes Landmark Service Apartment, Vinhomes Vũ Yên, Vinhomes Kỳ Hòa, Vinhomes Cổ Loa và Vinhomes Củ Chi tiếp tục bị hoãn. Duy trì khuyến nghị mua dành cho VHM.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 144.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động với giá mục tiêu 12 tháng 144.000 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) ngành bán lẻ duy trì tăng trưởng khả quan, (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi Điện Máy Xanh và thế giới di động nhờ đẩy mạnh kinh doanh thêm mặt hàng đồng hồ, và (iii) tiếp tục mở rộng mô hình chuẩn tại các cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh và nhân rộng hệ thống trên toàn quốc.

Mức giá mục tiêu được xác định dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền, tương ứng P/Ef 2020 là 12,4 lần (theo EPS 2020F khoảng VND11.615).

Khuyến nghị khả quan dành cho TPB với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) công bố nghị quyết HĐQT với kế hoạch mua lại tối đá 10 triệu cổ phiếu quỹ, đợt mua lại với mục đích giảm lượng cổ phiếu lưu hành và tăng giá trị cho cổ đông.

Số tiền tài trợ cho việc mua lại này sẽ đến từ lợi nhuận chưa phân phối sau thuế báo cáo ngày 30/06/2019. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến là trong quý 1 và quý 1/2020 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Trước kế hoạch này, TPB hiện đang nắm giữ 30 triệu phiếu quỹ.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho TPB với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 17,1%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị khả quan dành cho AST với giá mục tiêu 68.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giảm 13% giá mục tiêu dành cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) còn 68.900 đồng/CP. Tuy nhiên, chúng tôi nâng khuyến nghị lên khả quan từ mức phù hợp thị trường khi giá cổ phiếu đã giảm 23% trong vòng 3 tháng qua.

Mức giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi (1) mức giảm lần lượt 14%/3%/1% trong doanh số cửa hàng hiện hữu lần lượt cho các năm 2020/2021/2022; (2) gia tăng chi phí bán hàng/doanh thu giả định lên 0,5 điểm %/0,1 điểm %/0,1 điểm % trong các năm 2020/2021/2022 chủ yếu do chi phí mặt bằng bán lẻ dự phóng cao hơn. Đây là các yếu tố chỉnh ảnh hưởng đến mức giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự báo lần lượt 42%/9%/10% trong vòng 3 năm tới.

Chúng tôi cho rằng dịch COVID-19 sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận của AST trong ngắn hạn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, trong kịch bản cở sở của chúng tôi, chúng tôi dự báo rằng tác động của dịch bệnh này đến ngày hàng không và khách sạn - nghỉ dưỡng sẽ dần đạt đỉnh vào cuối quý 1/2020 và sẽ dần bắt đầu phục hồi từ quý 2/2020.

Trong năm 2020, mức giảm 32% trong lợi nhuận dự báo cũng đến từ (1) mức giảm 39 điểm % và 33 điểm % trong tỷ lệ lấp đầy và biên lợi nhuận gộp giả định tại khách sạn của AST tại Đà Nẵng và (2) mức giảm 60% trong dự báo lợi nhuận của VINACS, công ty liên kết mảng suất ăn hàng không của AST.

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đến triển vọng dài hạn của AST khi chúng tôi cho rằng công ty sẽ có vị thế tốt để được hưởng lợi từ bùng nổ ngành du lịch và hàng không của Việt Nam, với các cửa hàng bán lẻ tại sân bay có vị trí tốt ở 7 sân bay lớn nhất Việt Nam.

Rủi ro: mức tăng chi phí thuê mặt bằng tại sân bay cao hơn dự kiến hoặc mất đi các vị trí ở sân bay; cạnh tranh gia tăng trong mảng khách sạn.

Khuyến nghị kém khả quan dành cho BID với giá mục tiêu 37.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BID) lên 37.700 đồng/CP và nâng P/B mục tiêu từ 1,67 lần trong báo cáo cập nhật gần nhất lên 1,96 lần cùng với tăng trung bình 5,3% dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024. Chúng tôi giữ khuyến nghị kém khả quan dành cho BID.

Dự báo lợi nhuận của chúng tôi tăng chủ yếu do mức tăng trung bình 15,4% trong giả định thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý của chúng tôi trong kỳ dự báo.

Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ giảm 6 điểm cơ bản trong năm 2020 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 11% và lợi suất tài sản giảm 12 điểm cơ bản, cùng với mức giảm 3 điểm cơ bản trong chi phí huy động dự phóng 2020. Trong khi đó, chúng tôi giảm dự báo nợ xấu 2020 thêm 25 điểm cơ bản còn 1,60% từ mức 1,85% trong báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi.

Chúng tôi kỳ vọng xử lý khoản nợ 170 triệu USD trong dư nợ VAMC, dẫn đến mức tăng 3,6% trong chi phí dự phòng và qua đó chiếm 60% lợi nhuận trước dự phòng năm 2020.

ROE và ROA dự phóng 2020 của chúng tôi là 14,1% và 0,7%, so với trung vị ngành lần lượt là 20,3% và 1,7%. Do đó, chúng tôi định giá của BID hiện tại đã khá phù hợp P/B 2020 là 2,3 lần.

Rủi ro chính: (1) cần tăng vốn để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai, dẫn đến rủi ro pha loãng; (2) các biến động vĩ mô ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến chi phí tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh quy mô dư nợ cho vay lớn của BID; (3) dù chúng tôi chưa ghi nhận rủi ro đáng kể từ dịch COVID-19, các biến động lớn trong các chỉ báo vĩ mô như số liệu xuất khẩu trong vài tháng tới có thể đòi hỏi chúng tôi điều chỉnh dự báo cho 2020.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho NVL

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) trong khi giảm giá mục tiêu 6% còn 58.500 đồng/CP khi số dư tiền mặt ròng thấp hơn tính đến cuối năm 2019 phần nào được bù đắp bởi mức điều chỉnh tăng định giá cho dự án Aqua City sau khi thâu tóm quỹ đất bổ sung.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 6% đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với năm ngoái) chủ yếu nhờ khoản lãi cao hơn từ việc định giá lại tài sản sau khi hợp nhất khoản đầu tư (quỹ đất/công ty con) trong bối cảnh công ty có kế hoạch gia tăng hoạt động M&A và đầu tư.

Giá trị bán theo hợp đồng năm 2019 đã tăng mạnh đạt 39,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 414% so với năm trước, cao hơn so với dự báo của chúng tôi là 34,9 nghìn tỷ đồng), dẫn dắt bởi đóng góp từ các dự án Khách sạn nghỉ dưỡng (43%), dự án tại TP.HCM (37%) và khu đô thị Aqua City tại tỉnh Đồng Nai (20%).

Chúng tôi dự báo giá trị bán theo hợp đồng năm 2020 đạt 31 nghìn tỷ đồng (giảm 21% ) – chủ yếu đến từ kế hoạch mở bán các dự án Khách sạn nghỉ dưỡng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 1 có khả năng chững lại cho bùng phát dịch virus corona.

Yếu tố hỗ trợ: giá đất và chi phí xây dựng của các dự án Khách sạn nghỉ dưỡng và khu đô thị tăng.

Rủi ro: kế hoạch mở bán dự án bất động sản mới tại TP.HCM tiếp tục bị trì hoãn do thủ tục pháp lý kéo dài, rủi ro pha loãng từ phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi.

Khuyến nghị khả quan dành cho TCM với giá mục tiêu 20.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), nhưng giảm giá mục tiêu 10% còn 20.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 18%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh mức giảm giả định lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi trung bình 6,3% (không bao gồm lãi/lỗ ngoài cốt lõi) trong giai đoạn 2020-2022, chủ yếu do giảm giả định doanh số xuất khẩu sợi và sản phẩm may mặc tổng cộng 6,6% trong cùng giai đoạn, chủ yếu vì doanh số xuất khẩu của TCM tiếp tục tăng trưởng chững lại cùng với bùng phát dịch virus corona. Bùng phát dịch được kỳ vọng sẽ trì hoãn chuỗi sản xuất của TCM trong ngắn hạn.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 sẽ tăng 2,8% so với năm ngoái, đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 1,1% còn 213 tỷ đồng. Sự khác biệt giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ biên lợi nhuận gộp dự phóng năm 2020 giảm 0,2 điểm phần trăm.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng phục hồi trong năm 2021 với doanh thu tăng 7% và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 6,4% , chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh số xuất khẩu của mảng vải và sản phẩm may mặc đến các thị trường hiện hữu của TCM.

Chúng tôi cho rằng định giá của TCM đã trở nên hấp dẫn hơn tại PER trượt 12 tháng đạt 5,6 lần – chiết khấu 13% so với trung vị PER trượt 12 tháng của các công ty cùng ngành là 6,4 lần.

Lợi thế cạnh tranh của TCM đến từ chuỗi giá trị tích hợp từ kéo sợi đến sản xuất sản phẩm may mặc cùng với quan hệ với E-Land Group, tập đoàn bán lẻ thời trang của Hàn Quốc, vốn là cổ đông và là khách hàng lớn nhất của TCM.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: biên lợi nhuận tiếp tục giảm, chững lại trong cải thiện năng suất, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của TCM giảm.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục