Đạm Cà Mau: Khuyến nghị mua với giá mục tiêu 14.800 đồng
Công ty TNHH Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần 128,9 triệu cp với giá khởi điểm 12.000 đồng/cp vào ngày 11/12/2014. Chúng tôi dự phóng trong năm 2014, Đạm Cà Mau (DCM) đạt 5.863 tỷ đồng doanh thu thuần và 706,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 1.706 đồng/cp, bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (FCFE) chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với DCM với giá mục tiêu 14.800 đồng/cp cao hơn 23,6% so với giá khởi điểm là 12.000 đồng.
Vị thế ngành. Sản phẩm Đạm Cà Mau hiện là sản phẩm đạm hạt đục duy nhất được sản xuất tại Việt Nam. Nhà máy Đạm Cà Mau với sản lượng sản xuất hàng năm đạt 800.000 tấn/năm, là một trong những đơn vị sản xuất ure lớn nhất Việt Nam, đáp ứng 40% nhu cầu phân ure trong cả nước.
Nhà máy đã vận hành ở mức công suất tối đa. Trong quá trình sản xuất đến nay, nhà máy Đạm Cà Mau luôn duy trì vận hành ở mức trên 98-100% công suất thiết kế. Dự kiến trong năm nay Đạm Cà Mau sẽ sản xuất 772.000 tấn/năm và các năm sau sẽ vận hành hết công suất thiết kế.
Phương án cổ phần hóa. Vốn điều lệ của DCM là 5.294 tỷ đồng trong đó dự kiến, Nhà nước nắm giữ 269,994 triệu cổ phần, tương ứng 51% vốn, cổ phần bán ra công chúng là 128,9 triệu, tương ứng 24,36%. Dự kiến, sau 3 tháng kể từ ngày cổ phần hóa, tức ngày 11/3 năm 2015, DCM sẽ niêm yết trên sàn HSX.
Giá khí đầu vào được hỗ trợ bởi PVN. Nguyên liệu khí đầu vào của PVCFC lấy từ nguồn khí tại mỏ PM3 thông qua đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau do PVGas làm đại diện cho PVN ký bán cho PVCFC. Thông qua hợp đồng mua bán khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo về giá khí cho PVCFC giai đoạn 2015 -2018 để công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 12%/năm từ hoạt động SXKD phân bón.
Thị trường phân bón mà cụ thể là thị trường phân đạm với các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu cả nước là Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn), Đạm Phú Mỹ (công suất 800.000 tấn), đạm Ninh Bình (560.000 tấn), đạm Hà Bắc (công suất 500.000 tấn) sẽ không có nhiều chuyển biến bất ngờ trong những năm tới. Trong giai đoạn 2015-2018, theo Fertercon dự báo thị trường thế giới sẽ tiếp tục còn tình trạng thừa cung và tương tự thị trường Việt Nam với nhu cầu 2,1-2,2 triệu tấn/năm sẽ không có gì cải thiện khi tiếp tục duy trì trong tình trạng cung vượt quá cầu. Chúng tôi cho rằng DCM sẽ tiếp tục duy trì vị thế của mình với việc cung cấp khoảng 40% phân ure cho thị trường trong nước và chưa có diễn biến đột phá trong hoạt động kinh doanh. Dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền, chúng tôi cho rằng giá hợp lý cho DCM là 14.800 đồng/cp tại thời điểm cuối năm 2014.
>> Tải báo cáo
GMD: PE ở mức khá cao, hơn 30x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Gemadept thông báo ngày 15/12/2014 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận cổ tức tiền mặt năm 2013 mức 1.200 đồng/cp, tương đương với tỷ suất cổ tức 3,7%. Thời gian thực hiện dự kiến là 25/12/2014. GMD chưa có kế hoạch trả cổ tức cho 2014. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng một tỷ lệ chi trả cao hơn so với 2013 do lợi nhuận 2014 của công ty tăng trưởng đột biến.
Các mảng kinh doanh chính của GMD vẫn tăng trưởng tốt trong quý III/2014, đặc biệt là mảng cảng biển (chiếm 35% doanh thu) với mức tăng mạnh 33% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đóng góp từ cảng Nam Hải Đình Vũ. Theo đó, tổng doanh thu của công ty tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 741,8 tỷ đồng. Dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu gia tăng nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, lãi ròng quý III/2014 của GMD vẫn tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 33,4 tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng của doanh thu.
Với 570,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+204,4% so với cùng kỳ năm ngoái) ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2014, GMD đã vượt 11% kế hoạch đề ra cho 2014. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 tăng đột biến phần lớn là do đóng góp của khoản thu nhập bất thường từ thương vụ chuyển nhượng Gemadept Tower. Về doanh thu, GMD đạt 2.094 tỷ đồng (+14,8% so với cùng kỳ năm ngoái) trong 9 tháng đầu năm 2014, hoàn thành 79% kế hoạch 2014.
GMD đang giao dịch ở mức 7,2 lần PE ước tính cho 2014, so với mức 8 lần bình quân ngành. Tuy nhiên, nếu loại trừ thu nhập bất thường, thì PE 2014 của GMD sẽ ở mức rất cao, hơn 30x.
KBC: Áp lực tài chính khá lớn
CTCK MB (MBS)
KBC công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 580 tỷ VNĐ, tăng 71% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 165 tỷ VNĐ cải thiện mạnh so với mức lỗ 128 tỷ cùng kỳ.
Ngày 26/11, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận hồ sơ và phương án chào bán riêng lẻ 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Kinh Bắc City.
Theo nghị quyết ĐHCĐ của KBC thì trái phiếu sẽ có kỳ hạn 3-5 năm kể từ ngày phát hành với giá chuyển đổi không thấp hơn 15.000 đồng/cp và lãi suất trái phiếu không quá 12%/năm. Trái phiếu này có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với lượng phát hành là 1.200 trái phiếu và không có tài sản đảm bảo.
Theo thông bố của Công ty vào ngày 19/11 thì lượng đăng ký mua đã vượt số lượng chào bán; trong đó các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài đã đăng ký trên 70%. Chúng tôi đánh giá đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà đầu tư tổ chức lớn vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của KBC.
Tuy nhiên, việc phải phát hành một khối lượng lớn trái phiếu chuyển đổi với mức lãi suất khá cao so với mặt bằng lãi suất hiện tại cho thấy áp lực tài chính lên KBC là khá lớn. Lượng trái phiếu chuyển đổi lớn cũng sẽ gây rủi ro pha loãng đối với cổ phiếu của Công ty trong tương lai.